Phòng trừ sâu đục trái xoài (Deanolis albizonalis )

Xoài là loại cây ăn trái ngon được nhiều người ưa thích và có giá trị kinh tế cao. Hiện nay diện tích trồng xoài đang ngày càng được mở rộng, song sâu bệnh trên xoài đang là mối quan tâm của nhà vườn, trong đó sâu đục trái là một trong những đối tượng gây hại quan trọng nhất ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và phẩm chất trái xoài.

Thành trùng sâu đục trái là loài ngài thuộc họ Pyralidae bộ Lepidoptera. Chiều ngang sãi cánh khoảng 25-28 mm, cánh trước màu nâu, cánh sau màu xám trắng. Thân có những khoang trắng đỏ xen kẻ nhau rất đặc biệt. Thành trùng hoạt động chủ yếu về đêm, ban ngày ẩn trốn dưới các lá cây. Chúng rất thích đẻ trứng trên những chùm trái khuất ánh sáng. Ấu trùng dài khoảng 20-22mm, rất dễ nhận biết vì những khoang trắng đỏ xen kẻ trên lưng. Ngài thường đẻ trứng thành từng khối trên phần chóp trái hoặc trong những khe nứt của trái. Sau khi nở, sâu non di chuyển về chóp trái. Khi mới nở sâu chưa đục ngay vào trái mà nằm dưới vỏ xoài để ăn phá, sau đó mới đục vào trái. Sâu đục trái thường gây hại trên trái xoài non 30-40 ngày sau khi tượng trái (khoảng bằng trái mận) vì chúng rất thích hột trái non mềm, trái già hột bắt đầu cứng sâu ít tấn công. Triệu chứng xuất hiện rộ khi trái gần cứng bao đầu. Sau giai đoạn ấu trùng sâu rơi xuống đất hóa nhộng.

Khi trái bị đục, ở chóp trái có chất lỏng tiết ra từ vết đục, sau đó sẽ có chấm đen nhỏ và dần dần chấm đen này lan rộng ra. Thoạt nhìn, nông dân có thể lầm tưởng là triệu chứng của bệnh. Ấu trùng tuổi nhỏ thích ăn phần thịt trái nhưng khi lớn, sâu tấn công chủ yếu phần hột. Ngoài ra, từ vết đục của sâu còn tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn phát triển làm trái xoài bị thối nhanh, vết thối bắt đầu từ phần đít trái đi lên (phân biệt với bệnh thối trái thì vết thối từ trên cuống trái lan xuống). Khi sâu vào bên trong ăn hết phần hột, chúng sẽ di chuyển sang những trái khác. Trái xoài bị sâu đục trái phá hại thì phần chóp trái có thể bị biến dạng, cong lại. Nếu sâu phá hại lúc trái nhỏ thì làm trái rụng, nhưng ở giai đoạn trái lớn mặc dù bị thối nửa trái, trái vẫn còn dính trên cây. Thường trong mỗi trái có từ 1-2 con sâu nhưng ở những vùng mật số sâu cao có thể tìm thấy 4-5 con/trái.

Biện pháp phòng trừ:

Đặc tính sâu đục trái gây hại phần trong của trái  nên  rất khó phòng trừ, biện pháp phòng tốt sẽ làm giảm được tác hại của chúng:

-Nên tỉa cành, tạo tán để tạo thông thoáng cho vườn xoài.

-Sau thu hoạch cho ngập nước vườn khoảng 36-48 giờ để diệt nhộng trong đất.

-Trong những vùng thường xuyên bị nhiễm sâu đục trái nên bao trái. Biện pháp bao trái rất có hiệu quả không chỉ ngăn ngừa sự gây hại của sâu đục trái mà còn hạn chế được bệnh da ếch, ruồi đục trái, bệnh thán thư trên trái làm cho trái có màu sắc đẹp. Bao trái có thể tiến hành vào khoảng 35-40 ngày sau khi đậu trái.

- Thu lượm những trái bị sâu (còn trên cây hay rớt xuống đất) đem tiêu hủy vì sâu có thể còn nằm trong trái.

- Nếu phun thuốc hóa học thì cần phải phun sớm khi thấy bướm sâu đục trái xuất hiện trong vườn hoặc quan sát thấy chóp trái mới bị chấm đen. Phun thuốc kịp thời giai đoạn này vết đục sẽ thành thẹo và sau đó mất đi trong quá trình phát triển trái. Sử dụng một trong những loại thuốc sau: Padan 95SP, Map Genie 12EC, Oncol 20EC, Marshal 200SC,…

Chú ý: Đảm bảo thời gian cách ly để an toàn cho người sử dụng.

Nguyệt Anh

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ