Biện pháp kỹ thuật để vườn cam trĩu quả, lâu già cỗi

Cam là loại cây có múi trồng mau cho trái, năng suất cao, phẩm chất ngon, cung cấp nhiều vitamin C, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, trồng cam đòi hỏi sự đầu tư chăm sóc kỹ của nhà vườn, mỗi giai đoạn có nhu cầu dinh dưỡng và biện pháp kỹ thuật phù hợp. Vì thế, để đáp ứng đúng nhu cầu cho cây cam trong từng thời kỳ, người ta chia sự phát triển của cây ra thành nhiều giai đoạn. Để có vườn cam trĩu quả, lâu già cỗi, nông dân cần lưu ý một số vấn đề sau:


cam                                                               Cam trĩu quả.

Thời kỳ kiến thiết cơ bản: là giai đoạn từ sau khi trồng đến lúc cây ra hoa và đậu trái. Đặc điểm của cây trong giai đoạn này chủ yếu là sinh trưởng dinh dưỡng. Cây phát triển thân cành liên tục nhiều đợt trong năm, cành sinh trưởng mạnh, bộ rễ phát triển rất mạnh. Đây là giai đoạn căn bản để hình thành tán cây là cơ sở để cây cho năng suất cao về sau. Cách tạo tán như sau: Từ vị trí mắt ghép (trên gốc ghép) trở lên khoảng 50-60 cm thì bấm bỏ phần ngọn, mục đích để các mầm ngủ và cành bên phát triển. Khi cây trồng được 2, 3 tháng tuổi, chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1. Với 3 cành chính, cặm cọc theo 3 hướng để kéo tàn cho đều nhánh. Kéo nhánh nhằm tạo điều kiện để cây phát triển rộng tán, cây nhận ánh sáng đầy đủ sẽ tạo năng suất mới cao.  Năm thứ nhất cây cần nhiều lân để phát triển bộ rễ nên chọn loại phân có tỷ lệ lân cao. Vườn cây bón đủ lân thì lá cây mới to, dày, hiệu suất quang hợp tốt, cây sinh trưởng và phát triển mạnh, phân cành đều. Ngoài ra, còn lưu ý đến hiện tượng ra trái sớm, những cây ra trái sớm cần tiến hành lặt bỏ hoa trái để ít ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

Thời kỳ kinh doanh: là thời kỳ từ khi cây bắt đầu cho trái đến khi cây cho trái toàn cây. Thời kỳ này sinh trưởng dinh dưỡng vẫn còn chiếm ưu thế, bộ rễ phát triển mạnh, do nhu cầu cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho tán cây và nuôi trái, rễ phát triển ra khỏi mô trồng và đi xuống tầng đất dẻ chặt sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của rễ. Do đó, cần áp dụng những biện pháp giúp hệ thống rễ phát triển tốt như bón vôi, điều chỉnh độ pH thích hợp (pH thích hợp cho cây có múi khoảng 5,5-6,5), tủ gốc giữ ẩm trong mùa nắng. Loại bỏ những cành không cần thiết như cành vượt làm tiêu hao dinh dưỡng của cây, tạo thông thoáng cho cây nhận ánh sáng đầy đủ. Do đặc điểm của cây có múi nói chung và cây cam nói riêng là sản phẩm chứa một hàm lượng kali rất cao nên cần chú ý trong việc bón phân để bù đắp lại lượng mất đi này.

Thời kỳ khai thác: từ khi cây ra trái toàn cây đến lúc cho năng suất cao nhất. Đây là thời kỳ quan trọng nhất, có ý nghĩa kinh tế nhất, thời kỳ này càng dài hiệu quả kinh tế vườn càng cao. Thời kỳ này là cây ở giai đoạn thuần thục, tán cây đã ổn định, sinh trưởng dinh dưỡng kém, cành nhỏ, ngắn, ít lá chủ yếu là cành mang trái. Giai đoạn này cần tiến hành tỉa cành hàng năm, không cho cây giao tán, loại bỏ những cành vô hiệu, giúp cành phân bố hợp lý, nhận đầy đủ ánh sáng. Để trái vừa đủ giúp cây phát triển tốt và dinh dưỡng còn dự trữ để cây đủ sức phân hóa mầm hoa năm sau. Bón phân N-P-K đầy đủ nuôi trái. Bổ sung phân hữu cơ cải tạo đất giúp rễ cây phát triển tốt. Cây cam cần rất nhiều phân hữu cơ (20-30 tấn/ha), ngoài việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cây phân hữu cơ còn có tác dụng rất tốt trong việc cải tạo đất, làm đất tơi xốp. Khi sử dụng phân hữu cơ phải dùng loại phân đã ủ hoai mục.

Thời kỳ già cỗi: là giai đoạn khi sinh trưởng và năng suất cây giảm đến lúc không còn hiệu quả. Thời kỳ này, cây sinh trưởng dinh dưỡng kém, cành lá phát triển ít, nhỏ, tán lá thưa, cây ra hoa trái ít, trái nhỏ, rụng nhiều, năng suất thấp. Giai đoạn này cần bón nhiều nhất là phân đạm giúp thúc đẩy sinh trưởng của cây. Xới xáo giúp rễ tơ phát triển.

Tùy theo điều kiện đất đai ở từng nơi, điều kiện thời tiết, từng thời kỳ phát triển của cây cam mà có công thức bón phân thích hợp một cách khoa học và hợp lý. Trong quá trình chăm sóc cho cây cam cần thường xuyên theo dõi để phát hiện những biến đổi của cây, mà đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng và biện pháp kỹ thuật. Có như vậy mới đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, ổn định và lâu già cỗi.

Nguyễn Thị Nguyệt

Chi cục Bảo vệ thực vật

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ