Nông dân Huỳnh Văn Út thành công với phương pháp xử lý chôm chôm vụ lỡ

Bằng kinh nghiệm đúc kết qua nhiều năm liên tiếp thất bại cùng với sự cần cù mà những năm qua ông Huỳnh Văn Út ấp Cái Tắc, xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc đều đạt lợi nhuận cao từ vườn chôm chôm. Không xử lý cho cây ra trái nghịch vụ, ông Út để chôm chôm ra trái rãi vụ hay còn gọi là vụ lỡ. Thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch. Mỗi năm, ông thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng từ 8 công chôm chôm của mình.


 
chch
 
Là vùng Bưng Trích, nước ngập quanh năm nên nhiều nhà vườn không chủ động được nước, cây ăn trái chết hàng loạt. ông Huỳnh Văn Út cũng thất bại với cây cam sành vì đến mùa nước nổi, cam bị chết. Ông chuyển sang trồng chôm chôm java. Nhưng những vụ đầu, ông cũng thất bại, chôm chôm không ra bông. Ông Út khắc gốc như làm bông cho cây nhãn nhưng cũng không thành công.

Không nản chí, ông quyết định đầu tư 25 triệu đồng xây dựng hệ thống đê bao cục bộ cho vườn cây ăn trái. Vụ đầu tiên, ông xử lý cho cây ra bông vụ lỡ thành công. Từ đó đến nay, ông áp dụng phương pháp siết nước, đi phân cho cây chôm chôm ra hoa vụ lỡ. Ưu điểm của cách làm này là tránh được vụ chính của nhà vườn huyện Chợ Lách và Long Khánh, Đồng Nai, đồng thời chôm chôm chín không đồng loạt, thời gian thu hoạch kéo dài.

Theo kinh nghiệm của mình, ông Út cho biết, cách làm này không tốn chi phí như xử lý cho chôm chôm ra trái nghịch vụ. 8 công chôm chôm được ông chia làm ba thửa để xử lý nước. Mỗi thửa được cắt nước cách nhau một tháng để tránh trái chín đồng loạt. Sau khi thu hoạch xong phải dọn cành, quét vườn cho thông thoáng. Khoảng đầu tháng chạp âm lịch, ông Út bắt đầu làm bông. Chờ cơi đọt vừa già, ông tiến hành đóng cống, cắt nước cho khô mương vườn.

Khoảng 2 tháng, khi thấy cây ra bông thì bắt đầu tưới nước nhưng với lượng ít. Khoảng 1 tuần tưới 1 lần. Đến khi bông rớt tàn thì cho nước vô mương nhưng phải quản lý mực nước. Trong thời gian làm bông, thì lượng phân bón cũng giảm. Cứ một cơi đọt (khoảng 1 tháng rưỡi) thì bón phân một lần; trung bình 50kg cho một công, chủ yếu là Urê cộng với Lio Thái.

Khi chôm chôm đậu trái  thì tăng cường bón NPK nhưng với lượng kali cao hơn để nuôi trái. Một tuần phải xịt Anvil một lần kết hợp với phân bón lá để trái đẹp. Đến khi trái có cơm, ông Út đi phân NPK 12.12.17. Từ khi chôm chôm đậu trái đến thu hoạch khoảng 5 tháng. Trong thời gian này, chủ yếu là chăm sóc trái bằng phân NPK và phun thuốc dưỡng lá. Khoảng 1 tháng, ông bón phân một lần nhưng với liều lượng ít.

Vụ chôm chôm năm nay, mỗi công ông thu hoạch khoảng 2 tấn trái. Giá chôm chôm vụ lỡ không dao động nhiều. Hiện nay, thương lái đến mua tại vườn với giá chôm chôm Java 8.000/kg, chôm chôm nhãn 13.000/kg và chôm chôm thái 20.000/kg.

Theo ông Út, để chôm chôm ra trái vụ lỡ thì lợi nhuận cao hơn xử lý ra trái nghịch vụ. Vì nhà vườn không tốn chi phí trùm bạc, bơm nước, phun thuốc. Ông út khẳng định: Khi xử lý cho cây ra trái rải vụ rất thuận lợi cho nhà vườn thu hoạch và giá cả thị trường. “Với giá như hiện nay, tôi thu lợi nhuận cao hơn khoảng 40% so với các vườn để chính vụ”-ông Út nói.

Để thành công với việc xử lý cho chôm chôm ra trái, hàng năm ông Út phải đầu tư chi phí tu bổ hệ thống đê bao cục bộ quanh vườn. Do không chủ động được nguồn nước, nên ông vẫn lo lắng. Những năm triều cường dâng cao thì nông dân vùng Bưng trích sẽ mất trắng. Có một chút băn khoăn từ lão nông Huỳnh Văn Út “Nếu như nhà nước đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bao lớn cho vùng Bưng trích thì nông dân vùng này bớt lo. Năm này, lũ cao thì hệ thống đê bao thủ công của nông dân không đảm bảo cho việc chống ngập úng”.

Là loại cây có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để thành công với cây chôm chôm đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật. Từ kinh nghiệm bản thân cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Huỳnh Văn Út đã thành công. Ông được xem là nông dân tiêu biểu của xã Hưng Khánh Trung A trong việc xử lý chôm chôm ra trái vụ lỡ thành công.

Thu Duyên

Đài Truyền thanh Mỏ Cày Bắc

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc