Tầm quan trọng của cây Dừa

Vai trò xã hội của cây dừa đối với đời sống cộng đồng

Ngoài cây dừa, không có loại cây trồng nào khác có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nhiều đối tượng xã hội khác nhau, đặc biệt là nông dân nghèo. Với diện tích dừa bình quân dưới 0,5 ha cho một hộ gia đình có từ 4-5 người, như vậy có khoảng 110 triệu người sống dựa vào cây dừa. Hàng trăm mặt hàng được sản xuất từ các phần khác nhau của cây dừa giải quyết việc làm ổn định cho hơn 50% lao động nông nhàn nông thôn, chính vì thế mà cây dừa được gọi là cây của cuộc sống. Mặc dù bình đẳng nam nữ đã được cải thiện, tại một số quốc gia trên thế giới sự phân biệt đối xử vẫn còn khá nghiêm trọng. Thông qua việc chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ cây dừa người phụ nữ có thể lao động tại chổ để kiếm tiền, tham gia quán xuyến gia đình mà không phải chỉ dựa vào người chồng

Vai trò môi trường của cây dừa đối với đời sống cộng đồng

Cây dừa là một trong số ít các loại cây trồng có thể chịu đựng và tồn tại được trong những điều kiện khắc nghiệt của môi trường như khô hạn, ngập úng, đất cát nghèo dinh dưỡng, nước mặn xâm nhập, bão tố… Ở Việt Nam, trong điều kiện khắc nghiệt của khô hạn, bão tố, đất cát nghèo dinh dưỡng… của miền Trung và lũ lụt, mặn xâm nhập, nhiểm phèn… ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì cây dừa vẫn tỏ ra thích nghi tốt. Với vai trò là cây trồng tiên phong, cây dừa còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo tiểu khí hậu ổn định, chống xói mòn, giữ vai trò quan trọng trong du lịch sinh thái ở ĐBSCL và ven biển miền Trung, tham gia phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.

Vai trò kinh tế của cây dừa đối với đời sống cộng đồng

Nếu chỉ sản suất các sản phẩm truyền thống có giá trị thấp, khó tiêu thụ như cơm dừa khô và dầu dừa thì cây dừa được liệt vào loại cây trồng có thu nhập thấp. Nhìn chung cây dừa có tiềm năng kinh tế lớn và có nhiều lợi thế riêng, có khả năng cạnh tranh với các loại cây ăn quả khác. Thực tế cho thấy nếu nông dân trồng giống dừa năng suất cao, biết áp dụng các biện pháp trồng xen, nuôi xen thích hợp trong vườn dừa đồng thời chế biến các phần của cây dừa thành các sản phẩm có giá trị cao tham gia thị trường, biến vườn dừa trở thành hệ sinh thái nông nghiệp sản xuất và kinh doanh nhiều loại sản phẩm để tận dụng tài nguyên đất đai, ánh sáng, nước, tay nghề lao động trong cộng đồng… thì hiệu quả kinh tế thu được từ cây dừa rất cao. Đã có thời kỳ nông dân chặt dừa trồng nhãn, trồng cây có múi nhưng giờ đây, cùng với sự phát triển của công nghiệp chế biến trái dừa, cây dừa nghiễm nhiên quay trở lại và trở thành loại cây trồng chủ đạo trong cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Cây dừa dễ trồng, không kén đất, không đòi hỏi đầu tư chăm sóc nhiều. Hầu như người trồng dừa rất ít khi bón phân cho cây dừa, hoặc có bón thì lượng phân cũng rất khiêm tốn nhưng cây dừa vẫn cho mỗi tháng một quày, mang lại nguồn thu đều đặn hằng tháng cho nông dân mà không tập trung vào một ít tháng trong năm như các loại cây ăn quả khác.  Một ưu điểm khác của cây dừa là vấn đề sâu, bệnh gây hại không nghiêm trọng như các cây trồng khác. Thường cây dừa có thể dễ dàng vượt qua và phục hồi nhanh chóng, tiếp tục mang trái sau khi bị tấn công bởi những loài côn trùng, động vật gây hại không nghiêm trọng hoặc được phát hiện sớm mà không cần bất kỳ biện pháp xử lý tốn kém nào. Ưu điểm quan trọng nhất của cây dừa đó là tất cả các phần của cây dừa đều có thể tạo ra thu nhập. Thậm chí khi cây đã chết, thân dừa cũng có thể làm hàng thủ công mỹ nghệ và dụng cụ gia đình có thể dùng để trang trí và sử dụng. Ở những nước văn minh hơn, con người thường có khuynh hướng sử dụng những vật liệu có khả năng tái chế, không gây ô nhiễm môi trường theo xu thế bảo vệ môi trường sạch và bền vững thì cây dừa càng có ý nghĩa hơn nữa về khía cạnh này.

Dừa-các sản phẩm từ Dừa

Cây Dừa được mệnh danh là cây của cuộc sống, cây của 1001 công dụng do tính chất đa dụng của nó, tất cả các phần của cây dừa từ thân, lá, trái, vỏ, xơ, gáo, nước… đều có thể sử dụng phục vụ đời sống con người. Có lẽ không có loại cây trồng nào có thể sản xuất ra nhiều loại sản phẩm bằng cây dừa. Cho đến nay các quốc gia thành viên của Hiệp Hội Dừa Châu Á-Thái Bình Dương (APCC) đã sản xuất và xuất khẩu được hơn 70 chủng loại sản phẩm từ dừa, trong đó Philippines đóng góp hơn 40 loại sản phẩm từ dầu dừa, từ các sản phẩm cao cấp phục vụ công nghiệp như alcohol béo cho đến hàng thủ công mỹ nghệ. Ấn Độ và Sri Lanka lại xuất khẩu nhiều loại sản phẩm từ xơ dừa. Năm 1994, Indonesia xuất khẩu được 102 triệu USD sản phẩm đường từ mật hoa dừa. Ở Philippines, thạch dừa được xuất khẩu thu ngoại tệ hơn 26 triệu USD trong năm 1993 và hơn 17 triệu USD trong năm 1996. Ở Malaysia, sữa dừa cũng đã trở thành sản phẩm quen thuộc được các công ty đem giao tận siêu thị và trường học vào mỗi buổi sáng. Có mấy ai biết được rằng những bánh xà phòng cao cấp của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng như Unilever, P&G… đều có thành phần chính là dầu dừa. Việc sử dụng nước dừa tươi như là món giải khát tinh khiết, bổ dưỡng đã và đang trở thành một ngành công nghiệp hấp dẫn để phục vụ khách du lịch và xuất khẩu tại các nước Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka….

Các sản phẩm được chế biến từ dừa hiện nay rất phong phú và có nhiều cơ hội cho công nghiệp dừa Việt Nam phát triển thông qua chế biến, đa dạng hóa sản phẩm. Các mặt hàng than gáo dừa, chỉ xơ dừa, cơm dừa nạo sấy, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa… góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, tận dụng thời gian nông nhàn và giải quyết lao động dư thừa ở nông thôn, gia tăng thu nhập cho người trồng dừa, và góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời góp phần cung cấp một phần thực phẩm và hàng tiêu dùng cho nhu cầu tại chổ.

Các sản phẩm thực phẩm chế biến từ dừa:

1. Cơm dừa khô (Copra): cơm dừa của trái dừa khô được phơi nắng hoặc sấy khô còn 6-7% ẩm độ, đây là sản phẩm truyền thống từ trái dừa dùng để ép dầu dừa. Hiện nay sản lượng cơm dừa khô giảm đáng kể do lợi nhuận từ ép dầu dừa thấp.

2. Dầu dừa thô: được chiết ép từ cơm dừa khô, sau đó qua giai đoạn lọc, dầu dừa được chiết ép theo phương pháp ép khô phải qua khâu tinh luyện để khử màu, khử mùi trở thành dầu ăn (cooking oil) với thành phần acid béo chủ yếu là acid lauric (47,3%) có mạch carbon trung bình, ngoài công dụng để ăn nó còn để chế biến các sản phẩm và hóa chất khác sử dụng trong công nghiệp.

3. Bánh dầu dừa khô: là phần bã dừa còn lại sau khi chiết ép dầu dừa được dùng làm thức ăn gia súc, bã dừa còn chứa khoảng 20% protein, 45% carbohydrat, 11% chất xơ cùng với dầu dừa và các chất khoáng khác.

4. Dầu dừa tinh khiết: là dầu được chiết ép từ cơm dừa tươi theo phương pháp ép ướt, loại dầu dừa này không màu, có mùi đặc trưng, giá của dầu dừa tinh khiết cao gấp 3-4 lần so với dầu dừa chiết ép theo phương pháp ép khô. Dầu dừa tinh khiết chủ yếu được dùng làm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm cao cấp. Theo nghiên cứu của một số quốc gia trồng dừa, uống hai muỗng nhỏ dầu dừa tinh khiết mỗi ngày sẽ ngừa được bệnh tim mạch, béo phì, ngăn ngừa cholesterol, SARS, kìm hãm và hạn chế được bệnh HIV/AIDS.

5. Cơm dừa nạo sấy: cơm dừa tươi được nghiền ra thành các kích cở khác nhau, sấy khô, đóng gói. Cơm dừa nạo sấy được dùng làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp bánh kẹo, được dùng ăn trực tiếp để bổ sung chất béo cho các nước không có dừa như Trung Đông….

6. Sữa dừa và bột sữa dừa: nước cốt dừa được ép từ cơm dừa tươi, qua khâu xử lý, tiệt trùng, đóng gói. Sữa dừa rất tiện lợi dùng để uống, chế biến các món ăn cần bổ sung sữa dừa hoặc các món tráng miệng ăn tươi. Bột sữa dừa là sản phẩm bột dừa thu được sau khi sấy phun sữa dừa, có công dụng tương tự như sữa dừa.

7. Kem dừa: nước cốt dừa đậm đặc hoặc cơm dừa Sáp xay nhuyễn được thay thế một phần sữa bò tươi trong thành phần nguyên liệu chế biến kem. Kem dừa Sáp có mùi thơm đặc trưng của dừa và độ béo rất hấp dẫn.

8. Phô mai dừa và Yaourt dừa: những sản phẩm lên men tương ứng của sữa dừa.

9. Kẹo dừa: là sản phẩm của hỗn hợp cô đặc của đường, mạch nha và sữa dừa cô đặc. Hiện nay trên thế giới có nhiều loại kẹo dừa nhưng phần lớn là kẹo dừa cứng, kẹo dừa mềm là đặc sản rất đặc trưng của Việt Nam.

10. Thạch dừa: là sản phẩm lên men nước dừa khô, tạo thành lớp thạch cellulose dày, về thực chất thạch dừa không chứa nhiều dinh dưỡng cho sức khỏe con người nhưng nó là món ăn tráng miệng giúp dễ tiêu hóa, chống béo phì và khi được nấu trong siro đường làm tăng một phần năng lượng của sản phẩm.

11. Đường dừa và rượu dừa: là sản phẩm cô đặc từ mật chiết từ hoa dừa còn non (mo chưa mở), tương tự như đường vàng của cây thốt nốt, đường từ mật hoa dừa có mùi thơm đặc trưng của dừa và nhiều năng lượng. Rượu dừa cũng là một loại thức uống đặc sản của các quốc gia trồng dừa phổ biến như Philippines, Sri Lanka, Indonesia… Rượu dừa được cất từ mật hoa dừa lên men. Mỗi hoa dừa có thể thu được từ 20-30 lít mật hoa dừa có giá trị cao gấp 5 lần giá trị của quày dừa và nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường, nhưng khi lấy mật thì không còn thu trái được nữa. Ngoài ra mật hoa dừa còn có thể dùng để chế biến giấm ăn.

12. Mứt dừa: cơm dừa cứng cạy (10 tháng tuổi) được gọt bỏ phần vỏ nâu, bào mỏng, trộn với đường và sên đến khi đường khô, bột đường áo xung quanh miếng cơm dừa. Đây là sản phẩm rất truyền thống được dùng trong ngày tết.

13. Nước dừa tươi đóng hộp: nước dừa của giống dừa uống nước 8 tháng tuổi được xử lý vô trùng và đóng hộp, đôi khi nhà chế biến còn bổ sung thêm các sợi cơm dừa non để làm tăng thêm sự hấp dẫn cho sản phẩm. Từ lâu nước dừa tươi được xem là một loại nước bổ dưỡng, vệ sinh được FAO khuyến cáo sử dụng.

Các sản phẩm phi thực phẩm từ dừa dùng trong công nghiệp và gia dụng

1. Sản phẩm từ gỗ dừa: làm vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và sản phẩm gia dụng. Ở Indonesia, muốn mua một bộ bàn ghế, giường tủ từ gỗ dừa phải đặt hàng trước 6 tháng để chờ sấy gỗ, gỗ dừa tốt nhất là gỗ của cây dừa già, lão khoảng từ 50-70 năm tuổi. Cửa hàng thủ công Mỹ nghệ Trường Ngân ở Bến Tre sản xuất hơn 50 mặt hàng từ gỗ dừa xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới, thu hút nhiều lao động trong cộng đồng.

2. Sản phẩm từ lá dừa: lá dừa khô dùng làm chất đốt, cọng lá dừa khô để bó chổi. Trong khi cọng lá dừa tươi để thắt giỏ, nhu cầu về giỏ cọng dừa hiện nay rất cao do đời sống kinh tế-văn hóa xã hội của người dân ngày càng tăng cao, con người có nhu cầu về mua, tặng, trang trí. Sản phẩm được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hiện nay, người ta còn dùng chót lá dừa tươi bó thành từng bó thả xuống biển để dẫn dụ cá trong đánh bắt cá.

3. Sản phẩm từ chà dừa, yếm dừa: làm hàng thủ công mỹ nghệ. Ở Sri Lanka, yếm dừa được xử lý, nhuộm màu làm vật liệu may các loại túi xách, cặp đựng tài liệu văn phòng… xuất khẩu thu ngoại tệ về cho quốc gia.

4. Sản phẩm từ vỏ dừa: làm hàng thủ công mỹ nghệ, được xử lý thành chỉ xơ dừa, làm thảm xơ dừa, nệm xơ dừa, lưới sinh thái, ván cách nhiệt, dây thừng, chủ yếu dùng trong nông nghiệp, công nghiệp xây dựng, sản xuất xe hơi và gia dụng. Ngoài ra sản phẩm phụ từ vỏ dừa là bụi xơ dừa được xử lý làm đất sạch, phân hữu cơ trong nông nghiệp, cơ chất trồng nấm, chất giữ ẩm…

5. Sản phẩm từ gáo dừa: làm than thiêu kết và từ than thiêu kết được chế biến thành than hoạt tính dùng trong công nghiệp. Ngoài ra gáo dừa còn dùng làm chất đốt, hàng thủ công mỹ nghệ.

Giá trị kinh tế, tình hình sản xuất Dừa trên thế giới và ở Việt Nam

Giá trị kinh tế

Dừa là một trong những cây hữu dụng nhất trên thế giới, cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới. Tất cả các sản phẩm từ cây dừa đều hữu ích cho con người, ngoài các sản phẩm phụ như thân dừa được sử dụng như là cây lấy gỗ cho mục đích xây dựng hay làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chất đốt thì trái dừa là sản phẩm chính tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị cao làm tăng giá trị trái dừa, đồng thời cũng mở ra những ngành nghề ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, gia tăng thu nhập và phát triển kinh tế ở địa phương.

Cơm dừa với thành phần chính là dầu dừa chiếm tỉ lệ trên 40% trọng lượng tươi hay từ 65-70% trọng lượng cơm dừa khô. Sản phẩm truyền thống từ cơm dừa là cơm dừa khô (copra), là nguyên liệu cho các nhà máy ép dầu dừa cung cấp cho các ngành công nghiệp và phụ phẩm là bã dừa sau khi ép lấy dầu là nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn cho ngành chăn nuôi. Cơm dừa tươi cũng là nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến thực phẩm, đặc biệt kẹo dừa là một đặc sản của tỉnh Bến Tre xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Những năm gần đây, từ cơm dừa tươi còn được sản xuất cơm dừa nạo sấy, là mặt hàng xuất khẩu đem lại nhiều ngoại tệ cho địa phương. Từ một nhà máy ban đầu có vốn đầu tư từ Sri-Lanka, hiện nay đã có nhiều nhà máy của doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm cơm dừa nạo sấy xuất khẩu. Gáo dừa sau khi hầm thành than là nguyên liệu làm than hoạt tính, được sử dụng trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, hóa chất…. Vỏ dừa trước đây chỉ dùng để làm chất đốt thì nay được dùng để lấy chỉ xơ dừa làm nguyên liệu để sản xuất các loại thảm, lưới sinh thái, dây thừng…, bụi xơ dừa được xử lý làm “đất sạch” cho sản xuất cây cảnh và rau an toàn cũng đem lại lợi tức rất lớn. Một phụ phẩm khác từ trái dừa là nước dừa từ trái dừa khô, trước đây dùng làm dấm, hay nước màu thì nay dùng làm thạch dừa, một lọai thức uống khá bổ dưỡng và có giá trị cao.

Ngoài các giống dừa cao là nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, các giống dừa lùn dùng để uống nước cũng được quan tâm phục vụ phát triển du lịch. Những năm gần đây, ngoài những giống dừa Xiêm Xanh, Xiêm Đỏ, Tam Quan rất thích hợp với điều kiện đất đai và khí hậu ở ĐBSCL, giống dừa Dứa nhập từ Thái Lan, với vị ngọt và mùi thơm rất đặc trưng là giống dừa rất có triển vọng phát triển. Giống dừa Sáp (đặc ruột) ở Cầu Kè (Trà Vinh) cũng là giống dừa đặc biệt, có tiềm năng phát triển, phục vụ du lịch ở địa phương và chế biến bánh kẹo. Cây dừa với tán lá thưa, nếu trồng với khoảng cách 8 x 8 m sẽ còn khoảng 70-75% ánh sáng dưới tán dừa có thể trồng xen nhiều loại cây ăn trái, rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày hay cỏ làm thức ăn gia súc sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Trong các mô hình trồng xen, đặc biệt là ca cao xen canh trong vườn dừa đem lại hiệu quả kinh tế rất cao vì dừa là cây che mát cho cây ca cao, giúp cho cây ca cao cho trái ổn định, trong khi cây ca cao do có nhiều lá rụng sẽ giữ ẩm và cung cấp chất hữu cơ cho vườn dừa. Do đó, mô hình xen canh ca cao trong vườn dừa là một mô hình canh tác rất có triển vọng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tóm lại, cây dừa được sử dụng đa dạng, rất hữu dụng với đời sống con người, là nguyên liệu cho sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp và du lịch. Nếu trồng đúng kỹ thuật và khai thác hết các tiềm năng và giá trị của nó, cây dừa sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn.

Tình hình sản xuất dừa trên thế giới và ở Việt nam

Trên thế giới

Cây dừa được trồng tại 93 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, phân bố ở 20o Bắc và Nam bán cầu với diện tích hơn 12 triệu ha (APCC, 2005), trong đó trên 80% diện tích trồng dừa thuộc các nước Đông Nam Á và Nam Á. Quốc gia trồng dừa nhiều nhất là Indonesia với diện tích  3,8 triệu ha, kế đến là Philippines với 3,1 triệu ha và xếp thứ ba là Ấn Độ với 1,84 triệu ha.  Nhìn chung, từ năm 1990 đến nay diện tích trồng dừa trên thế giới biến động tương đối từ 9,9 triệu ha ở năm 1990 đến 10,6 triệu ha ở năm 2003. Diện tích (ha) dừa đang thu hoạch ở một số nước chủ yếu trên thế giới:

Quốc Gia

1970

1980

1990

2000

2003

FS Micronesia

30

28

17

17

17

Fiji

 


 


56

54

60

India

1,033

1,100

1,472

1,768

1,843

Indonesia

1,810

2,680

3,394

3,696

3,883

Kiribati

 


 


 


25

65

Malaysia

310

355

323

164

132

Marshal Islands

 


 


 


7

7

Papua New Guinea

247

221

260

260

260

Philippines

1,884

3,126

3,112

3,119

3,124

Samoa

28

42

47

96

96

Solomon Islands

32

62

59

59

59

Sri Lanka

466

451

419

442

422

Thailand

320

415

393

325

328

Vanuatu

 


69

96

96

96

Vietnam

 


 


350

172

136

Total

6,128

8,487

9,939

10,300

10,618

Ở Việt Nam

Theo số liệu của ngành Dầu thực vật thì diện tích dừa Việt Nam đạt đến 330.000 ha vào cuối thập niên 80. Sau đó đã giảm sút nhanh còn 154.000 ha (thống kê của FAO, 2004). Hiện nay diện tích trồng dừa ở nước ta đạt khoảng 200.000 ha, được trồng từ Bắc đến Nam nhưng nhiều nhất là ở vùng ĐBSCL với trên 70%, kế đến là các tỉnh Nam Trung Bộ (từ Đà Nẳng trở vào) chiếm gần 20%. Ở ĐBSCL, diện tích trồng dừa nhiều nhất là Bến Tre (38.000 ha), kế đến là Trà Vinh (12.418 ha), Bình Định (12.000 ha). Diện tích trồng dừa giảm trong giai đoạn thập niên 90 là do giá bán dừa trái thấp, hiệu quả kinh tế từ cây dừa không bằng các loại cây trồng khác nên nhà vườn chuyển đổi sang vườn cây ăn trái như xoài, sầu riêng, nhãn. Từ năm 2004 đến nay do hoạt động chế biến dừa trái gia tăng, giá bán nguyên liệu dừa trái lên rất cao nên diện tích trồng dừa ở các địa phương liên tục tăng, riêng tỉnh Bến Tre đã tăng thêm gần 3.000 ha, đạt 38.000 ha, tiếp tục giữ vị trí tỉnh trồng dừa nhiều nhất cả nước. Nhận định cây dừa là cây truyền thống, biểu tượng của tỉnh, đồng thời với sự phát triển của các ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cây dừa, tỉnh Bến Tre đã có chủ trương khôi phục vườn dừa thông qua các biện pháp:

- Thâm canh

- Đốn tỉa bớt vườn dừa quá dày

- Trồng xen để tăng thu nhập, trong đó đặc biệt giới thiệu mô hình trồng cây có múi và cây ca cao xen canh trong vườn dừa.

- Đa dạng hóa các sản phẩm từ cây dừa để tăng nguồn hàng xuất khẩu như: cơm dừa nạo sấy, thạch dừa...

Những tháng cuối năm 2005, tình trạng tranh mua dừa trái xuất sang Campuchia, Trung Quốc và Thái Lan đã gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trái dừa trong tỉnh, một số nhà máy phải tạm nghỉ. Điều này cho thấy rằng, giờ đây cây dừa đã có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của địa phương cũng như trong khu vực. Diện tích, năng suất, sản lượng dừa của Bến Tre:

STT

Năm

Diện tích

(ha)

Năng suất

(trái/ha/năm)

Sản lượng

(triệu trái)

1

1990

41.863

5.601

137,88

2

1995

31.919

6.939

208,18

3

2000

37.758

7.016

231,66

4

2003

35.018

6.784

220,93

5

2004

35.885

7.350

241,66

6

9/2005

36.827

7.508

249,00

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Khắc phục dừa bị trăng ăn
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc
• Biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa Opisina arenosella Walker
• Dừa Bến Tre – cây cho nhiều sản phẩm nhất Việt Nam
• Sâu ăn lá – côn trùng mới gây hại trên cây dừa
• Dừa Bến Tre-cây cho năng lượng sinh khối sạch và hấp thụ khí nhà kính
• Một số giải pháp hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn trên cây dừa
• Biện pháp sinh học và lý học quản lý nhóm côn trùng hại dừa
• Anh Huỳnh Thanh Tâm - Người không ngừng nâng cao giá trị cây dừa
• Một số vấn đề cần quan tâm trong canh tác dừa uống nước
• Cảnh báo mối hiểm họa của việc nuôi đuông dừa
• Sâu đục trái dừa-sâu hại mới đang phát triển trên vườn dừa
• Phương pháp thu mật và cách chế biến đường từ mật hoa dừa
• Bọ vòi voi trên cây dừa
• Bọ vòi voi-loài côn trùng mới gây hại trên cây dừa