Lê Văn Cường-người bảo tồn nguồn gen giống dừa xiêm xanh

Ông Lê Văn Cường, ở ấp 2B, xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm) cũng giống như nhiều nông dân khác, cần cù, chịu khó, say mê lao động và ham học hỏi để cầu tiến, vươn lên từ chính mảnh vườn của mình. Càng trân trọng hơn, ông là người góp phần bảo tồn nguồn gen và cung cấp dừa xiêm giống để mở rộng diện tích đất trồng dừa trên địa bàn tỉnh và trong khu vực.

 
dua                 Nông dân Lê Văn Cường bên cây dừa xiêm xanh 30 tháng tuổi. Ảnh: Tr.Q

Duyên nợ cây dừa xiêm xanh

Gia đình ông Cường sở hữu 8.4 m2 đất, nằm cạnh sông Hàm Luông. Trước đây, đất vườn tạp và cấy một vụ lúa, nhưng do ảnh hưởng nước mặn (mỗi năm từ 3 tháng trở lên) nên hiệu quả không cao. Ông Cường sớm nghĩ đến việc lên liếp toàn bộ phần diện tích đất để trồng giống dừa ta. Để mảnh vườn thành khoảnh và cây trồng cho năng suất cao, cứ mỗi khi nước ròng ông lấy đất bãi bồi cho vào ghe và nước lớn đem đắp đê bao. Một ngày, hai ngày, rồi nhiều ngày, diện tích đất đã được đê bao khép kín, chủ động điều tiết nguồn nước; đặc biệt vào những tháng mặn xâm nhập, không lấy nước vào, chỉ sử dụng nước trong mương vườn để tưới cây trồng. Còn việc anh đến với cây dừa xiêm xanh?-Tôi hỏi. Ông Cường nở nụ cười tươi: Chắc là cây dừa xiêm xanh có duyên nợ với quê hương Thạnh Phú Đông. Ông kể: Vào năm 1970, một người bạn của ông Lê Văn Mách đem về nơi đóng quân 2 cây dừa. Ông Mách xin một cây để trồng. Đất ông Mách liền ranh nhà ông Cường, nhưng mãi đến năm 1985, ông Cường mới phát hiện sự kỳ diệu của giống dừa xiêm xanh so với dừa ta. Dừa xiêm xanh cho trái quanh năm, buồng dừa đơm trái rất nhiều, nước dừa uống ngọt và có hương vị đặc trưng. Ông Cường hỏi xin ông Mách vài trái ương làm giống. Cây trồng phát triển và cho trái đã khẳng định dần chỗ đứng. Cách đây 13 năm, ông Cường đã hoàn tất việc thay thế dừa ta bằng dừa diêm xanh trên phần diện tích đất của mình. Có được giống dừa quý nhưng rất ít người biết đến, do thời điểm này thị trường tiêu thụ mạnh vẫn là trái dừa ta khô.

Cây trồng khẳng định chỗ đứng

 Khoảng 5 năm trở lại đây, tia sáng cũng lóe lên đối với giống dừa xiêm xanh. Khởi xướng là Trung tâm thực nghiệm Đồng Gò, liên hệ đặt mua làm giống từ 7.000 trái/năm, tăng dần lên 20.000 trái/năm. Đây cũng là thời điểm ngành du lịch trên đà phát triển. Đồng bằng sông Cửu Long trở thành điểm đến, hấp dẫn đối với khách tham quan trong và ngoài nước. Với thế mạnh nước ngọt, trái chứa nước vừa đủ một người thưởng thức, dừa xiêm xanh trở thành nước giải khát chinh phục được đông đảo du khách. Tiếng lành đồn xa, dừa xiêm xanh ngày càng được nhiều người biết đến. Nhà vườn ở nhiều tỉnh tìm đến ông Cường đặt mua dừa giống để chuyển đổi cây trồng.
 
Theo ông Cường, dừa xiêm xanh không đòi hỏi cao về kỹ thuật, cách chăm sóc cũng giống như dừa ta. Nhưng điểm khác là cây trồng 30 tháng tuổi bắt đầu có lưỡi mèo cho trái và 6 tháng sau thu hoạch trái uống nước; nếu để trái khô phải mất thêm 6 tháng nữa. Theo sổ ghi chép của ông Cường, mỗi năm dừa xiêm xanh cho ra 18 mo nang/cây, năm nào gặp thời tiết bất lợi như mưa bão kéo dài có từ 3-4 mo nang bị hư không đậu trái, số còn lại đều đậu trái. Trung bình mỗi cây cho trên 200 trái/năm, nhiều gấp đôi so với dừa ta. Trong năm 2010, vào 3 tháng nước mặn, ông Cường thu hoạch dừa nạo bán uống nước, giá thương lái thu mua tại vườn 58.000 đồng/chục (12 trái), còn trái ương giống cây đâm thân 1-2 tất, giá 20.000 đồng/cây. Ông Cường cho biết, dừa xiêm xanh nhân giống có nguồn gen khá ổn định. Trong số hàng trăm trái ương làm giống chỉ xuất hiện vài trái mộng vàng. Ông Cường đã đem trồng thử nghiệm ngay trong vườn, trái mang màu vàng nhiều hơn màu xanh, còn chất lượng như dừa màu xanh. Dừa xiêm xanh có bẹ lá nhặt nên thân không cao như dừa ta. Cũng theo ông Cường, dừa xiêm xanh không đòi hỏi nhiều phân thuốc, chỉ cần thu hoạch một đợt trái là đủ chi phí cả năm. Riêng ông Cường tận dụng lợi thế đất vườn cạnh sông Hàm Luông, thuê ghe bơm cát sông vào mương vườn một thời gian để xả phèn, rồi đem lên vun gốc cây trồng. Gần đây, ông Cường phát hiện thú vị, dùng cát xây dựng bón cây trồng phát triển rất tốt. Ông Cường so sánh: Mua 10.000 đồng cát xây dựng (4 thúng) bón cho cây phát triển tốt hơn 1 kg phân NPK 16-16-8 (giá mua lẻ 15.000 đồng/kg). Bên cạnh đó, hệ thống đê bao khép kín giúp vườn dừa của ông Cường phát huy lợi thế. Từ tháng 7-9, mưa và nước ngập, ông điều tiết không để nước nhiều trong mương và tháng 4, 5 cây cho trái thu hoạch bán được giá cao. Nhờ chọn được cây trồng thích nghi vùng đất, cộng tính cần cù, chịu khó, cuộc sống gia đình ông Cường không ngừng được cải thiện. Ông Cường đã khai thác lợi thế cây dừa xiêm xanh trên vùng đất của mình để làm giàu. Bên cạnh đó, ông còn là người góp phần phát triển diện tích đất có chủng loại cây trồng  mang dóc dáng quê hương, được cả nước biết đến.

Theo ông Phạm Văn Sơn-Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Phú Đông, giống dừa xiêm xanh được trồng ở địa phương khá lâu và có nhiều hộ trồng; nhưng chỉ có ông Cường trồng chuyên, đầu tư đúng mức và cung cấp số lượng lớn theo đơn đặt hàng. Hiện, toàn xã có 1.065 ha đất trồng dừa, trong đó diện tích dừa xiêm xanh chiếm từ 60-70%. Nghị quyết Đảng bộ xã cũng đã xác định, dừa là cây trồng chủ lực và ca cao là cây trồng xen. Xu hướng chung, diện tích dừa xiêm xanh được mở rộng thay thế đất trồng cây ăn trái và cây mía kém hiệu quả.

Trần Quốc

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Khắc phục dừa bị trăng ăn
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella Walker
• Dừa Bến Tre – cây cho nhiều sản phẩm nhất Việt Nam
• Sâu ăn lá – côn trùng mới gây hại trên cây dừa
• Dừa Bến Tre-cây cho năng lượng sinh khối sạch và hấp thụ khí nhà kính
• Một số giải pháp hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn trên cây dừa
• Biện pháp sinh học và lý học quản lý nhóm côn trùng hại dừa
• Anh Huỳnh Thanh Tâm - Người không ngừng nâng cao giá trị cây dừa
• Một số vấn đề cần quan tâm trong canh tác dừa uống nước
• Cảnh báo mối hiểm họa của việc nuôi đuông dừa
• Sâu đục trái dừa-sâu hại mới đang phát triển trên vườn dừa
• Phương pháp thu mật và cách chế biến đường từ mật hoa dừa
• Bọ vòi voi trên cây dừa
• Bọ vòi voi-loài côn trùng mới gây hại trên cây dừa