Biện pháp phòng trừ sâu đục thân lá nhãn

nhanNhãn là loại cây ăn trái dễ trồng, mau thu hoạch và có giá trị cao trên thị trường trái tươi nội địa và đặc biệt đối với nhãn sấy xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm gần đây. Ngoài ra, hiện nay có nhiều giống nhãn mới, ngon như nhãn xuồng cơm vàng, xuồng cơm trắng,… song vấn đề sâu bệnh trên nhãn cần phải được quan tâm mà phổ biến nhất là sâu đục gân lá gây hại giai đoạn đọt non.

Trưởng thành của loài sâu đục gân lá nhãn là một loài ngài, có cơ thể rất nhỏ, màu nâu xám, kích thước khoảng 3mm, cánh trước dài và hẹp, có một đốm màu vàng sáng ở chóp cánh, cánh sau hình dùi có lông tơ vàng. Sâu gây hại trên nhãn, vải. Đây là loài gây hại quan trọng trên nhãn ở một số tỉnh ĐBSCL. Chúng đẻ trứng rãi rác gần gân chính của lá đọt. Sâu non rất nhỏ, màu xanh nhạt, đốt bụng dài và có nhiều lông ngắn, đẩy sức dài 5mm. Sau khi nở, sâu non đục vào cắn phá gân chính của lá nhãn non vẫn còn màu nâu đỏ chưa chuyển sang màu xanh, làm cho gân chính và mô lá hai bên bị hủy hoại biến thành màu nâu đỏ, sau đó khô (nhìn như lá bị cháy), vết cháy nhỏ dần về phía cuống lá, tạo thành hình mũi nhọn như chữ V. Phần lá còn xanh sẽ bị biến dạng, cong queo. Sau này vết cháy bị khô giòn, nếu gặp mưa gió mạnh thì vết cháy bị rách làm hai. Triệu chứng bị sâu đục gân lá gây hại làm nông dân rất dễ nhầm lẫn là triệu chứng bệnh. Khi đẫy sức, ấu trùng chui ra ngoài nhả tơ kết thành một cái kén giống như một lớp màng trắng đục hình bầu dục trên lá rồi hóa nhộng phía dưới lớp kén này. Nhộng dài khoảng 5mm màu xanh nhạt. Khi mật độ sâu cao, nhiều lá non bị hại, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và ra hoa, đậu trái của cây.

Sâu thường xuất hiện và gây hại nhiều trên lá non của đợt đọt thứ nhất (sau khi tỉa cành làm gốc,…), đợt đọt non thứ hai (đợt đọt cho bông) bị hại ít hơn, khi lá đã chuyển sang giai đoạn bánh tẻ thì sâu không gây hại nữa. Những vườn nhãn rậm rạp, không tỉa cành thường xuyên thường bị sâu hại nhiều hơn.

Để hạn chế tác hại của sâu có thể áp dụng các biện pháp sau:

- Thường xuyên vệ sinh vườn, tỉa bỏ những cành già không cho trái bên trong tán, cành vô hiệu,.. để vườn nhãn luôn được thông thoáng.

-  Ngoài tự nhiên, có nhiều loài ong ký sinh tiêu diệt được sâu đục gân lá nhãn. Vì thế, nên tạo điều kiện cho ong ký sinh phát triển để hạn chế bớt tác hại của sâu.

-  Bón phân tập trung theo đúng thời kỳ để hạn chế cây ra đọt liên tục rất khó quản lý sâu đục gân lá.

- Ở những vườn thường xuyên bị hại nặng, mỗi đợt ra đọt non có thể tiến hành phun thuốc. Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Map Go 20ME, Regent 5SC, Supracide 40EC,…

Chú ý: phun kỹ phần lá non, chủ yếu là giai đoạn lá còn màu nâu đỏ, chưa chuyển qua màu xanh.

T. Nguyệt

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chăm sóc vườn nhãn sau thu hoạch
• Mô hình trồng nhãn Idor cho hiệu quả kinh tế cao
• Giống nhãn mới LĐ11 thích nghi tốt trên vùng đất Bến Tre
• Áp dụng đồng bộ giải pháp tổng hợp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng trừ bệnh chổi rồng hại nhãn
• Phòng trừ bệnh thối trái nhãn
• Bọ xít hại nhãn và các biện pháp phòng trừ
• Kỹ thuật trồng nhãn
• Bệnh cháy lá trên cây nhãn
• Bệnh phấn trắng
• Bệnh thối bông
• Đốm mốc xanh, mốc xám
• Bệnh thối rễ (Fusarium sp.)
• Bệnh khô cành (Phoma sp.)
• Bệnh đốm bồ hóng do nấm Meliola sp.
• Bệnh thối trái do nấm (Phytophthora sp.)