Kỹ thuật rải vụ xoài

Mấy năm gần đây, xoài là một trong những trái cây hạn chế được tình trạng rớt giá khi vào mùa rộ mà nguyên nhân chính là nhà vườn đã biết sử dụng kỹ thuật rải vụ, ngay cả trong dịp Tết nguyên đán vẫn có xoài bán. Việc rải vụ không những giảm áp lực lên chính vụ, tăng thu nhập cho nhà vườn mà còn hạn chế được tình trạng “mua xoài lá” vì những người mua thường tập trung khai thác tối đa nên dễ làm cho vườn cây bị suy.

Trong điều kiện tự nhiên, xoài ra hoa vào tháng 12, tháng 1 hàng năm. Tuy nhiên, trước đó 2 tháng cây đã cần khô hạn để phân hóa mầm hoa, nghĩa là xoài cần khô hạn để hạn chế quá trình sinh trưởng và kỹ thuật rải vụ xoài chính là vận dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và hóa chất để ức chế quá trình sinh trưởng, tạo điều kiện cho phân hóa mầm hoa.

Sau khi thu hoạch chính vụ, xoài thường nghỉ sinh lý từ 1,5-2 tháng. Lúc này cần nhanh chóng vệ sinh vườn, tỉa cành, cắt bỏ những phát hoa đã ra hoa mùa trước nhưng không đậu trái hoặc rụng trái non, cắt bỏ cành bị sâu bệnh, ốm yếu, bị che khuất trong tán. Việc tỉa cành rất quan trọng. Quan sát thấy những vườn được tỉa cành dễ ra hoa hơn, ra lá và đọt tập trung hơn. Đây cũng là việc cần làm ngay, vì nếu trễ đến mùa mưa thì rất dễ gây nấm bệnh. Nếu có điều kiện nên tiến hành xiết nước, hạ thủy cấp để xoài ngủ càng ngon, càng sâu càng tốt.

Sau khi thu hoạch, cho xoài ngủ sinh lý 1,5-2 tháng, tiến hành lấy nước trong mương trở lại, bón phân hữu cơ và vô cơ. Phân hữu cơ bón không hạn chế, phân vô cơ bón theo công thức NPK: 15-15-15, mỗi gốc khoảng 0,5-1 kg N nguyên chất tùy theo tuổi và tán. Nếu vườn đã lâu năm cần tiến hành bón vôi kết hợp với phân hữu cơ trước. Cách bón phân-xới xáo vườn cách gốc khoảng 1 m, bón phân lẫn vào rồi xới xáo lại. Sau khi bón phân nếu trời không mưa phải tưới ít nhất 2 ngày/lần.

Muốn cho ra hoa sớm, đồng loạt thì việc đầu tiên phải cho ra lá non đồng loạt. Với những cây còn tơ, có tuổi dưới 10 năm, trong điều kiện dinh dưỡng tốt thì chúng phải ra lá non đến 3 lượt, còn những cây già thì chỉ cần ra lá mới 1 lượt.

Xử lý hóa chất

Chất ức chế sinh trưởng được sử dụng là Paclobutrazol. Liều lượng sử dụng 1-2 g nguyên chất/m đường kính tán (trên thị trường hiện phổ biến loại tỷ lệ 10% và 15%). Liều lượng sử dụng phụ thuộc vào tuổi của cây, cây tơ sử dụng liều cao hơn; cây sinh trưởng mạnh, lá xanh tốt cần tỷ lệ cao hơn; Những giống khó ra hoa (cát Hòa Lộc, xoài xanh ăn sống Thái Lan) phải sử dụng liều cao hơn giống dễ ra hoa (cát Chu, Thanh Ca); Đất nhiều cát cần liều cao hơn đất nhiều sét. Không nên xử lý với những cây mới ra hoa 1-2 lần.

Khi lá non có 15-20 ngày tuổi (lá đang còn màu đồng hay màu xanh đọt chuối) thì có thể xử lý hóa chất. Cách làm như sau:

- Dùng bàn chải sắt đánh sạch gốc xoài từ đất lên cao 30 cm. Đào một rãnh nhỏ rộng 5 cm, sâu 10 cm xung quanh gốc cây. Pha thuốc cho mỗi cây 3-5 lít, đổ thuốc từ trên xuống để thuốc chảy theo thân và đọng lại trong rãnh (cũng có thể pha vào 30-40 lít nước tưới đều lên tán cây).

Sau khi tưới Paclobutrazol 75-90 ngày có thể kích thích ra hoa. Chỉ kích thích ra hoa khi trời khô ráo và phun đều lên 2 mặt của lá xoài. Hóa chất được sử dụng là Nitrat kali pha nồng độ 2-2,5% hoặc Thiourea 0,3-0,5%. 5-7 ngày sau, phun lại lần 2 vời liều lượng giảm 50%. Chú ý, Kali nitrat và Thiourea đều dễ gây cháy lá cây nên thông thường nhà vườn phải phun trên diện tích bé trước để xác định liều lượng thích hợp.

Sử dụng chất ức chế sinh trưởng Paclobutrazol như con dao 2 lưỡi, nếu vừa đủ thì sẽ có hiệu quả, nếu quá liều thì vườn cây sẽ bị suy. Chú ý: Paclobutrazol sau hơn 1 năm vẫn còn lưu tồn trong đất 50% nên đến năm thứ 2 nếu sử dụng thì giảm liều xuống 50% và năm thứ 3 thì không được dùng nữa.

Theo báo Nông nghiệp

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ