Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ca cao đạt tiêu chuẩn UTZ Certified trên địa bàn tỉnh Bến Tre

ccBến Tre có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc trồng cao cao. Tuy nhiên, diện tích trồng còn nhỏ lẻ, manh mún thiếu tập trung, người dân sản xuất theo lối cũ truyền thống, quy trình kỹ thuật canh tác chưa đồng bộ vì vậy năng suất ca cao một số nông hộ chưa cao. Mặc dù chất lượng hạt ca cao của Bến Tre được đánh giá tốt nhưng muốn cạnh tranh với các nước trên thế giới cần phải cải thiện độ đồng đều của hạt, giảm độ chua, có nguồn gốc chính xác,…  

Để thay đổi tập quán của người dân, đồng thời nâng cao chất lượng hạt cao cao, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Bến Tre chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn UTZ Certified cho sản phẩm ca cao trên địa bàn tỉnh Bến Tre” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh nghiệm thu.

Mục tiêu của dự án là xây dựng, vận hành và chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn UTZ Certified một cách ổn định cho sản phẩm ca cao trên diện tích 30-50 ha của tỉnh Bến Tre. UTZ Certified là chứng nhận chất lượng tốt bên trong của sản phẩm nông nghiệp, không chỉ bảo đảm về chất lượng mà còn bảo đảm về môi trường, kinh tế và an sinh xã hội. Khi ca cao được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng UTZ Certified thì giá hạt ca cao bán ra cao hơn, thu nhập của người dân trồng ca cao nâng lên. Thông qua dự án, nhóm tác giả đã thực hiện một số nội dung như: khảo sát hiện trạng và kỹ thuật canh tác; Xây dựng quy trình canh tác ca cao xen trong vườn dừa; Xây dựng, vận hành và chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn UTZ Certified một cách ổn định cho sản phẩm ca cao trên địa bàn tỉnh Bến Tre, trước hết là huyện Châu Thành; Duy trì hoạt động của hệ thống cho đến khi được tái chứng nhận hệ thống.

Qua thời gian thực hiện, nhóm nghiên cứu đã khảo sát hiện trạng canh tác của 90 hộ trồng ca cao cho thấy, hầu hết nông dân chưa nắm vững kỹ thuật canh tác, hiểu biết về ca cao UTZ còn mù mờ, năng suất ca cao còn thấp. Từ đó, nhóm nghiên cứu cũng đã phân tích mẫu đất trồng ca cao xen trong vườn dừa nhận thấy yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ca cao do đất có khuynh hướng bạt màu, đất có hàm lượng CEC (khả năng trao đổi cation) thấp, đây chính là nguyên nhân làm cho hàm lượng chất hữu cơ, đạm tổng số, lân tổng số trong đất thấp hơn ngưỡng khuyến cáo.  Từ kết quả trên, nhóm thực hiện đã xây dựng quy trình thử nghiệm theo 5 nghiệm thức khác nhau. Qua đó, nhóm thực hiện khuyến cáo bà con nên bón phân kết hợp lượng phân vô cơ cân đối và bón thêm phân hữu cơ để cải thiện dần độ phì nhiêu của đất thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Ngoài ra, nhóm thực hiện cũng đã xây dựng một hệ thống gồm các câu lạc bộ nông dân trồng ca cao thuộc ba xã An Khánh, Quới Sơn, Phú Đức (huyện Châu Thành) và một doanh nghiệp ca cao đạt chứng nhận UTZ Certified. Tiêu chí chọn hộ tham gia dự án là các hộ có diện tích trồng ca cao liền canh hoặc có diện tích trên 0,5 ha, tự nguyện tham gia dự án và tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn UTZ, có khả năng phát huy kết quả sau khi dự án kết thúc. Nông dân tham gia dự án sẽ được hướng dẫn thực hành UTZ Certified cho cây ca cao; thực hành nông nghiệp tốt (quản lý dịch bệnh tổng hợp, thu hái và chế biến sau thu hoạch, an toàn lao động,…). Bên cạnh đó, Công ty TNHH một thành viên Thành Hưng Thịnh là đơn vị phối hợp thực hiện xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn UTZ Certified. Các nông hộ muốn tham gia chương trình UTZ Certified phải làm đơn xin gia nhập để đăng ký với công ty này.

Kết quả, nhóm thực hiện đã xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng UTZ Certified tái chứng nhận đến năm thứ 2 với tổng số hộ là 150, diện tích 90,32 ha, vượt so với mục tiêu ban đầu. Công ty TNHH một thành viên Thành Hưng Thịnh là đơn vị sở hữu giấy chứng nhận UTZ Certified kèm theo phụ lục là tên của các hộ tham gia sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn UTZ Certified.

Dự án hoàn thành các mục tiêu, nội dung đề ra, kết quả của dự án được Hội đồng đánh giá cao và nghiệm thu loại khá. Dự án có hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội môi trường, có khả năng nhân rộng, tạo sự thay đổi tập quán canh tác của người dân, mở ra một hướng đi mới cho ca cao của tỉnh Bến Tre trong thời gian tới. Để hoàn hiện hơn, Hội đồng cũng đề nghị nhóm tác giả phân tích thêm kết quả điều tra; bổ sung quy trình canh tác ca cao đạt tiêu chuẩn UTZ.

Kim Tuyền

Trung tâm Thông tin KH&CN

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi