Trả lời bạn đọc về xịt thuốc hoặc đặt thuốc trên dừa

Câu hỏi:
Kính chào Ban biên tập của Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh Bến Tre
Tôi có một câu hỏi xin chương trình giúp tôi giải đáp là:
- Trong việc phòng trừ các loại côn trùng gây hại cho dừa như: bọ cánh cứng, kiến vương, đuông dừa, tôi sử dụng hai cách là xịt thuốc trừ sâu hoặc trộn thuốc trừ sâu với mạt cưa rồi đặt lên cây dừa. Tôi làm xen kẽ hai cách này. Thói quen của tôi là khi thấy cây có dấu hiệu bị tấn công thì tôi mới tiến hành xịt thuốc (hoặc đặt thuốc) nên nhiều khi đã xử lý thuốc rồi nhưng cây vẫn bị thiệt hại.
- Thêm một vấn đề nữa, đối với mùa mưa thì việc xịt thuốc hoặc đặt thuốc của tôi có cảm giác như là không hiệu quả lắm khi tôi vừa thực hiện xong thì trời đã đổ mưa to. Có thể thuốc sẽ bị rửa trôi nhiều.
- Vậy thì câu hỏi là:  Việc xịt thuốc hoặc đặt thuốc như thế, bao lâu thì nông dân nên làm một lần để có hiệu quả tốt nhất, đặc biệt là để đối phó với dịch hại trong mùa mưa?
Xin trân trọng biết ơn.
Chúc ban biên tập dồi dào sức khỏe để đồng hành với bà con nông dân.
Trương Văn Long
truongvanlong.tn@gmail.com

Trả lời:
Chào bạn!
- Thứ nhất: đối với bọ cánh cứng hại dừa thì bạn không cần thiết phải sử dụng thuốc hóa học vì hiện nay có loài ong ký sinh khống chế được sự phát triển của bọ cánh cứng hại dừa. Đây là biện pháp sinh học rất có hiệu quả đã được áp dụng trong nhiều năm qua. Việc sử dụng thuốc hóa học đối với loài dịch hại này không khả thi vì khả năng tái phát lại rất cao. Hơn nữa việc sử dụng thuốc trên cây dừa gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Nông dân có thể liên hệ với cơ quan chuyên ngành (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) để xin loài ong này về nhà tự nhân nuôi và phóng thích ra vườn dừa.
- Thứ hai: Đối với kiến vương và đuông dừa, bạn có thể áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp, trong đó chú ý biện pháp canh tác để phòng hai loài dịch hại này là quan trọng nhất.
Bạn cần phân biệt kiến vương và đuông dừa là 2 con khác nhau. Kiến vương gây hại giai đoạn thành trùng. Kiến vương đục vào phần mô mềm ở cuối bẹ lá dừa. Đối với cây dừa lớn, kiến vương tấn công vào bẹ lá ngọn và đỉnh tăng trưởng của cây dừa. Vì vậy, khi lá mọc ra có hình tam giác và lá chét bị cắt có hình răng lược. Kiến vương có tập tính ăn thêm rất mạnh và đọt dừa là món ăn khoái khẩu của chúng. Vị trí tấn công phổ biến là kẻ bẹ tàu dừa thứ 2-4. Nếu vị trí bị kiến vương đục vào càng thấp càng có nhiều lá bị hại, càng ảnh hưởng nhiều đến đỉnh sinh trưởng. Kiến vương cũng còn đục phá phần dưới của thân cây dừa, các vết thương này sẽ tiết ra mùi hấp dẫn các kiến vương khác tới tấn công cây dừa. Một cây dừa bị kiến vương tấn công, mùi dừa tỏa ra theo gió, kích thích đuông trưởng thành tìm đến đẻ trứng vào đó, vì thế trong một trong những biện pháp phòng trừ đuông dừa là phải tiêu diệt kiến vương. Việc phòng trừ kiến vương và đuông dừa có sự liên kết với nhau.

* Biện pháp phòng trừ:
Trưởng thành cái của kiến vương thường đẻ trứng trong những phần đã hoai mục của cây dừa như thân cây, gốc cây dừa bị đốn, trên các đống phân, các đống rác, gỗ mục, xác bã thực vật… đã và đang phân hủy vì thế nên vệ sinh vườn dừa, đốt bỏ những rác bẩn… để tiêu diệt nơi đẻ trứng của kiến vương.
Quan sát vườn dừa thường xuyên khi thấy có lổ đục là moi vào bắt kiến vương.
Làm hố bẩy:  Rắc thuốc vào hố rác để tiêu diệt.
- Áp dụng tốt các biện pháp phòng trị kiến vương, để hạn chế các lỗ đục do kiến vương gây ra, từ đó hạn chế nơi đẻ trứng của trưởng thành đuông dừa và sự xâm nhập của ấu trùng vào bên trong thân cây dừa.
- Ngăn ngừa sự đẻ trứng của đuông dừa bằng cách trám kỹ các vết thương, các lỗ đục của kiến vương trên thân cây  để phá bỏ nơi đẻ trứng của đuông.
- Tránh tạo những vết thương cơ giới trên thân cây dừa.
- Bạn sử dụng thuốc trộn mạt cưa túm thành túi đặt lên đọt dừa thì hiệu quả trong thời gian khoảng 4 - 5 tuần, nếu trong mùa mưa thì thời gian có thể ngắn hơn vì  sau khi đặt thuốc mà gặp mưa thì thuốc sẽ bị rửa trôi là điều tất nhiên. Vì thế, nên áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp sẽ hạn chế sự phát triển của chúng. Trong mùa mưa, ẩm độ cao nên sử dụng chế phẩm nấm xanh để tiêu diệt kiến vương sẽ tốt hơn.
Chúc bạn thành công.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Sở KH&CN Bến Tre có cho đăng ký thực hiện các đề tài khoa học hay không?
• Tình hình ứng dụng công nghệ vi sinh vật để xử lý môi trường nước ở Bến Tre như thế nào
• Cho biết đậu móng chim tên khoa học là gì, hay còn gọi tên gì?
• Cây bưởi có dấu hiệu xuất hiện các đốm vàng trên lá là bệnh gì?
• Mô hình ủ phân vi sinh (từ nguồn phân bò, dê...) theo phương pháp mới
• Dừa bên em lá và đọt bị quẹo ngang nguyên nhân là bị gì ạ
• Hỏi về viết sáng kiến
• Tư vấn chọn giống dừa
• Trồng chanh chùm bông tím xen bưởi được không?
• Trả lời bạn đọc về đăng ký bảo hộ độc quyền một nhãn hiệu cho một sản phẩm mới
• Bệnh thối đọt trên dừa
• Trả lời bạn đọc - Bệnh trên bưởi da xanh
• Trả lời bạn đọc về mô hình trồng dừa trên đất cát
• Kích thích ra bông vạn thọ
• Trả lời bạn đọc về Bưởi da xanh