Phòng trừ sâu đục trái vú sữa

Hiện nay, vú sữa là loại cây ăn trái được trồng khá phổ biến, ngoài phẩm chất ngon, được người tiêu dùng ưa thích, vú sữa còn là loại trái cây có khả năng xuất khẩu. Tuy nhiên, vú sữa thường bị sâu đục trái gây hại rất mạnh, làm thiệt hại năng suất và giảm giá trị thương phẩm của trái đáng kể.

Trưởng thành của sâu đục trái là một loài bướm đêm màu xám trắng, chiều dài thân khoảng 12mm. Rìa cánh trước và cánh sau có nhiều tua mịn. Khi đậu 2 cánh tạo thành hình tam giác. Sâu non màu hồng, có các đốm đen nhỏ trên thân.

Bướm sâu đục trái đẻ trứng rải rác từng quả trên vỏ trái non, thường đẻ trứng ở gần cuống trái hoặc nơi tiếp giáp giữa các kẻ trái. Sâu non mới nở bắt đầu cạp bên ngoài vỏ trái. Sang tuổi 2, sâu đục những đường hầm sát vỏ trái, ăn phần thịt trái, làm traí bị chảy nhựa trắng chung quanh lổ đục. Sâu phá hại từ khi trái còn nhỏ (khoảng bằng trái chanh) đến khi trái chín, làm rụng hoặc giảm giá trị thương phẩm của trái.

 Suốt giai đoạn ấu trùng, sâu nằm trong trái. Trong mỗi trái thường chỉ có một con sâu non. Sâu có thể di chuyển từ trái này sang trái khác, nhất là các trái liền nhau. Nơi sâu đục có thể phát hiện dễ dàng nhờ lớp tơ kết dính phân sâu thành chùm ở gần cuống hoặc phía dưới trái.

Có thể phát hiện lúc bướm vào vườn đẻ trứng hoặc quan sát những dấu cạp trên vỏ trái hay những lổ đục trên trái chảy nhựa trắng, lúc đó sâu non còn nhỏ chưa chui sâu vào bên trong trái. Nếu thấy phân khô màu nâu kết dính lại ngoài vết đục là sâu đã chui hẳn vào trái rất khó phòng trừ.

Sâu đục trái gây hại quanh năm nhưng phát triển mạnh nhất là vào mùa nắng.

* Biện pháp phòng trừ:

+ Tưới nước bằng máy với áp suất mạnh cũng làm giảm đáng kể mật số sâu đục trái.

+ Thu gom những trái bị sâu đem chôn để diệt sâu và nhộng.

+ Bao trái là biện pháp hiệu quả để ngừa sâu đục trái.

+ Khi phát hiện bướm vào vườn đẻ trứng hoặc khi sâu còn nhỏ bên ngoài trái sử dụng các loại thuốc như Map Permethrin 50EC, Cyperan 5EC, Brightin 1.8EC hoặc các lọai thuốc vi sinh như Vi BT 32000 WP, Biocin 16 WP, Dipel 3,2 WP. Khi sâu đã lớn chui vào trong trái thì việc phun thuốc kém hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Chú ý: Thuốc trừ sâu vi sinh chỉ hữu hiệu ở sâu non mà không tác động đến giai đoạn trứng, nhộng hoặc bướm. Thuốc chỉ có tác động vị độc, do đó nhất thiết phải được sâu ăn vào mới có tác dụng, cần phun ướt đều lên các bộ phận sâu ăn. Có thể pha với các chất bám dính để tăng thời gian hiệu lực. Nên phun lúc chiều mát để tránh thuốc bị phân hủy bởi tia cực tím có trong ánh mặt trời.

Tuyệt đối đảm bảo đúng thời gian cách ly để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nguyễn Thị Nguyệt

Chi cục Bảo vệ Thực vật

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ