Phòng trừ bệnh hại dưa hấu trong mùa mưa

Dưa hấu là loại cây trồng phổ biến, có giá trị kinh tế cao và thích hợp trên nhiều vùng đất. Trước đây, dưa hấu thường được trồng vào dịp Tết, ngày nay với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông dân có thể trồng dưa quanh năm nhưng dưa hấu Tết vẫn là vụ dưa chính và đây là vụ dưa đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Tuy nhiên, sâu bệnh trên dưa hấu cũng liên tục phát triển. Trong đó, bệnh nứt thân chảy mủ và bệnh thán thư là hai loại bệnh phổ biến và gây hại nghiêm trọng đến năng suất và phẩm chất dưa hấu.

 

dl                                                Triệu chứng bệnh thán thư.     

- Bệnh nứt thân chảy mủ (hay còn gọi là bệnh bả trầu) do nấm Mycosphaerella citrullina  gây ra. Bệnh gây hại chủ yếu trên thân, đôi khi có trên lá và cuống trái. Trên thân, vết bệnh lúc đầu là những đốm hình bầu dục, màu xám trắng, hơi lõm, có giọt nhựa màu đỏ ứa ra. Về sau, vết bệnh chuyển màu nâu sẫm và khô cứng lại. Bệnh nặng, thân dây dưa bị nứt thành vệt dài màu nâu xám và nhựa ứa ra rất nhiều, dây dưa có thể bị khô chết. Trên vết bệnh là những ổ bào tử nấm. Triệu chứng trên lá là những đốm màu nâu nhạt, thường gây hại từ bìa lá vào, lá khô rụng sớm. Bệnh gây hại trên trái và cuống trái giống như trên thân, làm trái nhỏ, nứt nẻ.

 

dl                                               Triệu chứng bệnh nứt thân chảy mủ.

Ngoài nứt thân chảy mủ, bệnh thán thư gây hại rất nghiêm trọng trên dưa hấu. Bệnh do nấm Colletotrichum lagenarium, tất cả các giống dưa hấu đều nhiễm bệnh này. Bệnh xuất hiện suốt trong thời gian sinh trưởng của cây và gây hại các bộ phận của dưa hấu như lá, hoa, thân và trái, nhưng đặc biệt gây hại mạnh nhất là giai đoạn hình thành trái. Trên lá, bệnh xuất hiện các lá già bên dưới trước, đốm bệnh lúc đầu là những điểm tròn màu vàng nhạt, dần biến màu nâu, có các đường vòng đồng tâm, trên vết bệnh có những thể nhỏ li ti màu đen, vết bệnh khô và rách. Trên thân, vết bệnh hình tròn lõm màu vàng, sau trở thành màu đen, trên mặt vết lõm có lớp phấn dày màu hồng. Nếu trời khô ở chỗ vết bệnh tạo thành các đường nứt, khi trời ẩm các phần thịt của dây bị thối. Trên trái, vết bệnh có màu nâu đen, hình tròn đường kính khoảng 2-4mm, có vòng khoang hơi lõm vào vỏ, xung quanh có đường viền vàng nâu, giữa vết bệnh nứt ra và sinh lớp phấn màu hồng (phân sinh bào tử). Bệnh nặng, vết bệnh liên kết với nhau tạo thành các vết loét ăn sâu vào trong thịt trái, gây thối trái, nhũn nước, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng trái.

Bào tử nấm bệnh thối gốc chảy mủ và nấm bệnh thán thư đều phát triển mạnh khi thời tiết nóng, ẩm, gây hại từ khi cây dưa đã lớn đến thu hoạch. Bệnh lây lan bằng bào tử nấm và tồn tại trên tàn dư cây bệnh vụ trước và qua hạt giống để truyền bệnh sang năm sau. Nấm bệnh phá hại nhiều loại cây họ bầu bí như dưa leo, dưa hấu, khổ qua, bầu, bí,…

* Biện pháp phòng trừ:

- Không để hạt giống từ những trái bị bệnh. Xử lý hạt giống trước khi gieo trồng.

- Thu dọn kỹ tàn dư cây bệnh trên đồng sau thu hoạch. Cày sâu, luân canh cây trồng khác họ ít nhất 1 năm.

- Trước khi trồng nên bón phân hữu cơ hoai mục kết hợp với chế phẩm sinh học Trichoderma.

- Tiêu hủy các bộ phận bị bệnh và khử vôi để tránh lây lan.

- Làm luống cao, thoát nước tốt.

- Tăng cường bón lân và kali. Tránh bón thừa đạm.

- Đối với bệnh nứt thân chảy mủ, phun các loại thuốc như: Score 250EC, Sumi-Eight 12.5 WP, Revus opti 440SC,…

- Phát hiện bệnh thán thư, sử dụng một trong các loại thuốc sau: Map-Super 300EC, Amistar 250SC, Daconil 75WP,… Phun khi bệnh mới chớm xuất hiện.

Chú ý: Bảo đảm thời gian cách ly để không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trái dưa sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nguyễn Thị Nguyệt

Chi cục Bảo vệ thực vật

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ