Phòng trừ bọ trĩ gây hại bưởi Da xanh trong mùa nắng nóng

image

Trong những năm gần đây, diện tích Bưởi Da xanh đã được mở rộng vì đây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để bán được bưởi giá cao, không chỉ ở chất lượng mà người tiêu thụ còn đòi hỏi vẻ đẹp bên ngoài của trái vì thế quản lý sâu bệnh trên bưởi là vấn đề được nông dân rất quan tâm. Ngoài sâu đục trái, trong mùa nắng nóng là điều kiện thuận lợi để bọ trĩ phát triển và gây hại làm ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm của trái bưởi Da xanh.

 

Có hai loài bọ trĩ hiện diện trên cây có múi là Scirtothrips dorasalis  và Thrips sp nhưng phổ biến là Scirtothrips dorasalis. Bọ trĩ thuộc họ Bọ trĩ (Thrippidae) bộ Cánh tơ (Thysanoptera). Bọ trĩ trưởng thành rất nhỏ, dài khoảng 0,8-1mm, cánh màu vàng cam, hai bên rìa cánh có nhiều lông nhỏ dài. Trứng rất nhỏ, hình bầu dục, màu vàng nhạt. Bọ trĩ non mới nở có cơ thể trong suốt, rất nhỏ, chân dài, bụng nhọn, không cánh. Sang tuổi 02, ấu trùng có kích thước tương tự thành trùng. Giai đoạn tiền nhộng có màu vàng, lộ rõ hai mầm cánh. Nhộng màu vàng sẫm, mắt màu đỏ, râu đầu ngắn. Giai đoạn nhộng khoảng 03-04 ngày. Vòng đời bọ trĩ khoảng 15-20 ngày.

 

Sau khi vũ hóa 3 ngày, con cái bắt đầu đẻ trứng. Một con cái có thể đẻ từ 20-25 trứng. Trưởng thành đẻ trứng trong mô lá non, cành non hoặc trái non.  Cả thành trùng và ấu trùng đều gây hại trên lá non, trái non. Chúng tập trung mặt dưới lá non, chích hút làm lá biến màu và cong queo. Trên trái non, bọ trĩ chích vào tế bào biểu bì tạo ra những mãng sẹo màu xám trên vỏ. Bọ trĩ gây hại phổ biến giai đoạn trái rất nhỏ (vừa rụng cánh hoa đến khi trái có đường kính khoảng 4cm). Trái bị bọ trĩ gây hại, vỏ trái bị da cám giống như triệu chứng nhện gây ra nhưng vết bị hại là một vòng tròn tập trung chung quanh lá đài vì chúng gây hại chủ yếu ở phía dưới lá đài lúc trái còn nhỏ nên khi trái phát triển lớn lên, vết sẹo sẽ lộ rõ. Nếu mật độ cao, bọ trĩ gây hại cả trên những trái lớn, làm giảm giá trị thương phẩm. Sau khi hoàn thành giai đoạn tuổi 2, một số ấu trùng sẽ rơi xuống đất để hóa nhộng, một số khác hóa nhộng trong khe nứt của cây hoặc trong các lá cuốn lại.

 

Bọ trĩ phát triển mạnh trong mùa khô và nắng nóng. Các trái bên ngoài tán cây thường bị hại nặng hơn.

* Biện pháp phòng trừ

- Dùng nước tưới phun lên tán cây có thể hạn chế mật độ bọ trĩ.

- Khi hoa vừa rụng cánh và khi thấy có triệu chứng đầu tiên trên trái non, tiến hành phun các loại thuốc như: Vectimec, Regent, Confidor, SK Enpray ….

Chú ý: Bọ trĩ rất mau kháng thuốc vì thế nên sử dụng luân phiên thuốc bảo vệ thực vật.

Nguyễn Thị Nguyệt
Chi cục Bảo vệ Thực vật

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số lưu ý khi chăm sóc bưởi da xanh trong mùa hạn mặn
• Chăm sóc vườn bưởi da xanh phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán
• Quy trình kỹ thuật chăm sóc cây giống bưởi da xanh trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn
• Cải tiến thiết kế túi bao trái bằng vòng nhựa để phòng trừ sâu đục trái trên bưởi da xanh
• Làm thế nào để trái bưởi Da xanh được ngon, đẹp và an toàn
• Các nguyên nhân gây thối rễ cây bưởi – Giải pháp khắc phục
• Kỹ thuật bón phân cho Bưởi da xanh giai đoạn kinh doanh
• Cải tiến phương pháp tỉa cành tạo tán nhằm nâng cao năng suất và chât lượng bưởi Da xanh
• Bọ xít muỗi-dịch hại mới phát triển gây hại bưởi da xanh
• Biện pháp khắc phục triệu chứng thiếu trung vi lượng trên cây bưởi Da xanh
• Tiêu hủy nguồn sâu-biện pháp hiệu quả hạn chế sự lây lan của sâu đục trái bưởi
• Cách chọn bưởi ngon
• Cách bảo quản quả bưởi
• Công nghệ bảo quản bưởi bằng chitosan
• Kinh nghiệm trồng bưởi da xanh