Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng những lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà
Theo Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của các địa phương trên cả nước, với số điểm 69,2, Bến Tre giữ vị trí 7 trong bảng xếp hạng cả nước và đứng thứ 3 ở đồng bằng sông Cửu Long sau các tỉnh Long An (ở vị trí thứ 2) và Đồng Tháp (vị trí thứ 5) và tăng đến 6 bậc so với chỉ số PCI năm 2022.
Tỉnh Bến Tre có nhiều lợi thế nổi bật, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội và tăng trưởng chỉ số PCI của địa phương. Nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, với hệ thống kênh rạch chằng chịt và phù sa màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn trái và lúa. Với 65 km bờ biển và vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000 km², Bến Tre có tiềm năng lớn trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, phát triển du lịch biển, năng lượng tái tạo và các dịch vụ cảng cá.
Tỉnh đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống giao thông thủy và đường bộ đang được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa và phát triển kinh tế.
Bến Tre nổi tiếng với các sản phẩm từ dừa, là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và thủ công mỹ nghệ. Bến Tre có gần 80.000 ha diện tích trồng dừa, chiếm khoảng 42% diện tích dừa cả nước và 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng đạt khoảng 708 triệu trái mỗi năm. Ngành công nghiệp dừa ở Bến Tre đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Các sản phẩm từ dừa rất phong phú, bao gồm cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, mụn dừa, dầu dừa, và mặt nạ dừa. Các sản phẩm dừa của Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu dừa năm 2023 đạt 420 triệu USD, chiếm 27,45% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Tỉnh đã triển khai các mô hình sản xuất theo hướng GAP và hữu cơ, với diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 20.400 ha, trong đó 13.000 ha đã đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan. Bến Tre có khoảng 180 doanh nghiệp và gần 2.400 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa. Ngành công nghiệp chế biến dừa đã tiêu thụ khoảng 85,7% tổng lượng dừa thu hoạch trên địa bàn tỉnh. Ngành công nghiệp dừa không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bến Tre đang hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, với hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ và chất lượng cuộc sống cao cho người dân.
Để phát huy những lợi thế và tiềm năng sẵn có, cần phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Ngành khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong việc phát huy lợi thế, tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà bằng cách áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại và sáng tạo, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo tập trung vào các lợi thế có nhiều tiềm năng của địa phương:
Phát triển mạnh mẽ KH,CN&ĐMST Ảnh: vneconomy.vn. |
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp: Áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, đặc biệt là cây dừa-một thế mạnh của tỉnh. Sử dụng các hệ thống tưới tiêu tự động, cảm biến và các công nghệ IoT để quản lý và giám sát nông nghiệp hiệu quả hơn.
Nghiên cứu và phát triển công nghiệp chế biến: Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ chế biến và bảo quản nông sản để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. Khai thác tối đa các giá trị từ cây dừa, phát triển các sản phẩm chế biến sâu như dầu dừa, nước dừa, sữa dừa và các sản phẩm từ dừa khác.
Thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo: Xây dựng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, cung cấp tài chính, không gian làm việc chung và các khóa đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề địa phương.
Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin: Nâng cấp và mở rộng hạ tầng viễn thông và internet để đảm bảo tất cả các khu vực trong tỉnh đều được tiếp cận với công nghệ thông tin. Xây dựng các nền tảng và hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ chuyển đổi số trong quản lý hành chính công, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác.
Đào tạo và nâng cao năng lực con người: Đầu tư vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức quốc tế để học hỏi và chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Áp dụng các công nghệ xanh trong sản xuất và đời sống để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước và đất, để đảm bảo phát triển bền vững.
Tăng cường truyền thông KH,CN&ĐMST: Cung cấp thông tin về các nghiên cứu mới, các phát minh, cải tiến công nghệ và ứng dụng thực tiễn vào sản xuát. Khuyến khích các cá nhân và tổ chức tham gia vào các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển sản phẩm mới. Tạo ra các chương trình giáo dục, hội thảo, hội nghị và các hoạt động tương tác để giúp công chúng hiểu rõ hơn về KH,CN&ĐMST. Xây dựng cầu nối giữa các nhà khoa học, doanh nhân, nhà đầu tư và các tổ chức chính phủ để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển chung. Giúp công chúng hiểu được tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường. Tham mưu cho tỉnh tổ chức các sự kiện để thu hút sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn Trung ương, các tỉnh trong vùng và truyền thông trong nước; tiếp tục khẳng định vị trí vai trò của KH,CN&ĐMST trong liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.