Biện pháp khắc phục triệu chứng thiếu trung vi lượng trên cây bưởi Da xanh

Không riêng bưởi Da xanh mà tất cả cây trồng đều rất cần dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển cho năng suất. Dinh dưỡng được cung cấp cho cây từ đất và phân bón. Tùy theo nhu cầu của cây, phân bón được chia làm 3 nhóm: phân đa lượng (N,P,K), trung lượng (Ca, Mg, S) và vi lượng (Zn, Bo, Cu, Mn,…). Đa số nông dân đều rất quan tâm cung cấp đầy đủ phân đa lượng nhưng ít ai nghĩ đến việc bổ sung phân trung, vi lượng cho cây. Mặc dù được cây bưởi hút với số lượng khá ít song nhóm nguyên tố trung, vi lượng là những chất dinh dưỡng khoáng thiết yếu góp phần gia tăng năng suất. Một số các triệu chứng mất cân đối do dinh dưỡng đôi khi biểu hiện giống các triệu chứng tác hại của môi trường như thiếu nước, ngộ độc do phèn, mặn,.. hoặc do nấm bệnh gây ra. Vì thế, nông dân trồng bưởi cần nhận biết các triệu chứng thiếu nguyên tố trung, vi lượng thể hiện trên lá, trái, cành,… để có sự điều chỉnh việc cung cấp dinh dưỡng giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Sau đây là một số biểu hiện thiếu các nguyên tố trung, vi lượng thường gặp trên cây bưởi Da xanh.

Calcium (Ca): Ca có vai trò quan trọng đối với sinh trưởng của rễ và triệu chứng đầu tiên của thiếu Ca là bộ rễ bị hư. Ca  giúp thân, cành cứng rắn tránh gãy đổ, tăng pH đất và diệt trùng, trái chắc dễ tồn trữ. Ca có vai trò như một chất giải độc bằng cách trung hòa acid hữu cơ, tăng cường khả năng hút đạm và tăng tính chống chịu một số sâu bệnh. Đất chua hoặc đất kiềm mặn thường thiếu Ca. Đất không bón vôi thời gian dài cũng thiếu Ca.

 

 

 

Triệu chứng thiếu Ca: Các lá non của cây mới trồng bị biến dạng và có màu xanh lụa sẫm không bình thường, thiếu nặng cành non bị chết; lá có hình đài hoa và quăn; đôi khi trái bị nứt, vị đắng, trái không bảo quản được lâu.  

 

Biện pháp khắc phục: Bón vôi hoặc phun phân bón lá CaSi, Canxi Bo,…

 

Magnesium (Mg): Là thành phần cấu tạo của diệp lục tố, có vai trò quan trọng trong quang hợp, làm cho sự vận chuyển lân và chất đường trong cây diễn ra nhanh. Giúp lá xanh tốt, gốc ghép dễ tróc. Ở cây thiếu Mg, quang hợp bị giảm, chậm quá trình ra hoa.

 

Triệu chứng thiếu Mg: Lá vàng ở phần thịt giữa các gân lá, xuất hiện chủ yếu ở lá già hoặc các lá bên dưới của cành mang trái, trong khi lá non vẫn còn xanh. Phần xanh còn lại của lá có hình chữ V ngược ở cuống lá. Trường hợp thiếu Mg trầm trọng, toàn bộ lá bị vàng, có thể rụng sớm. Trái nhỏ và ít ngọt.

Biện pháp khắc phục: Phun hay bón vào đất MgSO4 hay Mg(NO3)2. Tăng cường bón phân chuồng, sử dụng một số loại phân lân có Mg cao.

Mangan (Mn): Mangan là nguyên tố hoạt hóa rất nhiều enzym của các quá trình quang hợp, hô hấp và cố định nitơ phân tử. Kích thích xúc tác một số chu trình phản ứng trong cây.

Triệu chứng thiếu Mangan: Triệu chứng chủ yếu xuất hiện ở các lá non, gân lá và phần thịt gần gân lá có màu xanh đậm, thịt lá màu xanh nhạt hơn, sau chuyển màu vàng. Cây bưởi dễ mẫn cảm đối với thiếu Mangan.

 


Biện pháp khắc phục: Phun MnSO4 (nồng độ 0,25-0,5%) lên lá.
 
Kẽm (Zinc): Cần thiết cho sự sản xuất Protein và auxin. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong các quá trình quang hợp và hình thành đường, điều chỉnh tăng trưởng. Tăng cường khả năng sử dụng lân và đạm trong cây. Chồi và mầm của các cây thiếu kẽm chứa rất thấp hàm lượng auxin, làm cây lùn và sinh trưởng kém.

 

 
Triệu chứng thiếu kẽm: lá vàng gân xanh, nhỏ dần và đóng lá dầy, thân, cành không phát triển, trái nhỏ, chất lượng kém. Triệu chứng thiếu kẽm nhẹ xuất hiện ở lá non, không xuất hiện ở lá già. Một số trường hợp thiếu kẽm do bệnh virus Tristeza hoặc bệnh vàng lá gân xanh (greening), vì thế nông dân cần phân biệt rõ triệu chứng thiếu kẽm do thiếu dinh dưỡng trong đất hay thiếu kẽm do bệnh gây ra để có biện pháp xử lý thích hợp.

Biện pháp khắc phục: Sử dụng các loại phân bón có chứa kẽm. Sunfat kẽm (ZnSO4) là phân bón chứa kẽm được sử dụng phổ biến nhất, bón gốc hoặc phun, lúc lá gần trưởng thành. Sử dụng phân kẽm qua lá là biện pháp cung cấp kẽm cho cây có hiệu quả.

Boron (B): Boron  là nguyên tố vi lượng rất quan trọng với cây trồng. B ảnh hưởng đến quá trình phân hóa hoa, thụ phấn, thụ tinh, hình thành quả.
 
Triệu chứng đốm nâu phần vỏ trái do thiếu B.

 


Triệu chứng thiếu B: Thiếu Boron thường xảy ra ở các năm khô hạn. Triệu chứng thiếu B thường bắt đầu xuất hiện ở các bộ phận non của cây. Các lá non thường bị biến dạng, mỏng, màu xanh nhạt. Trên bề mặt lá thường có những đốm nhỏ màu vàng trắng. Xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên thân và cuống trái. Thiếu B làm hoa kém phát triển, sức sống hạt phấn kém, trái bưởi có hình dáng bất thường, có nhiều đốm nâu, bị lệch tâm, có vết đen quanh lõi, độ ngọt giảm và trái cứng (còn gọi là trái đá), vỏ dày, sần sùi, ít nước.

Biện pháp khắc phục: Phun phân bón lá có chứa B (Bortrac, Calcium-Boron Dynamic…).
Molybden  

Molybden có liên quan mật thiết tới quá trình chuyển hoá đạm trong cây, do đó sư thiếu Molybden cũng có biểu hiện tương tự như thiếu đạm. Thiếu Molybden, cây sinh trưởng phát triển kém. Trên lá, xuất hiện nhiều đốm vàng, kích thước khá to ở giữa các gân. Phun bổ sung các loại phân bón lá có chứa hàm lượng Molybden vào các giai đoạn cây ra lá non nếu phát hiện thấy triệu chứng thiếu loại dưỡng tố

Dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng nói chung và bưởi Da xanh nói riêng song quan trọng hơn là  bón cân đối giữa các nguyên tố đa lượng, trung lượng và vi lượng, giữa phân hóa học và phân hữu cơ, đáp ứng đúng nhu cầu của từng loại cây nhằm tối ưu hóa năng suất và chất lượng nông sản.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số lưu ý khi chăm sóc bưởi da xanh trong mùa hạn mặn
• Chăm sóc vườn bưởi da xanh phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán
• Quy trình kỹ thuật chăm sóc cây giống bưởi da xanh trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn
• Cải tiến thiết kế túi bao trái bằng vòng nhựa để phòng trừ sâu đục trái trên bưởi da xanh
• Làm thế nào để trái bưởi Da xanh được ngon, đẹp và an toàn
• Các nguyên nhân gây thối rễ cây bưởi – Giải pháp khắc phục
• Kỹ thuật bón phân cho Bưởi da xanh giai đoạn kinh doanh
• Cải tiến phương pháp tỉa cành tạo tán nhằm nâng cao năng suất và chât lượng bưởi Da xanh
• Bọ xít muỗi-dịch hại mới phát triển gây hại bưởi da xanh
• Phòng trừ bọ trĩ gây hại bưởi Da xanh trong mùa nắng nóng
• Tiêu hủy nguồn sâu-biện pháp hiệu quả hạn chế sự lây lan của sâu đục trái bưởi
• Cách chọn bưởi ngon
• Cách bảo quản quả bưởi
• Công nghệ bảo quản bưởi bằng chitosan
• Kinh nghiệm trồng bưởi da xanh