Tân Phú Tây quy mô nuôi gà trên đệm lót sinh thái

Tân Phú Tây là xã có số lượng đàn gà lớn nhất huyện Mỏ Cày Bắc. Tổng đàn trên 110.000 con với 160 hộ nuôi, tập trung ở ấp Tân Thuận Ngoài. Xã đã hình thành tổ hợp tác nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Mô hình này đã giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo bền vững.

 
ng                            Anh Hồ Văn Rong rải chế phẩm lên men lên nền chuồng.

Bên cạnh lợi ích kinh tế mang lại, việc chăn nuôi gà tập trung với quy mô mỗi hộ từ 1.000 con trở lên dễ nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. Do đó, việc áp dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi gà là một giải pháp hữu hiệu đang được các hộ nuôi gà ở đây áp dụng.

Để giúp cho người chăn nuôi phát triển đàn gà theo hướng bền vững, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học bằng nguồn vốn khuyến nông năm 2013. Mô hình được thực hiện ở hai xã Tân Phú Tây và Phú Mỹ với quy mô 10.000 con.

Trước khi tham gia mô hình trên đệm lót sinh thái của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhiều hộ nuôi gà quy mô lớn của xã Tân Phú Tây đã dùng đệm lót để đảm bảo cho môi trường xung quanh từ nhiều vụ nuôi trước.

Anh Hồ Văn Rong ấp Tân Thuận Trong, Tân Phú Tây có 6 năm kinh nghiệm trong việc nuôi gà cho biết: Trước đây, anh nuôi mỗi đợt từ 1.000-2.000 con toàn xử lý bằng hóa chất, vôi bột để xịt chuồng. Định kỳ, mỗi tháng anh Rong phải thay trấu nền chuồng 1 lần. Mỗi tuần phải xịt chuồng một lần để giảm mùi hôi và vi khuẩn. Khi chăn nuôi thuận lợi, anh mạnh dạng tăng đàn. Mỗi đợt nuôi anh thả trung bình 3.000-4.000 con trên diện tích 5 công vườn dừa. Với số lượng gà nhiều thì khâu vệ sinh tiêu độc và vệ sinh chuồng trại rất quan trọng. Do đó, việc thay nền chuồng tốn nhiều kinh phí và công lao động. Khoảng 4 vụ nuôi trở lại đây, anh Rong đã áp dụng cách xử lý nền chuồng bằng men Balasa NO1.

Về quy trình làm đệm lót anh Rong cho biết rất dễ: Trước khi thả gà, anh tiến hành rãi trấu lên toàn bộ nền chuồng dày một tấc. Khoảng 10 ngày sau quan sát thấy nền chuồng phân rãi kín thì dùng tay hoặc cào cán ngắn để cào sơ qua mặt chuồng. Sau đó dùng chế phẩm lên men đã được trộn sẵn rắc đều lên toàn bộ bề mặt chuồng. Sau đó dùng tay xoa lên mặt để men được phân tán đều khắp. Phương pháp làm chế phẩm men thì anh thực hiện đúng theo chỉ dẫn: chế phẩm vi sinh Balasa NO1 1kg trộn đều với 5-7kg bột bắp hoặc cám gạo, cho thêm khoảng 2,5-3,2 lít nước sạch, trộn cho ẩm điều. Sau đó cho vào túi hoặc thùng và để vào chỗ mát, ủ trong 2-3 ngày là sử dụng được.

Anh Rong khẳng định, từ khi xử lý chuồng bằng đệm lót sinh thái, đàn gà tăng trưởng nhanh và giảm dịch bệnh chủ yếu là CRL và cầu trùng. “Sử dụng men vi sinh trong mấy vụ nuôi vừa rồi, tôi đỡ công thay chuồng rất nhiều mà đàn già giảm bệnh, tăng trọng nhanh. So với phương pháp cũ thì giảm khoảng 50% chi phí, nhất là công của mình” Anh Rong nói

Ông Võ Văn Lượm ấp Tân Lợi đã làm đệm lót được một vụ nuôi và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài việc không thay nền chuồng trong suốt vụ nuôi, ông Lượm còn thu được nguồn phân đáng kể. Hiện, ông Lượm đang nuôi 1.000 con trong dự án của huyện hỗ trợ. Đệm lót đã được ông làm cách đây gần 1 tháng, rất khô thoáng. Ông Lượm rất phấn khởi “Vụ nuôi vừa rồi, tôi làm đệm lót bằng men rất hiệu quả. Tính ra tiền công, tiền trấu tôi đã lời trên 1 triệu đồng”.

Kết quả trên cho thấy mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học triển khai tại xã Tân Phú Tây không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo điều kiện cho người nuôi bỏ được tập quán chăn nuôi cũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh, đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội thoát nghèo cho nông dân. Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh thái theo hướng an toàn sinh học đang được Hội Nông dân xã tổ chức tập huấn và nhân rộng trong các hộ chăn nuôi. Anh Lê Vĩnh Lợi-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú Tây khẳng định: Hiện nay, Ban thường vụ Hội Nông dân xã vận động hội viên nông dân tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan mô hình nuôi có hiệu quả trước đây để áp dụng làm theo. Qua đó các hộ thấy mùi hôi, khí độc của chuồng không còn cải thiện môi trường lao động. Hiệu quả từ mô hình này của bà con nông dân đang góp phần cùng địa phương giải quyết ô nhiễm môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Hầu hết các hộ chăn nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học đều cho rằng, ưu thế dễ nhận biết nhất khi áp dụng cách chăn nuôi này là đảm bảo môi trường, không bốc mùi khó chịu như thường thấy ở các chuồng trại chăn nuôi khác.

Giảm ô nhiễm, đàn gà tăng trọng nhanh đỡ công chăm sóc... là những ưu điểm của mô hình ứng dụng đệm lót sinh học mang lại. Điều đặc biệt, đây là mô hình xã Tân Phú Tây đang vận động các hộ chăn nuôi phát triển để phát triển kinh tế giảm nghèo và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã điểm của huyện Mỏ Cày Bắc.

Thu Duyên

Đài Truyền thanh Mỏ Cày Bắc

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc