Anh Phạm Văn Bình vươn lên từ cây cam sành

Anh Phạm Văn Bình ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc thành công với mô hình trồng cam sành cho hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích 4.000 mét vuông, anh trồng 1.500 gốc cam sành và xen 100 gốc bưởi da xanh. Năm qua mới cho trái chiến, thu nhập trên 60 triệu đồng.

Anh lập gia đình năm 1997, khi ra riêng cha mẹ cho 2.000 mét vuông đất sản xuất nông nghiệp trồng lúa. Qua thời gian thấy kém hiệu quả, anh lên bờ trồng 1.000 gốc cam sành. Ban đầu, do chưa có nhiều vốn và kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây có múi nên gây rất nhiều khó khăn. Qua học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, anh Bình thực hiện kế hoạch lấy ngắn nuôi dài, bằng cách trồng xen hoa màu dưới chân mô cam khi cam còn nhỏ. Khi cam lớn, tạo tán, ra hoa anh không trồng hoa màu nữa mà trồng cỏ giữ ẩm cho cây. Việc chăm sóc, bón phân và xử lý nước tưới vườn được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cam của anh luôn xanh tốt và ra hoa đậu trái đạt hiệu quả.

Anh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm trổng cam sành với chúng tôi: Phải luôn theo dõi và chăm sóc, hàng năm, sau khi thu hoạch vụ chính tiến hành vệ sinh vườn, cắt tỉa cành bị sâu bệnh, dọn dẹp cỏ dại, tưới nước giữ ẩm cho cây, cứ 2 tháng thì bón phân 1 lần. Đầu năm 2000, anh thu hoạch cam vụ đầu được 4 tấn, với giá cam 9 ngàn đồng/kg, thu nhập 36 triệu đồng. Qua học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn chuyên canh cam sành trong và ngoài xã, anh Bình nhận thấy muốn đạt hiệu quả cao thì phải xử lý cho trái nghịch vụ để tránh thu nhập rộ, làm cam rớt giá. Từ đó, anh thực hiện chặt chẽ các khâu xử lý cho cam trái nghịch vụ, sử dụng phân bón, thuốc đúng liều lượng, kỹ thuật xiết nước, nuôi kiến vàng phòng trừ các loại sâu bệnh. Năm 2001, anh thành công với sản lượng cam nghịch vụ, đạt 10 tấn/2.000 mét vuông, thu nhập 150 triệu đồng, bỏ hết các chi phí anh thu nhập trên 100 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với cam vụ thuận. Những năm tiếp theo trung bình mỗi năm thu nhập từ 50-100 triệu đồng. Từ hiệu quả trong trong 6 năm trồng cam, với 2.000 mét vuông đất vườn, anh Bình tích lũy mua thêm 3.000 mét vuông đất. Năm 2006, khi vườn cam của anh đã xuống, anh tiến hành xẻ mương làm mới kết hợp với cải tạo đất và trồng lại. Năm qua, vườn cam của anh đang phát triển cho trái chiến bán được 60 triệu đồng.

Từ Mô hình kinh tế trồng cam đạt hiệu quả cao của anh Phạm Văn Bình đã khuyến khích nhiều hộ dân trong ấp Phú Thạnh, xã Phú Mỹ thực hiện cải tạo vườn tạp lên liếp trồng cam. Không giấu nghề, anh tận tình hướng dẫn kinh nghiệm chăm sóc cam và xử lý trái nghịch vụ cho các hộ nông dân mới chuyển đổi trồng cam sành theo phương châm “vừa và đủ”, không trồng cây quá dày, thu hoạch 1 vụ trong năm để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Với hiệu quả kinh tế mô hình trồng cam sành của anh Phạm Văn Bình đang được thẩm định và bình xét danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp huyện năm 2010.                                                                                      

Vũ Lâm

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ