Sâu đục trái dừa-sâu hại mới đang phát triển trên vườn dừa
Từ lâu, nông dân luôn nghĩ dừa là loại cây dễ trồng, ít chăm sóc và đặc biệt là ít sâu bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh bọ cánh cứng hại dừa đã gây hại khá phổ biến trong thời gian qua, luôn được nông dân quan tâm, hiện nay, trên một số vườn dừa đang bị một loài sâu tấn công làm trái rụng rất nhiều, đôi khi chỉ còn trơ chà khi mới tượng trái non.
Triệu chứng gây hại của sâu đục trái dừa.
Theo nhận định của PGS. TS Nguyễn Thị Thu Cúc-Trường Đại học Cần Thơ đây là loài sâu đục trái có tên khoa học Tirathaba sp (chưa xác định loài) thuộc họ Pyralidae (Ngài sáng), bộ Lepidoptera (Cánh vẩy). Thành trùng là một loài bướm có chiều dài khoảng 15mm, màu xám tro, trên cánh nổi những đường viền màu hồng nhạt, giữa mỗi cánh có một đốm đen, cuối cánh có rìa tua mịn và nhiều chấm đen vòng theo tua. Bướm khi đậu xếp cánh hình tam giác. Ấu trùng tuổi nhỏ có màu nâu nhạt, tuổi càng lớn càng chuyển màu nâu đậm. Sâu có đầu màu đen bóng. Ấu trùng đẩy sức dài khoảng 20-22mm, màu nâu sậm, trên mỗi đốt lưng có chấm đen nhỏ và những sợi lông thưa. Nhộng dài khoảng 15mm, được bao bọc bởi kén màu trắng ngà.
Ấu trùng sâu đục trái dừa.
Ấu trùng đục vào trong trái dừa khi dừa còn rất non (trái dừa dài khoảng 2cm) đến trái dừa lớn (dài khoảng 10cm trở lại). Vết đục thường ngay trên mầu dừa (phần non nhất của trái), ấu trùng chui sâu vào trong trái ăn xơ và gáo dừa làm rụng trái hàng loạt, đôi khi trên quày chỉ còn một vài trái. Dễ dàng nhận biết sự xuất hiện của sâu vì ngay vết đục có đùn phân ra ngoài. Sâu non nhả tơ kết dính phân thành đám ngay vết đục, sâu di chuyển từ trái này sang trái trái khác. Trong một trái dừa có thể có một đến hai con sâu gây hại. Khi đẩy sức sâu chui ra ngoài trái làm nhộng gần đám phân đã thải ra và kết những hoa dừa khô bao phủ nhộng.
Nên vệ sinh vườn dừa thường xuyên, dọn dẹp “nhen” dừa hạn chế sự gây hại của sâu đục trái. Tiêu hủy những trái dừa bị sâu hại.
Đây là loài sâu hại mới phát triển trong thời gian gần đây nên các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu nhằm tìm ra biện pháp phòng trừ bền vững hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc hóa học trên cây dừa.
Nguyễn Thị Nguyệt
Chi cục Bảo vệ thực vật