Chính phủ tập trung tiền cho nghiên cứu và chuyển giao công nghệ

“Vấn đề cấp bách nhất hiện nay chính là phải tập trung giải quyết vấn đề giống cây trồng vật nuôi. Chính phủ sẽ tập trung tiền bạc để các nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, tập trung nghiên cứu ngay các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thất thoát trong thu hoạch...”

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có buổi đối thoại, trao đổi thẳng thắn với các nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Ba vấn đề chính được tập trung thảo luận là nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ một cách có hiệu quả; đổi mới quản lý khoa học công nghệ (KHCN) và đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp.

Khoa học công nghệ đem lại thành tựu lớn nhưng mức đầu tư còn thấp

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu cũng như ứng dụng KHCN trong nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Nhờ các thành tựu nghiên cứu KHCN, đến nay năng suất lúa của nước ta đã thuộc hạng cao. Năng suất cà phê, hồ tiêu cũng thuộc "top" đầu thế giới. Năng suất điều từ chỗ chỉ đạt có 5-7 tạ /ha đến nay đã tăng lên 2 tấn /ha. Năng suất cá tra thuộc hàng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thừa nhận, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KHCN ở nước ta còn chậm, mức đầu tư thấp, các nhà khoa học chưa được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Hiện nay, mức đầu tư KHCN cho nông nghiệp mỗi năm tăng từ 10-15%. Thế nhưng, mức đầu tư này mới chỉ chiếm khoảng 0,1% GDP và so với các nước như Australia (1% GDP), Canada (1,3% GDP)... thì mức đầu tư của nước ta vẫn còn quá thấp.

Cần đổi mới quản lý và chuyển giao  công nghệ

Đây là vấn đề được đưa ra và thu hút sự tham gia ý kiến của nhiều nhà khoa học. Đa số ý kiến cho rằng rất cần sự đổi mới, và Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ về "Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập" đã tạo tiền đề đổi mới hoạt động KHCN. Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, cần phải hình thành chương trình, chiến lược dài hạn cho phát triển KHCN trong nông nghiệp; mạnh dạn thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đồng thời tiến hành quản lý theo sản phẩm...

Các nhà khoa học đều kiến nghị các Viện, Trường phải được tự chủ nhiều hơn trong nghiên cứu, trong tổ chức cán bộ, trong đấu thầu, bán sản phẩm. Sản phẩm làm ra phải được bán với một cơ chế tài chính khác để tiền thu được, các Viện, Trường tiếp tục được dùng đầu tư nghiên cứu… Bộ trưởng Bộ NN &PTNT Cao Đức Phát cũng đã đưa ra 5 đề xuất, kiến nghị về đầu tư KHCN cho nông nghiệp, gồm: Thí điểm khoán đề tài do ngân sách nhà nước cấp đến sản phẩm cuối cùng; Cho doanh nghiệp cổ phần, tư nhân được tham gia tuyển chọn đề tài, dự án nghiên cứu; Cho hợp tác nghiên cứu với người nước ngoài theo phương thức mỗi bên đóng góp 50% (sử dụng ngân sách nhà nước); Cho cơ chế người nghiên cứu bán, chuyển nhượng bản quyền của các sản phẩm tạo bằng ngân sách nhà nước; Cho làm thí điểm tuyển chọn viện trưởng, giám đốc các tổ chức khoa học theo hình thức mở rộng và cạnh tranh thay vì tuyển chọn trong nội bộ theo quy hoạch. Tăng đầu tư cho KHCN nông nghiệp để tiến đến đạt mức 0,3% GDP trong những năm trước mắt.

Sẽ đầu tư xứng đáng cho KHCN

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một quá trình lâu dài và có tầm quan trọng đặc biệt, không thể thiếu vắng sự tham gia của các nhà khoa học, nhất là trong giai đoạn nước ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Ông cho rằng vấn đề cấp bách nhất hiện nay chính là các nhà khoa học phải tập trung giải quyết vấn đề giống cây trồng vật nuôi. Chính phủ sẽ tập trung tiền bạc để các nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao, đồng thời, tập trung nghiên cứu ngay các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thất thoát trong thu hoạch.

Về vấn đề làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các Viện, các nhà khoa học và giải phóng được sức sản xuất trong nông nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng đây luôn là câu hỏi lớn và điều này đòi hỏi các nhà nghiên cứu khoa học đưa ra những đề xuất giúp Chính phủ có những cơ chế thích hợp tạo ra động lực mới phát triển nông nghiệp nông thôn. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, cần thực hiện ba bước đột phá trong tam nông,  đó là giải quyết thành công bài toán đưa KHCN về với nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân lực về địa bàn nông thôn và tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.  Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà khoa học phát huy sức mạnh trí tuệ góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Phó Thủ tướng cũng khẳng định: Nhà nước sẵn sàng đầu tư 100-200 tỷ đồng, thậm chí 300-400 tỷ đồng để giải quyết các vấn đề "nóng" trong nông nghiệp hiện nay như giống, công nghệ sau thu hoạch... Đồng thời, trong những năm tới, nhà nước sẽ tăng mức đầu tư gấp đôi cho KHCN đối với từng lĩnh vực cụ thể.

Theo Báo KHOA HỌC & PHÁT TRIỂN

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022