Cần ngay hàng chục ngàn chuyên gia an ninh mạng In

Các giao dịch ở Việt Nam (VN) và trên thế giới hiện tại và tương lai đa số diễn ra trên mạng. Việc bảo mật thông tin thật sự vô cùng quan trọng. Trong năm 2008, có nhiều sự kiện lớn đối với ngành an ninh mạng tại VN. Sự cố bảo mật của nhà cung cấp tên miền PA Việt Nam hay vụ website ngân hàng Techcombank bị đột nhập là những ví dụ nổi bật.

Nó cho thấy an ninh mạng đang là vấn đề nóng sốt với nhiều doanh nghiệp ứng dụng CNTT tại VN hiện nay. Nguyên nhân chính là do nguồn nhân lực chuyên gia an ninh mạng hiện vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu chuyên môn.

Chỉ tính riêng thống kê của Hiệp hội Ngân hàng và chứng khoán VN, số lượng chi nhánh ngân hàng và các công ty chứng khoán ở VN đã trên mức hàng ngàn. Hoạt động của các công ty chứng khoán và ngân hàng đều dựa trên hệ thống CNTT. Giao dịch giữa các ngân hàng với nhau, giữa ngân hàng với khách hàng… đều thông qua mạng Internet.

Ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc một trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng, cho biết: “Lực lượng nhân sự an ninh mạng chuyên trách chống các hacker xâm nhập hệ thống ở các ngân hàng, công ty chứng khoán rất mỏng. Nhiều chi nhánh ngân hàng chỉ có bộ phận giao dịch mà không có nhân viên an ninh mạng. Việc này sẽ rất nguy hiểm vì hacker có thể xâm nhập hệ thống của các chi nhánh này, rồi từ chi nhánh này sẽ xâm nhập toàn bộ hệ thống CNTT của chính ngân hàng đó”.

Không chỉ thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn chung của đội ngũ chuyên gia an ninh mạng hiện cũng rất thấp. Theo ông Nguyễn Thanh Tú, giám đốc điều hành một công ty chuyên cung cấp các giải pháp an ninh mạng, có nhiều nguyên nhân: chất lượng đào tạo chuyên sâu về công nghệ bảo mật chưa đạt yêu cầu; môi trường ứng dụng giải pháp bảo mật tại các doanh nghiệp còn hạn chế. Cũng theo ông, vấn đề an ninh mạng của doanh nghiệp hiện nay là thiếu nhân lực chuyên môn chứ không chỉ là giải pháp. Giám đốc một doanh nghiệp thương mại điện tử chia sẻ: “Nhân lực cho vấn đề này rất khó, bởi mặt bằng năng lực của đội ngũ này hiện còn rất thấp”.

Nếu tính một phép tính đơn giản, VN có hàng ngàn chi nhánh ngân hàng, hàng ngàn cơ quan chính phủ trải đều khắp 64 tỉnh thành trong cả nước, và  trên  200.000 doanh nghiệp tư nhân có ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh, quản lý và sản xuất; mỗi đơn vị cần bình quân một nhân viên phục vụ việc quản trị và an ninh mạng thì số lượng nhân sự an ninh mạng cần đáp ứng ngay cho thị trường lao động VN  phải tính trên chục ngàn. Số lượng này là một thách thức rất lớn cho ngành đào tạo CNTT VN trong thời gian tới.

Hiện nay, tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có vài trung tâm đào tạo chuyên gia an ninh mạng như: Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, Trung tâm tin học Đại học Khoa học tự nhiên, Trung tâm tin học Đại học Bách khoa, Trung tâm đào tạo công nghệ Sài Gòn CTT... Riêng hệ thống các trường đại học hầu như chưa có chuyên ngành đào tạo an ninh mạng. Sinh viên tốt nghiệp chính quy chương trình đào tạo CNTT  hầu như không thể đáp ứng được nhu cầu bảo mật hệ thống của một doanh nghiệp.

Theo Tuổi Trẻ

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022