Dừa xiêm lục-giống dừa uống nước triển vọng

Dừa xiêm lục là cách gọi hiện nay của nhiều người trồng trong và ngoài tỉnh Bến Tre. Có nơi gọi là dừa xiêm chu (vì phần dưới trái hơi nhô lên), có nơi gọi là dừa xiêm lùn. Đây là giống dừa đã có từ lâu nhưng chỉ mới có tên gọi gần đây để phân biệt với dừa xiêm xanh, xiêm dứa.…

 

dua                              Dừa 10 năm tuổi chỉ cao khoảng 2m.

Về hình dáng bên ngoài thì dừa xiêm lục có màu xanh nhưng hơi nhạt hơn xiêm xanh và màu xanh hơi giống như màu xanh lục. Một điểm dễ nhận ra của giống dừa này là có 2 mo nang. Giống dừa này trái nhiều hơn dừa xiêm xanh, trung bình mỗi buồng có hơn một chục dừa (mỗi chục là 12 trái).Trong vườn dừa xiêm lục buồng có từ 20 trái đến 30 trái rất phổ biến, trong khi ở giống dừa xiêm xanh buồng trên 20 trái thường không được nhiều. Trọng lượng và đường kính trái nhỏ hơn trái dừa xiêm xanh. Nếu buồng ít trái từ 10 đến 16 trái thì trái có thể to hơn và trọng lượng trái tương đương dừa xiêm xanh, nghĩa là từ 1,4-1,7 kg. Nếu buồng sai trái (trên 30 trái/buồng) thì trọng lượng trái chỉ từ 1,1kg đến 1,3kg. Vỏ trái rất mỏng, chổ mỏng nhất ở phần giữa trái chỉ từ 1,2 cm đến 1,4 cm. Do vỏ mỏng nên lượng nước bên trong trái tương đương với dừa xiêm xanh, nghĩa là khoảng 220-280ml. Với lượng nước chừng này cũng vừa đủ cho một người bình thường uống. Điểm đặc biệt của giống dừa xiêm lục là nước rất ngọt. Nếu vườn dừa có bón phân đầy đủ thì khi thu hoạch sớm hơn 5-7 ngày thì nước vẫn ngọt và không còn vị chua như dừa xiêm xanh. Thời điểm này thì cơm dừa bên trong chỉ vừa “váng cháo”, độ brix đo lúc này từ 6% trở lên. Nước dừa nếu đo độ brix từ 6% là đã cảm nhận là ngọt thanh, nếu đạt đến 8% là nước dừa rất ngọt.

Về thị trường tiêu thụ, tùy thuộc vào thương lái tại từng địa phương mà giá có chênh lệch khác nhau đáng kể. Có nơi thương lái ra quy cách là dừa uống nước có trọng lượng từ 1,3kg đến 1,7kg/trái là đúng chuẩn thì cao giá nhất, ngược lại nếu nhỏ hơn hoặc lớn hơn mức trên thì sẽ mất giá. Nếu quy định như thế thì nhà vườn sẽ mất 50% thu nhập vì giá dừa nhỏ như dừa xiêm lục chỉ bằng nữa giá dừa đạt chuẩn. Liệu nhà vườn có chấp nhận giá và sẵn sàng trồng giống dừa này không?

Đến tham quan hộ anh Lê Nguyễn Hồng Ân ở ấp 5, xã Tân Thạch trồng 75 cây dừa xiêm lục trong diện tích 2.500m2, anh cho biết từ một cây dừa khoảng 35 năm tuổi, gia đình đã nhân giống trồng được vườn dừa hiện nay. Tùy mùa thuận hay nghịch mà thu hoạch từ 6 trăm đến 9 trăm dừa/lứa. Lứa dừa mà gia đình anh Ân vừa thu hoạch xong được 1.130 trái. Phân bón cho tổng diện tích nêu trên khoảng 2 triệu đồng/năm. Phân bón là ba loại phân đơn gồm ure, kali đỏ, lân super được chia làm 4 lần bón/năm. Về giá bán thì năm rồi thấp nhất mỗi chục là 30.000 đồng còn cao nhất chỉ 37.000 đồng. Từ đầu năm đến nay giá bán khá hơn, thấp nhất cũng 40.000 đồng, cao nhất được 50.000 đồng một chục.

Hộ chị Trần Thị Lan ở ấp Hòa Long, xã Giao Hòa trồng 3,5 công dừa xiêm lục, trong đó có hơn 1/3 diện tích dừa chưa cho trái. Chị Lan cho biết mỗi lứa thu được từ 5 trăm dừa đến 9 trăm dừa tùy vụ nghịch, thuận. Tuy nhiên giá bán nơi đây lại hấp dẫn hơn, từ đầu năm đến tháng 7 năm 2010, mỗi chục dừa bán thấp nhất là 40.000 đồng và cao nhất là 58.000 đồng.

Một hộ dân trồng dừa xiêm lục ở xã Qưới Sơn, huyện Châu Thành Bến Tre bán giá là 5.000 đồng/trái (tương đương 60.000 đ/chục) vào cuối tháng 4 dương lịch. (Thời điểm này dừa xiêm xanh giá từ 62.000-65.000 đ/chục).

Giá bán dừa xiêm lục dễ được nhà vườn chấp nhận do lợi thế cây cho nhiều trái và người tiêu dùng đã bắt đầu biết đến chất lượng của giống dừa này. Việc phát triển giống dừa xiêm lục đã có một số hộ dân biết và đã tìm giống về trồng. Tuy nhiên cũng còn rất nhiều hộ dân muốn trồng dừa uống nước đang băn khoăn nhưng chưa biết  nên chọn giống dừa nào.

Nhìn chung, dừa xiêm lục thuộc nhóm dừa lùn cho trái sớm, năng suất khá cao và chất lượng nước ngọt hợp với khẩu vị người tiêu dùng. Nhận định về việc phát triển giống dừa này thì cô Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dừa Đồng Gò-cho biết: Đây là giống dừa uống nước có nhiều đặc điểm tốt như cho trái sớm, sai, chất lượng nước ngon ngọt nên cần phổ biến cho nhiều người trồng. Tuy nhiên do vỏ trái mỏng nên thời gian thu hoạch cần hợp lý để trái không bị nứt, bể trong quá trình vận chuyển. Dừa xiêm lục khi vận chuyển xa hoặc xuất khẩu thì không cần gọt vỏ do trái nhỏ nên có thể chuyên chở được nhiều trái hơn, người tiêu dùng khi mua trái còn nguyên vỏ cũng an tâm hơn dừa gọt vì không sợ ảnh hưởng của chất tẩy trắng, chất bảo quản… không an toàn mà trên thị trường có nhiều người đang sử dụng.

Trinh Liệt (TTKN-KN Bến Tre)

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Khắc phục dừa bị trăng ăn
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella Walker
• Dừa Bến Tre – cây cho nhiều sản phẩm nhất Việt Nam
• Sâu ăn lá – côn trùng mới gây hại trên cây dừa
• Dừa Bến Tre-cây cho năng lượng sinh khối sạch và hấp thụ khí nhà kính
• Một số giải pháp hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn trên cây dừa
• Biện pháp sinh học và lý học quản lý nhóm côn trùng hại dừa
• Anh Huỳnh Thanh Tâm - Người không ngừng nâng cao giá trị cây dừa
• Một số vấn đề cần quan tâm trong canh tác dừa uống nước
• Cảnh báo mối hiểm họa của việc nuôi đuông dừa
• Sâu đục trái dừa-sâu hại mới đang phát triển trên vườn dừa
• Phương pháp thu mật và cách chế biến đường từ mật hoa dừa
• Bọ vòi voi trên cây dừa
• Bọ vòi voi-loài côn trùng mới gây hại trên cây dừa