Xác định nguyên nhân gây chết nghêu và sò huyết ở Bến Tre

Nghêu Meretrix lyrata (Sowerby, 1851) và sò huyết Anadara granosa (Linnaeus, 1758) là các loài thân mềm hai mãnh vỏ có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng. Chính vì thế, nghêu và sò huyết trở thành đối tượng nuôi kinh tế và được chú ý phát triển mạnh ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cứu Long trong những năm gần đây. Bến Tre diện tích tiềm năng nuôi nghêu khoảng 15.000 ha, diện tích nuôi sò huyết là 1050 ha, có 9 hợp tác xã nghêu với 18.889 xã viên, giải quyết công ăn việc làm cho 10.710 lao động (Sở Nông nghiệp và PTNT, 2013). Từ năm 2009, con nghêu Bến Tre được Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế đánh giá chứng nhận MSC, được thị trường Châu Âu công nhận là sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thì giá nghêu tăng cao và thị trường mở rộng. Tuy sản lượng nghêu và sò huyết thay đổi từng năm, nhưng nguồn thu từ xuất khẩu hai đối tượng này là rất lớn, góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách của tỉnh, góp phần ổn định kinh tế - xã hội ở địa phương.

 
ns                                             Thu thập lấy số liệu thực tế.

Trong thời gian gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, các tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường như bão lũ, gió mùa, thiên địch, phì dưỡng, tảo độc… ảnh hưởng đến các loài động vật thân mềm. Trong năm 2007, năm 2008, tháng 3/2010 và tháng 4/2011 hiện tượng nghêu và sò huyết chết hàng loạt đã xảy ra nghiêm trọng tại các hợp tác xã nuôi nghêu tại Bến Tre, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, gây thất thu cho nghề nuôi nghêu và sò huyết. Hiện tượng nghêu, sò chết hàng loạt không chỉ xảy ra ở Bến Tre mà còn xảy ra ở Trà Vinh, Tiền Giang, Cần Giờ, Thanh Hóa, Nam Định… Tuy nhiên ngành thủy sản vẫn chưa có kết luận chính xác nguyên nhân vì sao nghêu chết hàng loạt.

Xuất phát từ tình hình thực tế trên trong năm 2011, UBND tỉnh Bến Tre cho phép TS Huỳnh Minh Sang -Viện Hải dương học triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xác định nguyên nhân gây chết nghêu Meretrix lyrata (Sowerby, 1851), sò huyết Andara granosa (Linaeus,1758) và đề xuất các giải pháp khắc phục để phát triển bền vững nghề nuôi nghêu và sò huyết ở Bến Tre” bằng nguồn ngân sách Khoa học và Công nghệ tỉnh. Đối tượng nghiên cứu của đề tài là hiện tượng chết hàng loạt của nghêu và sò huyết ở tỉnh Bến Tre. Nội dung chính là tìm ra cơ sở khoa học của hiện tượng nghêu và sò huyết chết hàng loạt và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Đề tài được thực hiện trong phạm vi vùng đất và nước ven bờ biển lân cận nơi có các bãi nuôi nghêu, sò huyết thuộc ba huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú tỉnh Bến Tre. Nhóm thực hiện đề tài tiến hành khảo sát thực địa 26 đợt tại 3 huyện ven biển để tiến hành thu thập các yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan), sinh vật (tảo và ký sinh trùng trên nghêu), các yếu tố thủy văn động lực trong toàn vùng phân bố của nghêu và sò huyết; thực nghiệm phòng thí nghiệm và hiện trường về các ngưỡng môi trường gây chết cho nghêu và sò huyết; tham khảo nguồn dữ liệu từ các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước trước đây tại Bến Tre và Đồng bằng sông Cửu Long liên quan đến nghêu và sò huyết; tham khảo nguồn tài liệu lịch sử về nhiệt độ trong những năm có hiện tượng nghêu và sò huyết chết ở Bến Tre; thu thập thông tin về kỹ thuật nuôi, kỹ thuật quản lý bãi nuôi, nguồn giống của người nuôi nghêu và sò huyết.

Kết quả đề tài xác định nguyên nhân gây chết nghêu hàng loạt là do: nhiệt độ nước cao, thời gian phơi bãi dài, kết hợp với độ mặn cao, là điều kiện tốt kích thích cho nghêu sinh sản. Khi nghêu sinh sản, sức khỏe nghêu yếu đi, trong điều kiện mật độ tương đối cao, nghêu không thể vùi xuống đáy để tránh sự thiêu đốt của mặt trời và chết. Khi nghêu chết bị phân hủy và sinh ra sản phẩm độc hại (chủ yếu H2S). Khí độc này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của nghêu khác và tăng thêm mức độ chết. Nguyên nhân gây chết sò huyết là do chất lượng con giống không đảm bảo, độ mặn thấp trong thời gian dài, mật độ nuôi cao. Trên cơ sở xác định nguyên nhân nhóm thực hiện đề tài sẽ đề xuất giải pháp cụ thể và có kế hoạch tập huấn cho từng hợp tác xã nuôi nghêu và sò huyết trên địa bàn toàn tỉnh.

Thành công của đề tài mang lại hiệu quả kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Trước hết về mặt khoa học, tìm ra cơ sở khoa học của hiện tượng nghêu và sò huyết chết hàng loạt, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp cụ thể cho địa phương, đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo. Về mặt xã hội, kết quả góp phần giảm thiểu rủi ro cho hơn 18.889 xã viên của các hợp tác xã nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, giải quyết công ăn việc làm; đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và các hợp tác xã về quan trắc và giám sát môi trường phục vụ quản lý cho vùng nuôi. Trong những năm vừa qua hiện tương nghêu và sò huyết chết hàng loạt gây thất thu cho nông dân đến hàng trăm tỷ đồng, đề tài thành công góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách của tỉnh, góp phần ổn định kinh tế ở địa phương.

Tường Khanh

Sở Khoa học và Công nghệ

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi