Trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cần cù, chất phát, vui tính và rất gần gũi… đó là những gì được bắt gặp ở anh Nguyễn Văn Hồng Vân, ở ấp 4, xã Bình Hoà (Giồng Trôm). Anh cho biết việc chăm sóc cây trồng vật nuôi theo lối truyền thống phải điều chỉnh dần và đòi hỏi cao về khoa học kỹ thuật. Vì thế, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do xã phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức.

Được tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật và tham quan các mô hình trồng cây ăn trái đạt hiệu quả kinh tế cao của nhà vườn khác, anh rất ưng ý với cây bưởi da xanh. Ban đầu với vài chục nhánh trồng xen trong vườn cam và chanh, khi cây bưởi phát triển và cho trái, anh cắt bỏ dần cây cam và cây chanh. Cùng lúc, anh bó nhánh bưởi để mở rộng dần diện tích, đến nay anh có được 5.000 m2 trồng bưởi, phần lớn cây 12 tuổi  và còn lại ít tuổi hơn. Anh trồng mật độ 15-20 gốc/1.000m2. Theo anh, cây 6 năm tuổi trở lên, thu hoạch 100-150 trái/cây/năm, và cần bón 1,2 kg/cây/tháng (loại NPK 20-20-15), phân chuồng 8 bao/cây/năm, tro trấu 1 bao/cây/năm. Anh cũng tỉa trái, chỉ giữ lại 1-2 trái/chùm nhằm giúp cây sống lâu và trái đạt chuẩn. Thu hoạch khi trái nặng từ 1,5-2kg. Với cách làm trên, trái đạt trọng lượng, mẫu mã đẹp… nhờ vậy thương lái đến tận nhà 3 lần/tháng và thu mua khoảng 600 kg bưởi.

Những năm gần đây, anh Vân bán bưởi trái luôn được giá từ 15.000-17.000 đồng/kg. Những cây bưởi từ 10 tuổi trở lên thu hoạch trái bán không dưới 1,2 triệu đồng/cây/năm, trừ chi phí các khoản còn từ 700.000-800.000 đồng/cây/năm. Cây bưởi cho thu hoạch trái rãi đều trong năm và bán được giá cao, giúp người dân có cuộc sống ổn định.

P.Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hoà, Nguyễn Văn Bảy nhận định: từ những vườn bưởi da xanh tiên phong có thu nhập cao đã dấy lên phong trào loại bỏ dần diện tích cây trồng hiệu quả thấp, hiện nay xã Bình Hoà có 63 ha trồng bưởi, trong đó có hơn 20 ha đã thu hoạch. Xu hướng chung, diện tích đất trồng bưởi sẽ tiếp tục tăng. Hội Nông dân xã đang phối hợp cùng ngành hữu quan mở lớp tập huấn hỗ trợ người trồng cách chọn cây giống, kỹ thuật chăm sóc và sử dụng phân thuốc hợp lý để sản phẩm bán cho người tiêu dùng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trần Quốc

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số lưu ý khi chăm sóc bưởi da xanh trong mùa hạn mặn
• Chăm sóc vườn bưởi da xanh phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán
• Quy trình kỹ thuật chăm sóc cây giống bưởi da xanh trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn
• Cải tiến thiết kế túi bao trái bằng vòng nhựa để phòng trừ sâu đục trái trên bưởi da xanh
• Làm thế nào để trái bưởi Da xanh được ngon, đẹp và an toàn
• Các nguyên nhân gây thối rễ cây bưởi – Giải pháp khắc phục
• Kỹ thuật bón phân cho Bưởi da xanh giai đoạn kinh doanh
• Cải tiến phương pháp tỉa cành tạo tán nhằm nâng cao năng suất và chât lượng bưởi Da xanh
• Bọ xít muỗi-dịch hại mới phát triển gây hại bưởi da xanh
• Biện pháp khắc phục triệu chứng thiếu trung vi lượng trên cây bưởi Da xanh
• Phòng trừ bọ trĩ gây hại bưởi Da xanh trong mùa nắng nóng
• Tiêu hủy nguồn sâu-biện pháp hiệu quả hạn chế sự lây lan của sâu đục trái bưởi
• Cách chọn bưởi ngon
• Cách bảo quản quả bưởi
• Công nghệ bảo quản bưởi bằng chitosan