Doanh nghiệp Bến Tre xác lập sở hữu công nghiệp quốc tế

Những năm qua, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, trong môi trường sản xuất, kinh doanh toàn cầu hóa và thị trường ngày càng đông đúc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải tìm ra cách thức làm cho sản phẩm của mình trở nên khác biệt nhằm thu hút khách hàng tiềm năng. Việc giới thiệu các sản phẩm mới hoặc được cải tiến và áp dụng các phương pháp mới trong sản xuất, bán hàng, tiếp thị sản phẩm và dịch vụ là các chiến lược mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sử dụng để duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong khi đổi mới, sáng tạo và tri thức đang trở thành các nhân tố chính của sức mạnh cạnh tranh, thì các công ty cũng đang phải đối mặt với nhu cầu tìm ra cách thức quản lý có hiệu quả hoạt động đổi mới, sáng tạo và tri thức của họ một cách hữu hiệu. Vì thế, ngoài việc đổi mới thiết bị, nâng cao công nghệ sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp còn phải quan tâm đến thương hiệu của sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu thì vấn đề đăng ký quyền sở hữu công nghiệp quốc tế càng được chú trọng.

 

cd                                             Sản xuất cơm dừa nạo sấy xuất khẩu.

Hiện nay, Bến Tre có khoảng 2.528 doanh nghiệp đang hoạt động với  vốn đăng ký 6.170 tỷ đồng. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hay còn gọi là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm trên 97%. Mặc dù có nguồn vốn hạn chế, bình quân vốn đăng ký 2,44 tỷ đồng/doanh nghiệp; sử dụng lao động chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo; chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, chủng loại,… đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chưa cao; việc đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư phát triển để tăng năng lực cạnh tranh trong và ngoài nước. Nhưng các doanh nghiệp này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu hút vốn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hóa nền kinh tế của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
 
Ở Bến Tre, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, chủ yếu là các sản phẩm chế biến từ dừa và thủy sản. Trong đó, chế biến thủy sản xuất khẩu sang các nước châu Âu, Hàn Quốc; Sản phẩm chế biến từ dừa như kẹo dừa, thạch dừa xuất sang Trung Quốc, Campuchia, Lào và một số ít Úc, Mỹ… Hàng thủ công mỹ nghệ xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây có trái cây các loại. Trước đây, đa số các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về việc đăng ký sở hữu công nghiệp ở nước ngoài. Vì thế, khi sản phẩm xuất khẩu phải qua một công ty khác, doanh nghiệp thường gặp khó khăn, hoặc sản phẩm bị nháy, đánh cắp nhãn hiệu và thương hiệu. Và theo ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng đại diện Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh cho biết: đôi khi doanh nghiệp còn mất cả thị trường xuất khẩu.

Đối với các doanh nghiệp ở Bến Tre, đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký nước ngoài chủ yếu là nhãn hiệu hàng hóa. Số lượng cũng chưa nhiều. Tuy nhiên cần phải ghi nhận, thời gian qua, nhận thức về đăng ký quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài của các doanh nghiệp đã được nâng lên. Nhiều doanh nghiệp đã tìm hiểu thị trường ngoài nước, sau đó tiến hành đăng ký sở hữu công nghiệp trước khi xuất khẩu sản phẩm sang nước đó. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp quốc tế cũng được Sở KH&CN tỉnh quan tâm hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cần thiết.

Thực tế, khi các doanh nghiệp đã đăng ký và được bảo hộ, việc sản xuất và xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi hơn. Điển hình là Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Một thành viên chế biến dừa Lương Quới tại Khu công nghiệp xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Đây là một trong những công ty tiêu thụ dừa lớn nhất tại tỉnh Bến Tre hiện nay. Trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh, công ty đã không ngừng phát triển sản phẩm dựa trên nền tảng đổi mới công nghệ và thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Đồng thời nâng cao thương hiệu của công ty tại thị trường trong và ngoài nước. Từ sản phẩm đầu tiên khi mới thành lập là dầu dừa thô chỉ với một phân xưởng sản xuất nhỏ với công suất 2.000 tấn/năm. Đến năm 2006, doanh nghiệp đã xây dựng thêm nhà máy Thành Vinh 1 với sản phẩm chính là cơm dừa nạo sấy với công suất 9.000 tấn/năm và dầu dừa nguyên chất với công suất 100 tấn/năm. Sản phẩm của công ty được xuất sang xuất sang thị trường các nước Trung Đông, Nam Phi, Mỹ và một số nước châu Âu.

Trong sản xuất, kinh doanh, để tạo dựng thương hiệu của công ty trên thị trường trong cũng như ngoài nước, công ty TNHH Một thành viên chế biến dừa Lương Quới luôn ý thức đến công tác xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở các nước có sản phẩm xuất khẩu của công ty theo Thỏa ước Madrid. Khi các sản phẩm tiêu thụ ngoài nước được bảo hộ, tạo thuận lợi hơn cho công ty sản xuất, kinh doanh, đầu tư, đổi mới công nghệ và thiết bị.

Ở Bến Tre, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ dừa là một thế mạnh. Ngoài các sản phẩm cơm dừa nạo sấy xuất khẩu thì kẹo dừa là một trong những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của tỉnh. Thị trường xuất khẩu kẹo dừa chủ yếu tập trung ở Trung Quốc và các nước như Campuchia, Lào và Úc, Mỹ… Trước đây, hầu hất các doanh nghiệp sản xuất kẹo dừa xuất khẩu thường không đăng ký sở hữu công nghiệp tại nước sở tại, nhưng những năm gần đây, các doanh nghiệp ngày càng ý thức hơn về đăng ký sở hữu công nghiệp quốc tế. Đi đầu ở lĩnh vực này là Công ty TNHH Vĩnh Tiến. Các sản phẩm bánh kẹo của công ty đều đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trong và ngoài nước. Trong đó, sản phẩm của công ty xuất khẩu chủ yếu sang các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ, Úc. Khi được bảo hộ, công ty có trách nhiệm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín đối với khách hàng ngoài nước. Vì thế, trong sản xuất, công ty đã mạnh dạn đầu tư thay đổi thiết bị công nghệ hiện đại, áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO:9001-2008 nên sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng tốt nhu thị trường xuất khẩu.

Không chỉ các công ty có năng lực sản xuất lớn, mà các cơ sở sản xuất kẹo dừa có truyền thống xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng quan tâm đến vấn đề đăng ký sở hữu công nghiệp tại nước sở tại.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, nhiều doanh nghiệp trong nước nói chung và ở Bến Tre nói riêng đã nhận thức về tầm quan trọng của việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Sở hữu trí tuệ, thời gian qua, việc cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí thương hiệu của các doanh nghiệp bị xâm hại và bị mất là vấn đề nóng. Đặc biệt là các thương hiệu nông sản. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến đăng ký sở hữu công nghiệp nước ngoài. Đối với Bến Tre, trong thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền về Luật Sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao công tác quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quốc tế.

Từ chương trình hỗ trợ xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ đối với các doanh nghiệp của Sở KH&CN cũng như ý thức về việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp quốc tế của các doanh nghiệp được nâng lên, đó chính là cơ sở để doanh nghiệp Bến Tre vững bước trên thương trường, nhất là trong nền kinh tế hội nhập.

Cao Đẳng

Đài Phát thanh-Truyền hình Bến Tre

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc