Cây ca cao phát triển tốt trên vùng đất nhiễm phèn, mặn

Ca cao là một trong những cây trồng xen mang lại hiệu quả kinh tế khá cao vì sản phẩm hạt ca cao được tiêu thụ ngày một tăng ở trong và ngoài nước. Trong thời gian gần đây, ở tỉnh Bến Tre cây ca cao trồng xen trong vườn dừa phát triển mạnh ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm và một số vùng đất thích hợp ở các huyện ven biển Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri… Tuy nhiên, nhiều nông dân chưa nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc trong điều kiện ảnh hưởng của phèn, mặn nên gặp không ít khó khăn khi canh tác. Từ thực trạng này, trong năm 2012, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bến Tre phối hợp với Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư Thạnh Phú, Ba Tri xây dựng mô hình thâm canh ca cao trên vùng đất nhiễm phèn, mặn.

 

hopKỹ sư Huỳnh Quang Đức, PGĐ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bến Tre hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc ca cao cho nông dân tham gia mô hình thâm canh ca cao trên vùng đất nhiễm phèn, mặn ở xã Tân Hưng và An Ngãi Tây, huyện Ba Tri.

Mô hình được thực hiện từ tháng 6/2012 tại 11 hộ dân ở 2 xã Đại Điền, Quới Điền huyện Thạnh Phú, diện tích canh tác 5 ha và 15 hộ dân ở 2 xã Tân Hưng, An Ngãi Tây huyện Ba Tri, diện tích canh tác 5 ha.

Tham gia mô hình, nông dân được đầu tư bằng hiện vật không thu hồi với định mức hỗ trợ 22,5% thực hiện mô hình gồm thuốc, phân bón như: Super Humix, Micromate, Hydrophos, Mataxyl, Norshield, vôi và phân NPK.

Định kỳ, hàng tháng cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư và Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư đến từng hộ dân để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ca cao và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh. Hướng dẫn sử dụng các sản phẩm được hỗ trợ trong mô hình và phương pháp khắc phục những ảnh hưởng của phèn, mặn. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc nông dân bón phân định kỳ, theo dõi sâu bệnh trên ca cao để phòng trị kịp thời, nhằm tránh thiệt hại xảy ra ở mức thấp nhất. Đặc biệt, cán bộ kỹ thuật tập trung hướng dẫn nông dân các kỹ thuật cần thiết, phù hợp để  áp dụng trong mô hình ở từng thời điểm trong năm như:

Trước khi khu vực trồng ca cao bị mặn xâm nhập, nông dân cần dùng lá dừa khô, lá ca cao sau tỉa và rơm, cỏ khô có trong vườn tủ lên gốc ca cao một lớp dày, bề rộng mặt đậy gốc càng lớn càng tốt. Thực hiện tốt việc đậy gốc, ngoài tác dụng giữ ẩm còn giúp hạn chế việc mao dẫn phèn, mặn lên tầng mặt. Tưới nước giữ ẩm cho cây. Sử dụng vôi có độ hòa tan chậm như đá vôi, vỏ nghêu, sò xay, rải đều khắp mặt liếp trước khi nước lợ đến vườn nhằm tăng tính chống chịu của cây ca cao, góp phần giải độc phèn, mặn và cung cấp canxi cho cây trồng. Bên cạnh đó, dùng phân hữu cơ vi sinh Super Humic trộn chung với phân NPK hoặc phân hữu cơ để bón kết hợp với phun Hydrophos để tăng khả năng chống chịu cho cây.

Trong thời gian nhiễm mặn, ngoài việc đậy gốc, nông dân cần chú ý tăng cường che mát, đặc biệt là đối với cây ca cao mới trồng năm đầu, vì trong thời gian nhiễm mặn gần như hoàn toàn không tưới nước cho cây. Cần theo dõi chặt chẽ độ mặn của nguồn nước. Trong trường hợp bắt buộc phải tưới do cây quá suy kiệt do khô hạn, cần chủ động chọn thời điểm nước ít mặn nhất và tưới cách xa gốc để ẩm độ thấm dần vào vùng rễ. Tuyệt đối tránh việc dùng nước nhiễm mặn tưới trực tiếp vào gốc, rễ cây.

Đối với việc phục hồi cây sau thời gian nhiễm mặn, nông dân bón từ 50-200 gram DAP/cây/lần, tùy thuộc vào cây ca cao còn nhỏ hay đã lớn, sau khi cây ra được một cơi đọt chớm già thì bón. Cây năm thứ nhất, bón từ 100-200 gram NPK 16-16-8/cây/năm; cây năm thứ hai bón từ 200-400 gram NPK 16-16- 8/cây/năm; cây năm thứ ba bón từ 500-800 gram NPK 20-20-15+10% kali/cây/năm. Bà con sử dụng Super Humic từ 3-5kg kết hợp với Micromate bón từ 20-25 kg/ha, nhằm cung cấp vi lượng, tăng phục hồi hệ thống rễ, cây bắt phân nhanh, sinh trưởng khỏe. Bên cạnh đó, phun Hydrophos giúp cây phát triển cân đối và toàn diện giữa bộ rễ, thân lá và phục hồi nhanh. Đồng thời, phun thuốc ngừa các loại bệnh dễ phát sinh đầu vụ bằng các loại thuốc như: Norshield 86.2WG; Mataxyl 500WP,... Tiến hành tỉa cành vào đầu mùa mưa, chiều cao tối đa của cây ca cao cần khống chế là 3-4 m.

Qua thời gian thực hiện những quy trình canh tác trên, các mô hình đã đem lại kết quả khá tốt như: cây sinh trưởng mạnh, cơi đọt ra dài, lá lớn, ra nhiều hoa, số chồi trên cây trong mô hình nhiều hơn ngoài mô hình 30%, khả năng đậu trái tốt, ít sâu bệnh so với trước đây. Đặc biệt, tỷ lệ hồi phục nhanh trên cây ca cao sau nhiễm mặn đạt 100%. 

Anh Phạm Văn Gở, nông dân tham gia mô hình ở xã Tân Hưng, huyện Ba Tri cho biết: ”Tham gia dự án phát triển ca cao của tỉnh, năm 2011 tôi trồng ca cao xen trong vườn dừa trên diện tích 4.000 m2. Lúc đầu do chưa biết cách chăm sóc nên cây phát triển chậm không đồng đều và nhiều sâu bệnh, đặc biệt là nhiều cây chết trong mùa khô, vườn bị nhiễm mặn. Sau khi tham gia mô hình, nhờ được hướng dẫn các kỹ thuật bón phân giải độc phèn, chống ngộ độc hữu cơ và cách phòng sâu bệnh nên cây ca cao phát triển rất tốt. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục trồng ca cao xen trong 4.000 m2 vườn dừa còn lại”.

Kỹ sư Huỳnh Quang Đức, PGĐ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bến Tre cho biết: “Mô hình thâm canh ca cao trên vùng đất nhiễm phèn, mặn góp phần khẳng định việc đưa ca cao trồng tại vùng đất nhiễm phèn, mặn là hướng đi đúng nhằm chuyển đổi giống cây trồng và nâng cao thu nhập trên diện tích đất tại nông hộ. Qua đó, tác động tích cực đến dự án trồng xen cây ca cao trong vườn dừa của tỉnh Bến Tre, nhất là ở các địa phương trồng dừa vùng nước lợ. Từ các buổi tập huấn của cán bộ kỹ thuật trong thời gian thực hiện mô hình đã hướng dẫn các hộ dân quy trình chăm sóc và bón phân cho ca cao, giúp nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất và định hướng cho người dân từ khâu trồng đến thu hoạch và sơ chế hạt ca cao”.

Cao Dương

Đài Phát thanh-Truyền hình Bến Tre

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi