Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên: Chọn công nghệ hiện đại
Ngày 13/05/2008, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung của Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động liên quan đến hạt nhân tại Việt Nam. Xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VAEC) vừa có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề này.
Những năm qua, cùng với sự tăng trưởng cao về kinh tế, nhu cầu năng lượng và điện năng của Việt Nam không ngừng tăng lên và sẽ tiếp tục duy trì ở mức độ cao từ nay đến 2020 và những năm tiếp theo. Theo dự báo của Bộ Công-Thương, nhu cầu điện sản xuất ở Việt Nam là khoảng 294 tỷ kWh vào năm 2020 và 562 tỷ kWh vào năm 2030. Trong khi đó, khả năng cung cấp nhiên liệu từ các nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam cho sản xuất điện năng chỉ đáp ứng được khoảng 230 tỷ kWh (2020) và 293 tỷ kWh (2030). Trước tình hình đó, từ nhiều năm nay, Chính phủ đã xem xét và giao cho các bộ ngành liên quan tiến hành nghiên cứu phát triển ĐHN, đặc biệt là Dự án xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên.
Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng và đưa vào vận hành an toàn nhà máy ĐHN đầu tiên vào khoảng những năm 2020 với tổng công suất khoảng 4.000 MW. Hiện Bộ Công-Thương đang khẩn trương hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo Đầu tư xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam. Bộ KH&CN đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử, Quốc hội đã thảo luận để sớm thông qua, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động liên quan đến hạt nhân ở Việt Nam và đang tích cực chuẩn bị các cơ sở hạ tầng cần thiết khác phục vụ cho phát triển ĐHN. Dự kiến tháng 5-2009, kế hoạch xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên sẽ được Quốc hội xem xét...
Nghiên cứu về địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN được bắt đầu từ hơn 20 năm trước. Các nhà khoa học đã khảo sát khoảng 20 vị trí dọc miền Trung để xây nhà máy, căn cứ trên hai tiêu chí an toàn và kinh tế. Về độ an toàn: đó là nơi ít động đất, không có núi lửa, vị trí phải cao hơn mực nước biển, không có ảnh hưởng về địa chấn. Về kinh tế: gần nơi tiêu thụ điện, gần lưới điện quốc gia để giảm tổn thất chuyển tải, gần cảng biển để dễ vận chuyển nhiên liệu... Trong Dự án tiền khả thi do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng, thì địa điểm Phước Dinh (huyện Ninh Phước) và Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) đều thuộc tỉnh Ninh Thuận về cơ bản đã được chọn. Tuy nhiên, ý kiến quyết định cuối cùng thuộc về Quốc hội và Chính phủ.
Để nhà máy ĐHN đầu tiên vận hành an toàn, thì cần tới khoảng 550 người, trong đó số chuyên gia kỹ thuật cao vận hành lò là khoảng 10-15 người. Số còn lại, sẽ gồm các chuyên ngành khác. Chúng ta cũng cần khoảng 150 người đảm nhận các khâu kỹ thuật. Chậm nhất là 31/12/2008, Bộ KHCN và Bộ Công-Thương sẽ phải trình Chính phủ phương án đào tạo nhân lực.
Vấn đề an toàn hạt nhân, công nghệ ĐHN đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và sau sự cố tại Chéc-nô-bưn (U-crai-na) năm 1986 thì vấn đề này ngày càng tốt hơn. Nhiều thế hệ lò phản ứng hạt nhân an toàn đã ra đời và con người có thể tin tưởng được. Quan điểm của nước ta là sẽ chọn công nghệ hiện đại, đã được kiểm chứng qua thời gian. Khi xây nhà máy ĐHN, thì còn cần phải có sự giám sát của quốc tế và phải tuân theo tiêu chuẩn chung của thế giới.
Theo Hà Nội mới, Số 14093