Kinh nghiệm canh tác sầu riêng theo hướng an toàn

Năm 2018, Bến Tre có diện tích sầu riêng khoảng 2.000 ha, diện tích đang cho trái 1.500 ha, năng suất bình quân 12 tấn/ha, sản lượng 18.000 tấn. Tập trung ở các xã vùng ngọt của huyện Chợ Lách và Châu Thành. Hiện nay, diện tích trồng mới sầu riêng đang tăng do được canh tác trên các vườn cây lâu năm đã già cỗi ở vùng ngọt phải thanh lý, do hiệu quả kinh tế cao, ít tốn công thu hoạch của loài cây này.

Sầu riêng trên đất Bến Tre phần lớn được thâm canh, rải vụ khá triệt để. Vì vậy, hiệu quả kinh tế mang lại rất hấp dẫn cho nông dân. Điển hình về áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác sầu riêng mang lại hiệu quả cao là hộ anh Huỳnh Văn Thiết ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Với diện tích 1,0 ha sầu riêng Ri6 gồm 0,8 ha (19 năm tuổi) và 0,2 ha (14 năm tuổi). Hiện cả 2 vườn sầu riêng của anh vẫn còn sung sức do anh chú ý áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật thâm canh sầu riêng theo hướng hữu cơ sinh học an toàn trong sản xuất.

Hàng năm sau mỗi kỳ thu hoạch, anh tập trung xới liếp bón (cho 1 ha) 1.000 kg vôi; sau đó, bón 2.500 kg phân hữu cơ 4-3-3- 65OM+ 4.000 kg phân bò ủ hoai bằng hệ thống thông gió chủ động, có bổ sung nấm Trichoderma sp. ở giai đoạn cuối và 100 kg DAP để cây hồi phục ra tược nhanh.

Khi cây ra đợt tược 1, anh bón bổ sung 100 kg NPK 30-20-5 để cây ra tược 2. Khi tược 2 chớm già, anh bón tiếp 100 kg NPK 25-25-5 để cây ra tược 3. Khi tược 3 vừa lá lụa, anh bón thúc ra hoa 600 kg super lân, kết hợp phun MKP để cây phân hóa mầm hoa. Khi tược 3 được 1 tháng tuổi, anh tiến hành bón thêm 1 tấn vôi trước khi đậy liếp, siết nước và phun Paclobutrazol theo hướng dẫn trên bao bì.

Khi cây nhú hoa được 50% anh tiến hành tưới nước trở lại để thúc cây ra hoa đều; sau đó, bón bổ sung khoảng 100-150 kg phân NPK 15-15-15 để cây ra tược mới sớm sẽ không làm rụng hoa, trái non sau này.

Nếu cây ra quá nhiều hoa, anh tập trung tỉa bớt các chùm hoa ngoài đầu cành và gần trong thân chính, các chùm hoa còn lại anh tỉa chừa cách 20-25 cm/chùm để hoa được mập mạnh, thụ phấn tốt sau này.

Để ngừa trị sâu bệnh hại trên hoa, trái non anh phun ngừa bằng thuốc Antracol 70WP hoặc Score 250EC với Abamectin 3.6EC hoặc Actara 25WG có bổ sung thêm Bortrac 10EC để tăng phấn hoa.
Sau khi đậu trái, anh tiến hành tỉa trái ở các giai đoạn trái bằng trái cau, bắp tay, lúc 0,5-0,8 kg. Mỗi cây anh để khoảng 80-100 trái sẽ cho thu hoạch khoảng 250- 300 kg/cây.

 Anh Thiết bên vườn sầu riêng đang ra hoa.


Việc bón phân nuôi trái anh bón phân hữu cơ lần 2 với ½ lượng bón sau thu hoạch ngay sau khi cây đậu trái. Phân NPK gồm NPK 15-15-15, NPK 15-9-20 và NPK 12-11-18 có bổ sung thêm 10% Nitrabor, lần sau cùng bón 1-3 kg K2SO4/ cây.

Trong quá trình phun thuốc ngừa sâu bệnh trên trái anh kết hợp phun thêm vài lần phân Calmax (Hi-Canxi) để trái có nhiều cơm và không bị khô sượng hoặc cháy múi. Trong phòng trừ dịch hại anh luôn chú ý áp dụng IPM và sử dụng thuốc   theo nguyên tắc 4 đúng để vừa quản lý được dịch hại, vừa bảo đảm an toàn cho môi trường và sản phẩm thu hoạch.

Với việc đầu tư nhiều phân bón hữu cơ cho cây, anh Thiết cho biết đã giảm được khoảng 30% chi phí phân bón so với trước đây.

Bên cạnh, anh còn áp dụng đặt hệ thống béc phun thuốc trừ sâu kiêm phun mưa bên trên tán cây nhằm giảm bớt mật số sâu, rầy khi cây ra tược non. Nếu mật độ rầy cao anh dùng hệ thống này để phun thuốc diệt rầy. Nhờ sự kết hợp này anh giảm được 35% lượng thuốc trừ sâu rầy và 25% số lần phun thuốc trong giai đoạn cây ra các đợt tược, nhưng hiệu quả tốt hơn phương pháp kéo dây phun trực tiếp ngoài vườn. Mặt khác, khi tiến hành phun thuốc như trên, người vận hành tránh được nguy cơ nhiễm độc thuốc do không phải trực tiếp tiếp xúc với nơi xử lý.

Về quản lý nước, anh chú ý theo dõi diễn biến xâm nhập mặn chặt chẽ để chủ động trữ ngọt, ngăn mặn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho vườn cây. Nếu sầu riêng trong giai  đoạn già chín lúc còn mưa lũ, anh chủ động rút cạn nước trong mương vườn để trái không bị sượng.

 Thảm cỏ trên liếp vườn Sầu riêng của anh Thiết.


Về quản lý đất trồng anh thường xuyên giữ cỏ liếp trồng để tránh đất bị rửa trôi hoặc đóng váng gây bất lợi cho vườn cây, khi cỏ cao anh dùng máy phát cỏ cắt chừa gốc cao 3-5 cm để cỏ tái sinh. Phần cỏ bị cắt anh gom ủ cùng với phân bò, dê để tăng sinh khối phân ủ dùng bón lại cho vườn.

Về mùa vụ xử lý ra hoa, nếu năm nào có nước mặn xâm nhập vào tháng 3-4 dl anh kết hợp ngăn mặn, siết nước xử lý ra hoa sớm. Nếu không bị ảnh hưởng mặn thì anh xử lý vào tháng 6-7 dl để bán trái được giá cao hơn. Với các biện pháp tổng hợp nêu trên, vườn anh Thiết thường đạt năng suất khoảng 30 tấn trái/vụ, giá bán trung bình 55-60 triệu đồng/tấn; sau khi trừ chi phí anh còn lãi khoảng 1,3-1,5 tỉ đồng/ha.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Những lưu ý quan trọng để kéo đọt sầu riêng Ri6 thành công
• Những nguyên nhân chủ yếu khiến sầu riêng mới trồng chậm phát triển
• Một số lưu ý trong quá trình canh tác sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Một số biện pháp quản lý nấm bệnh thường xuất hiện trên sầu riêng trong mùa mưa
• Phòng trừ một số bệnh hại sầu riêng trong giai đoạn chuyển mùa
• Phú Đa-hàng loạt vườn sầu riêng bị cháy lá, rụng trái đã được phục hồi
• Phòng trừ rầy xanh gây hại sầu riêng một số điểm cần lưu ý
• Hiện tượng cháy lá sầu riêng trong mùa khô nguyên nhân và giải pháp
• Phục hồi vườn sầu riêng bị ảnh hưởng sau hạn mặn
• Cần lưu ý khi sử dụng paclobutazol trong xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ
• Hiện tượng sầu riêng “đột tử” cần sự vào cuộc của các nhà chuyên môn
• Quản lý rầy hại đọt sầu riêng bằng hệ thống phun thuốc tự động
• Một số điểm cần lưu ý khi xử lý nghịch vụ sầu riêng
• Cần quan tâm chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch
• Bệnh hại mới trên cây sầu riêng và giải pháp khắc phục