Sáng tạo mới trong canh tác cây sầu riêng của nông dân Chợ Lách

Sầu riêng là một trong 12 loại cây trồng đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa vào quy hoạch trồng tập trung ở Nam bộ. Với Chợ Lách, sầu riêng là cây trồng chính với diện tích hơn 1.200 ha và trong định hướng phát triển đến 2020 sẽ tăng từ 10-15%. Đây cũng loại cây trồng đã tạo nên thương hiệu “Trái cây Cái Mơn” nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Hiện nay, Sở KH&CN Bến Tre đang tập trung xác lập lại chỉ dẫn địa lý cho trái sầu riêng Cái Mơn.

Về canh tác, theo khảo sát thì chưa quá 5% hộ trồng hiện nay có được kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác hoàn chỉnh. Năng suất bình quân chỉ từ 12-15 tấn/ha còn rất thấp do nhiều nguyên nhân như rụng hoa, khó đậu quả, rụng trái non…, chất lượng trái cũng chỉ ở mức trung bình do mẫu mã chưa đồng đều, hiện tượng khô cơm, cháy múi, sượn trái… cũng còn nhiều. Sâu bệnh hại còn khá phổ biến và chiếm tỉ lệ nhiễm sâu bệnh hại nhiều nhất so các loại cây trồng khác như rầy phấn, rầy xanh, sâu đục cành, thân, trái, bệnh nấm hồng, xì mủ rễ thân, thối trái…. Như vậy, trong canh tác thì cây sầu riêng rất dễ tính nhưng khó chăm sóc, đây là một hạn chế lớn cần có nhiều giải pháp để khắc phục. Với nông dân, họ luôn tìm tòi học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm mong có được một quy trình cơ bản nhằm khai thác tối đa hiệu quả mang lại từ cây sầu riêng. Trong khi đó, quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng hiện nay cũng còn nhiều bất cập, khó áp dụng và có khi thiếu tính thực tiễn nên kết quả đôi lúc không như mong đợi.

 
 
 Hoa sầu riêng không cần tỉa.


Gần đây, qua khảo sát nhiều mô hình canh tác cây sầu riêng có hiệu quả trên địa bàn huyện Chợ Lách và trao đổi với nông dân đã ghi nhận được rất nhiều sáng tạo trong canh tác, có nhiều cách làm tưởng chừng thiếu tính khoa học nhưng mang lại hiệu quả rất cao, như việc không cần thiết phải thụ phấn cho cây sầu riêng, đậy mủ cành sầu riêng khi hoa nở gặp mưa đêm hay việc nông dân lại không cần tỉa hoa để tăng đậu trái sầu riêng.

 
 
 
 
 Sầu riêng đậu trái non rất nhiều sau xổ nhụy.


Với cây sầu riêng Monthong việc không tỉa hoa là cách làm sáng tạo của nông dân, một vấn đề tưởng chừng nghịch lý, thiếu tính khoa học. Bởi hầu hết các quy trình kỹ thuật từ các cơ quan chuyên ngành được giới thiệu và chuyển giao đều khuyến cáo phải tỉa bớt 2/3 số chùm hoa/cây ở giai đoạn 20 ngày sau khi hoa xuất hiện làm tăng trọng lượng hoa, hàm lượng auxin và năng suất/cây, chất lượng trái như vỏ trái, cơm và trọng lượng trái cũng tăng…. Thế nhưng vì sao nông dân lại không tỉa hoa?

Lý giải rất đơn giản của nông dân là hiệu quả cao hơn so với việc tỉa hoa theo hướng dẫn! Thứ nhất, tỉa hoa thì cây dễ ra đọt trong suốt quá trình nở hoa, đậu trái, mà ra đọt thì việc quản lý đọt đòi hỏi phải có kỹ thuật với nhiều kinh nghiệm và tốn nhiều chi phí, còn nếu không quản lý được đọt thì trái non sẽ rụng rất nhiều; Thứ hai, tốn rất nhiều công để tỉa bớt lượng hoa trên cây, trong khi công lao động nông thôn ngày một thiếu hụt nhất là công nhật có chút am hiểu kỹ thuật kinh nghiệm nên chi phí nhân công cũng khá cao; Thứ ba, việc đi lại nhiều trên mô liếp làm cho đất vườn thêm nén dẽ đưa đến hiện tượng suy thoái đất rất khó cải tạo và việc leo trèo nhiều trên cây ngoài nguy cơ lây nhiễm nhiều nguồn bệnh cho đất vườn và cây trồng thì tai nạn lao động cũng luôn tiềm ẩn; Thứ tư, rủi ro cao khi thời tiết bất lợi lúc nở hoa với lượng hoa còn ít và nguy cơ sầu riêng “heo” sẽ nhiều, giá trị thấp do trọng lượng lớn, vỏ dày, chất lượng kém…. Ngoài ra, để hoa nhiều sẽ không cần thụ phấn như khuyến cáo.

Do đó, hầu hết các hoa sầu riêng đều được để nguyên vẹn cho đến khi nở và đậu trái. Biết rằng để như thế sẽ thừa, hoa nhỏ cuống ốm và tỉ lệ rụng sau khi hoa nở rất cao nhưng vẫn còn lại lượng trái rất nhiều, sau 1 tháng nở hoa sẽ tiến hành tỉa bỏ bớt lượng trái theo khả năng nuôi trái của cây và khi trái có trọng lượng hơn 1 kg thì điều khiển cho cây ra cơi lá mới.

Tuy nhiên để làm được cách trên, một số lưu ý sau đây cũng cần quan tâm:
- Cây phải được chăm sóc thật tốt, sung mãn trong giai đoạn xử lý ra hoa nhất là cơi 3 phải dày xanh sậm, nếu có thể thúc thêm cơi lá ngay thời điểm nhú mầm hoa và bảo vệ, chăm sóc thật tốt.
- Tăng cường lượng phân, nhất là phân hữu cơ khoáng để nuôi hoa.
- Quản lý thật tốt sâu bệnh hại hoa.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Những lưu ý quan trọng để kéo đọt sầu riêng Ri6 thành công
• Những nguyên nhân chủ yếu khiến sầu riêng mới trồng chậm phát triển
• Một số lưu ý trong quá trình canh tác sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Một số biện pháp quản lý nấm bệnh thường xuất hiện trên sầu riêng trong mùa mưa
• Phòng trừ một số bệnh hại sầu riêng trong giai đoạn chuyển mùa
• Phú Đa-hàng loạt vườn sầu riêng bị cháy lá, rụng trái đã được phục hồi
• Phòng trừ rầy xanh gây hại sầu riêng một số điểm cần lưu ý
• Hiện tượng cháy lá sầu riêng trong mùa khô nguyên nhân và giải pháp
• Phục hồi vườn sầu riêng bị ảnh hưởng sau hạn mặn
• Cần lưu ý khi sử dụng paclobutazol trong xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ
• Hiện tượng sầu riêng “đột tử” cần sự vào cuộc của các nhà chuyên môn
• Quản lý rầy hại đọt sầu riêng bằng hệ thống phun thuốc tự động
• Một số điểm cần lưu ý khi xử lý nghịch vụ sầu riêng
• Cần quan tâm chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch
• Bệnh hại mới trên cây sầu riêng và giải pháp khắc phục