Bệnh Tristeza

image

Triệu chứng gân trong trên lá chanh do Virus Tristeza gây ra

Triệu chứng bệnh thường xuất hiện trên lá non. Nhưng gần đây chúng tôi phát hiện một số dòng khác, rất nguy hiểm. Một dòng gây vàng đít và rụng trái non trên cây quýt đường khi trái bằng trái pingpong trở lên,


image
Triệu chứng vàng đít (đuôi) trái trên quýt đường do nhiễm Tristeza

một dòng khác gây hiện tượng lõm thân trên cây chanh tàu.


image
Triệu chứng lõm thân cây chanh tàu do nhiễm Tristeza

Triệu chứng
Triệu chứng bệnh xuất hiện trên cây có múi tuỳ theo giống, dòng virus nhiễm, chúng được phân loại như sau:
+ Dòng nhẹ: Không gây ảnh hưởng mấy đến năng suất cây, chỉ gây gân trong hoặc lõm thân nhẹ trên chanh giấy (Citrus aurantifolia).
+ Vàng lùn cây con: Gây vàng và lùn trên cây cam chua (sour orange =C. aurantium), chanh giấy (C. limon), và bưởi chùm (C. paradisi).
 + Chết nhanh trên cam chua (sour orange): Ghép cam mật (C. sinensis) trên gốc ghép cam chua sẽ cho cây bị lùn, vàng, lõm thân và chết nhanh.
 + Lõm thân trên buởi: Cây bị lùn, cả thân và nhánh cây bị lõm nặng khi bóc vỏ khỏi thân. Giảm năng suất và kích thước trái, cành trở nên giòn và dễ gãy.
+ Dòng gây lõm thân trên chanh tàu: Cây vẫn sinh trưởng bình thường, thân chính và cành bị quặc quẹo, khi bóc vỏ thân, phần gỗ bị lõm vào rất nhiều.
+ Dòng gây vàng đít trái trên quýt đường: cây vẫn sinh trưởng và xanh tốt, tuy nhiên khi trái đạt kích thước bằng trái pingpong thì trái bị vàng từ phần đít trái vàng lên cuống trái, trái rụng hàng loạt, gây thất thoát nặng cho nhà vườn.
Tác nhân gây bệnh
Virus gây bệnh là Closterovirus có dạng sợi dài với kích thước 11 x 2000 nm (Bar-Joseph và ctv., 1979). Truyền qua chiết ghép. Trọng lượng phân tử của vỏ protein là 25000 daltons. Những nghiên cứu gần đây cho thấy có hai vỏ protein với trọng lượng phân tử 23,000 daltons và 21,000 daltons.


image
Hình virus Tristeza

Trung gian truyền bệnh
Virus không truyền qua cơ giới nhưng truyền qua chiết ghép.
Bệnh còn được truyền qua rầy mềm 


image
Rầy mềm, trung gian truyền bệnh Tristeza

Toxoptera citricida, Aphis gossypii, A. spiraecola và T. aurantii (Boyer de Fonscolombe). Nhiều tác giả cho rằng rầy mềm Myzus persicae chỉ truyền virus thuộc dòng nhẹ, nên ta có thể dựa vào đó để xác định dòng nhẹ phục vụ cho phương pháp bảo vệ chéo (Cross-protection).
       
Ký chủ
Phần lớn các cây có múi đều nhiễm Tristeza, một số cây thuộc nhóm cây có múi có ba lá thùy (Poncitrus trifoliate), các dòng lai với cây có múi có ba lá thùy là tương đối kháng với bệnh này. Cây ghép trên gốc ghép cam chua là nhiễm bệnh nặng và gây thiệt hại nhiều nhất. Ở ĐBSCL, bệnh Tristeza nhiễm trên cây chanh giấy lộ triệu chứng gân trong, một số cây chanh tàu lộ triệu chứng lõm thân, cây quýt đường bị vàng nửa dưới của trái sau đó rụng nhiều, có thể lên đến 50% số trái trên cây.

Giám định bệnh
Bệnh Tristeza gây ra từ nhiều dòng khác nhau, việc hiểu rõ dòng gây hại giúp cho việc quản lý bệnh dễ dàng hơn, ta có thể sử dụng dòng nhẹ để chủng lên cây trước và cây sẽ chống chịu tốt khi có dòng khác độc hơn tấn công.
Phương pháp giám định bệnh đơn giản nhất là ghép mắt ghép bệnh lên cây chanh giấy, nếu triệu chứng gân trong xuất hiện trên lá non chứng tỏ cây đã nhiễm bệnh.
Phương pháp hữu hiệu nhất có thể sử dụng là sử dụng kháng thể để giám định bệnh thông qua ELISA, ImmunoSorbent Electron Microscopy (ISEM), Dot Immuno Blot Assay (DIBA), Electro blot immuno assay (EBIA).
Permar và ctv., đã sản xuất kháng thể đơn dòng MCA-13 và sử dụng kháng thể này để tìm dòng virus gây thiệt hại nhẹ và sử dụng cho bảo vệ chéo.

Phương pháp lai phân tử và RT-PCR cũng được sử dụng rộng rãi trong giám định bệnh.
Phương pháp sử dụng iốt để nhuộm tế bào rễ cũng cho hiệu quả tốt, mẫu rễ từ cây nghi bị bệnh có thể cắt ngang hoặc xiêng, sau đó nhúng vào trong dung dịch iốt, nếu phần lõi bị biến màu nâu nhiều chứng tỏ cây đã bị bệnh.
Sử dụng que thử được sản xuất tại Đài Loan cho kết quả nhanh và chính xác trong vòng 5-7 phút, tuy nhiên giá thành cho một lần thử tương đối cao.

Quản lý bệnh
Nhiều phương pháp có thể áp dụng quản lý bệnh Tristeza, chúng bao gồm loại trừ cây bệnh, sử dụng phương pháp canh tác, phòng trừ sinh học sử dụng dòng nhẹ để bảo vệ chéo, sử dụng gốc ghép kháng bệnh, sử dụng công nghệ sinh học thông qua chuyển gene.

Biện pháp sinh học
+ Sử dụng giống kháng: Nhiều giống cây có múi tỏ ra chống chịu bệnh này nghĩa là virus vẫn tồn tại trên cây nhưng không lộ triệu chứng. Một số giống khác kháng lại bệnh cũng có nghĩa là virus không nhân mật số trên cây bị nhiễm. Những cây này thuộc nhóm  Poncirus trifoliate, Swinglea glutinosa và Severinia buxifolia.
+ Bảo vệ chéo (Mild strain cross-protection): Phương pháp này áp dụng ở những vùng nhiễm dòng nặng như cây chết nhanh trên gốc ghép cam chua hay những vùng nhiễm dòng gây lõm thân nặng trên bưởi. Permar và ctv đã sản xuất kháng thể đơn dòng (MCA13) và sử dụng để chọn dòng nhẹ phục vụ cho bảo vệ chéo.
+ Chuyển gen kháng được thí nghiệm ở nhiều nước trên thế giới để chống lại bệnh này, trong đó Mỹ là nước đi đầu và đã bắt đầu từ 1996. Người ta sử dụng chính gene từ vỏ protein của virus hay gene cần thiết cho sự sao chép của virus để chuyển vào cây truớc khi cây nhiểm bệnh với hy vọng đem lại tính kháng cho cây. Tuy nhiên kết quả chỉ còn trong phạm vi phòng thí nghiệm và mức độ nhà lưới.
+ Sử dụng thuốc Confidor cho bệnh vàng lá Greening và rầy chổng cánh cũng có tác dụng tốt đối với rầy mềm, trung gian truyền bệnh Tristeza.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ