Ban hành biểu thuế quan đối với hơn 11.000 ngành hàng nhằm thực hiện Hiệp định VIFTA
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 131/2024/NĐ-CP Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhà nước Israel (Hiệp định VIFTA) giai đoạn 2024-2027.
Nghị định nêu rõ, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định VIFTA giai đoạn 2024 - 2027 (sau đây gọi tắt là Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt) gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các giai đoạn được nhập khẩu từ lãnh thổ Israel vào Việt Nam đối với từng mã hàng.
Bộ Tài chính cho biết, mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trung bình các dòng cam kết tại năm 2024 là 10,3%, năm 2025 là 9,3%, năm 2026 là 8,4% và năm 2027 là 7,5%. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hơn 11 nghìn dòng hàng.
Thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với một số mặt hàng thuộc nhóm hàng 04.07 (Trứng chim và trứng gia cầm, nguyên vỏ, sống, đã bảo quản hoặc đã làm chín); 17.01 (Đường mía hoặc đường củ cải và đường sucroza tinh khiết về mặt hóa học, ở thể rắn); 24.01 (Lá thuốc lá chưa chế biến; phế liệu lá thuốc lá); 25.01 (Muối (kể cả muối thực phẩm và muối đã bị làm biến tính) và natri clorua tinh khiết, có hoặc không ở trong dung dịch nước hoặc có chứa chất chống đóng bánh hoặc chất làm tăng độ chẩy; nước biển) chỉ áp dụng trong hạn ngạch thuế quan;
Danh mục và lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm theo quy định của Bộ Công Thương và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy định tại biểu thuế xuất khẩu; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối; Thuế hỗn hợp; Thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu.
Điều kiện áp dụng
Nghị định quy định, hàng hóa nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VIFTA phải đáp ứng đủ 3 điều kiện sau: Thuộc biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; Được nhập khẩu vào Việt Nam từ Israel; Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Hiệp định VIFTA và các quy định hiện hành.
Nghị định cũng nêu rõ: Hàng hóa từ khu phi thuế quan của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường trong nước được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VIFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện (1) và (3) nêu trên. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024 đến hết ngày 31/12/2027.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA)
Tháng 7/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA). VIFTA là hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan tâm như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, mua sắm chính phủ…
Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỉ lệ tự do hóa thương mại với tỉ lệ tự do hóa tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế, hai bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.
Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh của mình sang không chỉ Israel mà còn có điều kiện tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.
Ở chiều ngược lại, hàng hóa và công nghệ của Israel không chỉ có cơ hội tiếp cận với thị trường trên 100 triệu dân của Việt Nam mà thông qua Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA - Free Trade Area) mà Việt Nam là thành viên.
VIFTA sẽ tạo tiền đề để hai Bên tiếp tục khởi động đàm phán, tiến tới ký kết các hiệp định khác như Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Nguồn: vietq.vn