Những vấn đề liên quan đến An toàn Bức xạ Hạt nhân
Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ, hoạt động này đã bước đầu đi vào nề nếp. Nhiều bộ văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này đã được xây dựng, ý thức của mọi người về an toàn bức xạ cũng đã được nâng lên. Tuy vậy, cũng còn không ít vấn đề đang được đưa ra để tiếp tục hoàn thiện.
Nhiều văn bản chưa chi tiết
Theo ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn Bức xạ hạt nhân, hiện nay, một số hoạt động chúng ta chưa có quy phạm pháp luật chi tiết. Cụ thể là công tác quản lý khai thác sa khoáng, kiểm soát khu vực có phông bức xạ dị thường, kiểm soát hàng hoá tiêu dùng có chứa chất phóng xạ, quản lý chất thải chứa chất phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên (NORM)... Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng có nhiều bất cập. Vẫn còn hiện tượng sử dụng văn bản hành chính thay cho văn bản pháp quy để giải quyết tình thế, nhiều mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản, một số quy định khó áp dụng trong thực tiễn, nhiều văn bản hướng dẫn còn thiếu chi tiết, khó áp dụng. Ví dụ, những văn bản quy định tạm thời về hồ sơ xin cấp phép và điều kiện cấp phép sử dụng thiết bị X-quang y tế, diện tích phòng X-quang y tế và thời hạn kiểm định các phòng này...
Địa phương: Thiếu nhân lực và cơ sở vật chất
Theo quy định, công tác quản lý nhà nước về An toàn, kiểm soát bức xạ hạt nhân tại các địa phương bao gồm các hoạt động về cấp phép cho các cơ sở X-quang y tế, thanh tra các cơ sở trong phạm vi quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu của địa phương trong hệ thống tổng thể cơ sở dữ liệu quốc gia, xây dưng chương trình, kế hoạch và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố, đào tạo, tuyên truyền... Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng thực hiện những công tác này lại quá mỏng. Tính trung bình, số cán bộ chuyên trách là 1,78 người/Sở; số cán bộ chuyên trách được đào tạo cơ bản về Vật lý hoặc Công nghệ hạt nhân chỉ chiếm 6,1%. Con số và chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách này khó có thể đảm đương được khối lượng công việc đồ sộ như trên, đặc biệt là ở những thành phố lớn, những khu vực tập trung nhiều cơ sở ứng dụng năng lượng hạt nhân. Tính trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 3 cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm theo dõi gần 300 cơ sở X-quang. Con số này ở Hà Nội là 2 người/gần 200 cơ sở.
Bên cạnh đó, điều kiện trang thiết bị cũng khá khiêm tốn. Hiện chỉ có 54 Sở trang bị Thiết bị đo suất liều, chiếm 85%, 6 Sở có Bộ kiểm tra thiết bị X-quang Y tế, chiếm 9% và 6 Sở có thiết bị liều kế cá nhân cho cán bộ quản lý, chiếm 9%.
Với điều kiện này, hầu hết các địa phương đều chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu về An toàn bức xạ.
Quản lý và cấp phép: Còn hạn chế
Hiện nay, các Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) chịu trách nhiệm cấp phép X-quang Y tế, chiếm 90% số cơ sở bức xạ. Cục Kiểm soát An toàn bức xạ hạt nhân thẩm định, trình Bộ KH&CN cấp phép cho những cơ sở bức xạ "lớn", nguồn phóng xạ có mức nguy hiểm cao như lò phản ứng hạt nhân, các cơ sở xạ trị, các trung tâm chiếu xạ khử trùng... Tính riêng trong năm 2007, Cục đã trình cấp khoảng 20 giấy phép loại này. Nhiều ý kiến cho rằng nên phân cấp mạnh hơn nữa cho các Sở KH&CN. Tuy nhiên, điều này còn phải tính đến lộ trình phát triển nhân lực, kỹ thuật của các Sở để có thể đáp ứng được yêu cầu thẩm định.
Thời gian qua, việc cấp phép đã được hỗ trợ bởi Hệ thống thông tin quản lý trên địa chỉ www.varansac.gov.vn, với nội dung chính là hướng dẫn hồ sơ xin cấp phép, cung cấp thông tin có liên quan về hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, hỗ trợ cấp phép trực tuyến, cung cấp thông tin quản lý an toàn bức xạ cho các địa phương. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng Internet tại nhiều địa phương còn thiếu nên đã hạn chế rất nhiều công tác này.
Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ, có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết đồng bộ để có thể nâng cao hơn nữa năng lực quản lý trong lĩnh vực đặc thù này.
Theo Báo KHOA HỌC & PHÁT TRIỂN