Giống Dừa và kỹ thuật chọn giống Dừa

I. Phân biệt giống Dừa:
Nhìn chung, Dừa có thể được phân thành 2 nhóm giống chính: giống Dừa cao và giống Dừa lùn với các đặc điểm chủ yếu như sau:
Những đặc điểm phân biệt giữa hai nhóm giống Dừa cao và giống Dừa lùn

Giống Dừa cao Giống Dừa lùn
- Thụ phấn chéo - Tự thụ phấn
- Cho trái muộn (5-7 năm) - Cho trái sớm (3-4 năm)
- Trái lớn, số trái/ quày ít - Trái nhỏ, số trái/ quày nhiều
- Tăng trưởng nhanh, cây cao 18-20m - Tăng trưởng chậm, cây thấp 10-12m
- Gốc phình to - Gốc nhỏ, thẳng
- Cơm Dừa dầy (1,2-1,3 cm) - Cơm Dừa mỏng (0,7-1 cm)
- Hàm lượng dầu cao (65-67%) - Hàm lượng dầu thấp (<63%)
- Chu kỳ khai thác 50-60 năm - Chu kỳ khai thác 30-40 năm
- Khả năng thích nghi tốt với các điều kiện bất thuận của môi trường - Khả năng thích nghi kém với các điều kiện bất thuận của môi trường

Ngoài ra, gần đây các nhà khoa học đề nghị thêm giống Dừa lai. Dừa lai là kết quả lai tạo giữa 2 giống Dừa cao và Dừa lùn nên mang đặc tính trung gian của 2 nhóm giống nói trên. Ưu điểm nổi bật của giống Dừa lai là ra hoa sớm, năng suất cao, hàm lượng dầu cao và có khả năng thích nghi với một số điều kiện bất thuận của môi trường.


II. Đặc tính một số giống Dừa có triển vọng:
1. Dừa cao
(để thu trái khô chế biến)
a. Dừa Ta: Là giống Dừa được trồng phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 2 dạng: Ta xanh (Hình 1) và Ta vàng (Hình 2). Đây là giống Dừa rất thích hợp cho các ngành công nghiệp ép dầu và chế biến trái Dừa vì có hàm lượng dầu cao (65-67%), dầy cơm (≥1,2cm), có tiềm năng năng suất cao (70-80 trái/cây/năm), trái có kích thước từ trung bình đến to, gáo dầy (3-4 mm) và xơ khá dầy. Trọng lượng trái từ 1,6-2,0 kg/trái khô.

dua
Hình 1
dua
Hình 2
b. Dừa Dâu: Đặc điểm nổi bật của giống Dừa Dâu là sai trái (80-100 trái/cây/năm), số trái/buồng nhiều (10-15 trái/buồng), hàm lượng dầu cao (63-65%) nhưng trái có trọng lượng trung bình (1,6-1,8 kg/trái khơ), vỏ mỏng, cơm trung bình đến dầy (11-12 mm), gáo mỏng. Dừa Dâu có 2 dạng: Dâu xanh (Hình 3) và Dâu vàng (Hình 4). Đây là giống Dừa thích hợp cho công nghiệp ép dầu và chế biến trái Dừa.
dua
Hình 3
dua
Hình 4

2. Dừa lùn (để thu trái tươi uống nước)
a. Dừa Xiêm Xanh: Đây là giống Dừa rất được ưa chuộng dùng để uống nước do có vị ngọt thanh. Trái nhỏ, trọng lượng từ 1,2-1,5 kg, thể tích nước từ 250-300 ml/trái, năng suất cao (120-150 trái/cây/năm). (Hình 5-6)

 

dua

Hình 5: Dừa Xiêm xanh trưởng thành

dua
Hình 6: Dừa Xiêm xanh 3 năm tuổi

b. Dừa Xiêm lục: Dừa xiêm Lục (Hình 7-8) được trồng với diện tích nhỏ, chưa phổ biến. Nhưng kể từ năm 2005 nó được Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Thủy phát hiện, mô tả, đặt tên và xây dựng lý lịch giống, cải thiện giống thông qua kỹ thuật chọn giống, kỹ thuật vườn ươm nên Dừa Xiêm Lục được phổ biến và được nông dân rất ưa chuộng vì khả năng ra trái cực sớm, nước ngọt. Dừa Xiêm Lục có màu sắc và kích thước trái tương tự như Dừa Xiêm xanh nhưng trái có dạng hình quả lê, dưới đáy trái có quầng xanh đậm và mỗi quày có 2 mo nang, một mo nang to bên ngoài nằm chồng khít lên mo nang nhỏ bên trong. Trọng lượng trái từ 1,2-1,5 kg, thể tích nước từ 250-300 ml/trái, năng suất cao (120-150 trái/cây/năm). Nước Dừa Xiêm Lục rất ngọt, độ đường cao, gáo dầy nên rất thích hợp cho việc uống nước và xuất khẩu vì có khả năng bảo quản được lâu và độ vỡ trái thấp khi sơ chế và vận chuyển đi xa. Đặc biệt đây là giống Dừa cho trái sớm nhất trong tất cả các giống Dừa hiện có ở Việt Nam và trên thế giới tính đến thời điểm hiện nay, thời gian ra hoa lần đầu chỉ sau 18-20 tháng sau khi trồng.

dua
Hình 7: Dừa Xiêm Lục 26 tháng tuổi
dua
Hình 8: Dừa Xiêm Lục trưởng thành

c. Dừa Xiêm Lửa: Dừa Xiêm Lửa (Hình 9-10) là giống Dừa quý hiếm, có năng suất cao, màu cam sáng rất đẹp phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái. Dừa Xiêm Lửa có trái tròn, nhỏ trọng lượng trái từ 1,0-1,2 kg, thể tích nước từ 280-320 ml, có năng suất cao (80-140 trái/cây/năm), cho trái sớm (2,0-2,5 năm sau khi trồng). Đặc biệt Dừa Xiêm Lửa lâu bị thối cuống, rụng cuống sau khi hái khỏi cây nên rất thích hợp cho việc sơ chế, bảo quản xuất khẩu. Đồng thời theo kinh nghiệm dân gian uống nước nấu từ vỏ Dừa phơi khô còn có tác dụng trị giun, sán.

 

dua

Hình 9: Dừa Xiêm lửa 2,5 tuổi

dua
H10: Du khách uống nước dừa tại cây

Xiêm xanh ruột hồng: Đây là giống Dừa tương đối đặc biệt do Thạc sĩ Nguyễn thị Lệ Thủy đặt tên, mô tả và xây dựng lý lịch giống. Giống Dừa Xiêm xanh ruột hồng (Hình 11-12) có trái bầu tròn màu xanh như Dừa Xiêm xanh nhưng vỏ Dừa bên trong và một phần gáo Dừa khi còn non có màu hồng phấn rất đẹp. Đặc biệt hoa Dừa và trái Dừa non cũng có cuống màu hồng. Khi nẩy mầm, than mầm có màu hồng đỏ đậm, nhạt dần khi mầm phát triển to và lớn hơn. Kích thước trái trung bình từ 1,5-1,8 kg, nước nhiều 300-400 ml, vỏ mỏng, gáo tròn. Trái sai, năng suất bình quân 120-150 trái/cây/năm, mỗi gié mang nhiều hoa cái. Giống Dừa nầy cũng cho trái sớm từ 2-2,5 năm sau khi trồng.

 

dua

Hình 11: Trái Dừa Xiêm xanh ruột hồng

dua
Hình 12: Cây dừa 2,5 tuổi

e. Dừa lùn vàng, lùn đỏ Mã Lai: Dừa Lùn vàng Mã Lai (Hình 13) và Dừa Lùn đỏ Mã Lai (Hình 14) là hai giống nhập nội rất có triển vọng phát triển do có năng suất cao (80-140 trái/cây/năm), cho trái sớm (2,5-3,0 năm sau khi trồng). Trái tròn, từ nhỏ đến trung bình, trọng lượng trái từ 1,2-1,4 kg, thể tích nước từ 300-350 ml. Vỏ trái có màu vàng tươi hay cam.

 

dua

Hình 13

dua
Hình 14

3. Dừa lai
a. JVA 1 (ĐG1):
Giống Dừa lai JVA1 (Hình 15) là giống Dừa lai giữa giống mẹ là lùn vàng Mã Lai và giống cha là Dừa cao Bago Oshiro của Philippines. Trái tròn có kích thước từ trung bình đến lớn, dầy cơm trung bình (11 mm), hàm lượng dầu cao (65,5%). Thời gian từ khi trồng đến khi bắt đầu cho trái là 36 tháng. Năng suất trung bình từ 80-150 trái/ cây/ năm.

 

dua

Hình 15

dua
Hình 16

b. JVA 2 (ĐG2): Giống Dừa lai JVA2 (Hình 16) là giống lai giữa giống mẹ là lùn đỏ Mã Lai và giống cha là Dừa cao Bago Oshiro của Philippies. Bắt đầu cho trái sau 36 tháng trồng. Năng suất trung bình từ 60-140 trái/cây năm. Trọng lượng trái lớn (2,0-2,2 kg/trái), hàm lượng dầu cao (65-67%).

4. Giống Dừa có giá trị kinh tế cao
a. Dừa Dứa:
Đặc điểm nổi bật của giống Dừa Dứa (Hình 17-18-19) là không chỉ nước Dừa mà các thành phần khác của cây Dừa như lá, hoa, phấn, cơm và vỏ Dừa đều thơm mùi lá dứa rất được ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới. Trái có kích thước từ nhỏ (tương đương Dừa Xiêm) đến trung bình (như Dừa Dâu) và to (như Dừa Ta). Năng suất từ 80-140 trái/cây/năm, thể tích nước từ 300-450 ml. Dừa Dứa có 3 nhóm chính được phân biệt theo kích thước trái nhóm trái nhỏ, trái trung bình và trái to. Hương thơm của nhóm giống tỉ lệ nghịch với kích thước của nó, trái thuộc nhóm trái nhỏ có hương thơm nhất, kế đến là trái trung bình và to, nhóm trái càng to hương thơm càng giảm. Ngược lại tỉ lệ nảy mầm của nhóm giống thì tỉ lệ thuận với kích thước của nó, có nghĩa là nhóm trái càng to tỉ lệ nảy mầm càng cao (80-90%), nhóm trái nhỏ có tỉ lệ nảy mầm thấp nhất (từ 10-20%).

 

dua

Hình 17: Cây dừa Dứa nhóm 1

dua
Hình 18: Cây dừa Dứa nhóm 2
dua
Hình 19: Cây dừa Dứa nhóm 3

b. Dừa Sáp (đặc ruột): Dừa Sáp (Hình 20-21-22) là đặc sản của huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Hiện nay ở huyện nầy có khỏang 800-1.000 cây đang cho trái và đang phát triển thêm gần 50 ha. Đặc điểm của giống Dừa Sáp là cơm mềm, sền sệt, dầy, có nước rất ít hoặc không có. Trái Sáp dùng để ăn tươi, làm kem hay bánh kẹo vì cơm Dừa rất béo, mềm nên khó chiết xuất dầu. Trọng lượng trái khô trung bình từ 1,2-1,5 kg. Năng suất từ 40-80 trái/cây/năm. Đặc điểm của giống Dừa nầy là chỉ có 1-2 trái Sáp/buồng (tỉ lệ 20-25%). Muốn nhân giống cây Dừa Sáp phải ươm từ trái không Sáp (trái Dừa Sáp không nẩy mầm) trên cùng buồng. Tuy nhiên không phải cây nào cũng mang trái Sáp, tỉ lệ nầy chỉ chiếm khỏang 50-75%. Về hình thái không thể phân biệt được cây Dừa Sáp và cây Dừa thường, cũng như trái Dừa Sáp và trái Dừa thường, cho đến hiện nay người ta chỉ phân biệt được trái Dừa Sáp khi trái đã bắt đầu khô và bằng phương pháp lắc trái.

dua
Hình 20: Cây dừa Sáp nhóm 2
dua
Hình 22: Cây dừa Sáp nhóm 3
dua
Hình 21: Kiểu đặc ruột của trái dừa sáp

III. Chọn giống Dừa:
1. Chọn vườn giống:
Vườn giống là một yêu cầu khá quan trọng trong công tác chọn giống Dừa vì cây Dừa chủ yếu là thụ phấn chéo (nhóm giống Dừa cao), nếu chỉ chọn cây mẹ đạt yêu cầu sẽ không bảo đảm có được cây con có chất lượng cao vì không rõ được nguồn gốc hạt phấn của cây cha. Vườn Dừa đạt yêu cầu chọn giống phải có khoảng ≥ 20 cây cùng giống, phát triển đồng đều, cho năng suất cao và sản lượng cao liên tục nhiều năm. Vườn có độ tuổi từ 10-40 năm, không bị sâu bệnh và trồng trong điều kiện bình thường.

2. Chọn cây mẹ: Khi chọn cây mẹ cần quan tâm đến các chỉ tiêu liên quan đến yếu tố cấu thành năng suất như số trái/buồng, số buồng/cây/năm, trọng lượng cơm Dừa khô/trái, hàm lượng dầu. Riêng đối với Dừa uống nước cần lưu ý thêm độ ngọt của nước và thể tích nước/ trái. Cây mẹ sau khi khảo sát được đánh dấu và theo dõi sau 3 năm liên tiếp để chọn những cây có năng suất cao ổn định. Cụ thể việc chọn cây mẹ có thể dựa trên một số đặc điểm sau:
- Tuổi cây từ 10-40 năm
- Tán lá phân bố đều, sẹo lá khít.
- Cây mọc mạnh, thân thẳng
- Không chọn những cây trồng trong điều kiện đặc biệt: gần chuồng trại, gần nhà vệ sinh.
- Có nhiều quày trên tán
- Số trái trên cây ≥ 60 trái (đối với Dừa Ta) và ≥ 80 trái (đối với Dừa Dâu); 100-120 trái/cây đối với Dừa uống nước.
- Trọng lượng cơm Dừa tươi/trái: 350-400g (đối với Dừa Ta) và 300-400g (đối với Dừa Dâu).

3. Tiêu chuẩn chọn trái giống: Việc tuyển lựa trái Dừa làm giống thường dựa vào một số tiêu chuẩn sau:
- Tuổi trái: Trái đủ độ chín, từ 11-12 tháng tuổi, vỏ trái đã chuyển một phần sang màu nâu, khi lắc nghe róc rách.
- Kích thước trái: Đặc trưng của giống, đồng đều theo từng giống, không quá to hay quá nhỏ
- Sức khỏe trái giống: Trái giống đều đặn, không dị dạng và sâu bệnh.
- Mùa thu họach: nên thu họach trái giống trong mùa khô. Mùa để giống thích hợp là trước và sau tết âm lịch.

4. Tiêu chuẩn chọn cây con:
- Chọn cây con khỏe mạnh, có cổ thân to trong vườn ươm.
- Cây không bị sâu bệnh.
- Nhiều lá và tách lá chét sớm, lá sậm màu.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Vị thế cây dừa Việt Nam
• Khắc phục dừa bị trăng ăn
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella Walker
• Dừa Bến Tre – cây cho nhiều sản phẩm nhất Việt Nam
• Sâu ăn lá – côn trùng mới gây hại trên cây dừa
• Dừa Bến Tre-cây cho năng lượng sinh khối sạch và hấp thụ khí nhà kính
• Một số giải pháp hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn trên cây dừa
• Biện pháp sinh học và lý học quản lý nhóm côn trùng hại dừa
• Anh Huỳnh Thanh Tâm - Người không ngừng nâng cao giá trị cây dừa
• Một số vấn đề cần quan tâm trong canh tác dừa uống nước
• Cảnh báo mối hiểm họa của việc nuôi đuông dừa
• Sâu đục trái dừa-sâu hại mới đang phát triển trên vườn dừa
• Phương pháp thu mật và cách chế biến đường từ mật hoa dừa
• Bọ vòi voi trên cây dừa