Dừa xiêm uống nước xã Tân Thành Bình-vị thế và tiềm năng

Nói đến dừa người ta không thể không nghĩ đến Bến Tre. Đã từ lâu, cây dừa trở thành biểu tượng, niềm tự hào của người dân nơi đây. Nhà thơ Lê Anh Xuân đã từng hỏi: “Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi” và viết nên những vần thơ xúc động lòng người:

          “Dừa bị thương dừa không cúi xuống
            Vẫn ngẩng lên ca hát giữa trời
            Nếu ngã xuống dừa ơi không uổnga
            Dừa lại đứng lên thân dựng pháo đài”.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng những vết thương do nó để lại vẫn hằn in sâu lên thân dừa. Dừa cũng hiên ngang như chính con người Việt Nam vậy. Trãi qua bao khó khăn nhưng vẫn đứng vững vàng. Không những thế, ngày nay dừa còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong cuộc sống, là nguồn thu nhập kinh tế chính cho người nông dân, trong đó có quê hương xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc-cái noi của vùng đất anh hùng, hiên ngang trong chiến tranh và cả trong thời bình.

Bên cạnh phương thức trồng dừa truyền thống là trồng bán trái dừa khô, tận dụng những nguyên liệu sẵn có từ dừa để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thì ngày nay  người ta còn trồng dừa để lấy nước phục vụ cho nhu cầu giải khát. Hiện, xã Tân Thành Bình có khoảng 5 ha dừa uống nước nằm trong tổ liên kết dừa xiêm uống nước do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre phối hợp với xã thành lập vào tháng 5 năm 2008. Qua thời gian thành lập và phát triển, hiện tổ có 25 thành viên, hộ có diện tích nhiều nhất trên 5 công, ít nhất 1 công. Ban quản lý tổ gồm 3 thành viên: tổ trưởng, tổ phó, thư ký chịu trách nhiệm đứng ra thu gom dừa trái từ các thành viên và đem bán cho thương lái. Ngoài ra, các thành viên còn thường xuyên tổ chức sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, phòng trị bệnh trên dừa và các thông tin về tình hình giá cả thị trường, các giống dừa mới đạt chất lượng, năng suất cao. Từ đó, góp phần đưa hiệu quả hoạt động của tổ ngày càng bền vững, từng bước mở rộng quy mô trong toàn xã và các xã lân cận.

Được biết, trước đây với cách trồng truyền thống, người trồng dừa không thu được hiệu quả cao do giá cả thấp, chất lượng trái không đạt yêu cầu (trái nhỏ, nước không ngọt), số lượng trái ít, hiệu quả thu nhập thấp. Trên đà phát triển về khoa học kỹ thuật như hiện nay, người nông dân có đủ điều kiện để tiếp cận áp dụng vào sản xuất. Thông qua các lớp tập huấn, sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc bộ ở các ấp, các tài liệu tuyên truyền, thông tin trên sách, báo, mạng internet đã giúp cho người nông dân hiểu và áp dụng vào mô hình sản xuất, góp phần đưa năng suất, chất lượng dừa ngày càng cao, giá cả tăng mang lại thu nhập kinh tế đáng kể cho bà con.

Tại 5 công đất trồng trên 100 gốc dừa xiêm uống nước của ông Nguyễn Minh Chương-sinh năm 1957 ấp Tân Thiện, xã Tân thành Bình đã có gần 10 năm tuổi. Với bản tính chịu thương, chịu khó cùng kinh nghiệm lão luyện của một nông dân chính gốc, ông Chương đã từng bước cải tạo mảnh vườn kém hiệu quả của mình thành vườn dừa xiêm uống nước. Bởi theo ông, trồng dừa uống nước có thời gian thu hoạch nhanh hơn dừa khô và hiệu quả kinh tế không thua kém gì các loại cây khác. Ngoài việc thường xuyên dọn dẹp vệ sinh tàu lá, người trồng phải tiến hành chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, như vậy mới đạt hiệu quả cao nhất. Khi dừa còn nhỏ, chưa cho trái thì mỗi tháng ông Chương tưới phân một lần để bổ sung chất dinh dưỡng giúp cây mau phát triển. Đến khi dừa cho trái thì bón phân 2 lần trong năm vào đầu và cuối mùa mưa. Ngoài ra, còn có thể bón thêm 1 lần phân lân để tạo mầm hoa, hạn chế rụng trái trên cây, đồng thời cân bằng độ pH cho đất.

Trong quá trình phát triển, cây dừa rất dễ bị đuôn, bọ dừa, chuột tấn công làm hư trái, chết cây. Vì vậy, người trồng phải thường xuyên theo dõi, kịp thời phun thuốc phòng ngừa dịch hại. Đặc biệt là nuôi kiến vàng để chúng diệt trừ những loại thiên địch sâu bọ ăn hại khác. Ông Chương thường cho kiến ăn tép, bộ đồ lòng của gà, vịt để dụ chúng tới, tăng số lượng đàn kiến. Với cách làm này đã góp phần hạn chế đáng kể số lượng cây và trái dừa bị hư hại, hao hụt. Trung bình mỗi năm ông Chương bán ra thị trường khoảng 20.000 trái dừa uống nước, trừ đi chi phí còn lời trên 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, cũng như nhiều mặt hàng khác, người trồng dừa xã Tân Thành Bình đang phải đối mặt với giá cả biến động bất thường, gây tâm lý lo lắng cho nhiều nông dân. Anh Huỳnh Văn Trương-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Trước tình hình giá cả dừa giảm mạnh như hiện nay, Hội Nông dân xã đã nhanh chóng tuyên truyền ổn định tâm lý cho người dân, không nên phá bỏ dừa, vì như vậy không những tốn công trồng lại mà còn làm mất đi nguồn thu nhập trong thời gian phá bỏ dừa để trồng lại cây khác”.

Người trồng dừa xã Tân Thành Bình đang rất mong các ngành chức năng sớm tìm ra nhiều giải pháp đầu ra cho sản phẩm, bình ổn giá cả để người dân có thể yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, đưa vị thế của cây dừa Bến Tre ngày một vươn xa hơn, không chỉ thị trường trong nước mà cả trên thị trường quốc tế. Để mỗi khi nhắc đến Bến Tre thì mọi người đều nghĩ đến quê hương nổi tiếng với những đặc sản từ dừa và ngược lại “thấy dừa thì nhớ Bến Tre”.

Ngọc Tuyền

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022