Phòng trừ bệnh phấn trắng gây hại chôm chôm trong mùa mưa

Bến Tre là một trong những tỉnh vùng ĐBSCL có diện tích trồng chôm chôm khá lớn. Hiện nay, diện tích chôm chôm của tỉnh trên 5.000ha, tập trung ở huyện Chợ Lách và một phần huyện Châu Thành (xã Tiên Long, Tân Phú, Thành Triệu). Đây là loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt xử lý vụ nghịch giá chôm chôm có thể lên gấp 7-10 lần giá trong vụ thuận. Tuy nhiên, chôm chôm bị nhiều dịch hại tấn công, nhất là trong mùa mưa, nông dân trồng chôm chôm rất quan tâm đến bệnh phấn trắng vì nếu không phòng trừ kịp thời năng suất có thể giảm trầm trọng.


 
 
 
 Bệnh phấn trắng gây hại trên bông.


Bệnh phấn trắng là bệnh quan trọng nhất trên chôm chôm. Bệnh phấn trắng do nấm Oidium sp. Bệnh gây hại trên các bộ phận còn non như cành non, lá non, hoa và trái non. Giai đoạn chôm chôm ra hoa, trái nhất là trong mùa mưa cũng là mùa bệnh phát triển mạnh. Nông dân dễ dàng phát hiện sự xuất hiện của bệnh là lớp phấn màu xám trắng của các bào tử nấm bao phủ đọt, hoa hoặc trái non và tốc độ bệnh lây lan rất nhanh. Bệnh nặng làm cho các chùm hoa bị cong queo và khô dần. Trên đọt non, nấm bệnh bao phủ lớp phấn trắng làm đọt kém phát triển, lá bị bệnh thường bắt đầu từ mặt dưới với những đốm phấn màu trắng xám, bệnh nặng lá non bị khô đen và rụng nhiều. Vào giai đoạn trái non, nấm Oidium sp phát triển trên trái một lớp phấn trắng (giống như rắc bột mì), về sau lớp phấn chuyển màu xám trắng, đầu gai bị đen, lan dần vào trong làm trái bị biến dạng, khô đen và đeo bám trên chùm. Nếu trái bị nhiễm bệnh trễ hoặc nhiễm nhẹ, trái sẽ nhỏ, cơm mỏng hoặc lép, râu trên trái bị trụi (nông dân còn gọi là chôm chôm râu kẽm), khi chín mất màu đỏ tươi. Bệnh gây hại nặng trên các vườn trồng dày, rậm rạp và những chùm trái phơi ra ngoài nắng. Thời tiết ẩm ướt, có nhiều sương mù là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển. Bệnh lây lan bằng bào tử do gió hoặc côn trùng phát tán.

 


• Biện pháp phòng trừ:
- Tạo điều kiện cho cây khỏe, sinh trưởng mạnh bằng các biện pháp canh tác như bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm, tỉa cành thông thoáng, vườn cây có hệ thống thoát nước tốt, tránh ngập úng cho cây.
- Dùng nạng chống đỡ những chùm trái bên dưới tán, hạn chế cho chúng tiếp xúc gần mặt đất. Tỉa bỏ các cành khuất trong tán.
- Trồng mật độ vừa phải, tránh trồng xen quá nhiều cây bóng râm sẽ tạo ẩm độ cao trong vườn làm bệnh phát triển mạnh.
- Thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để hạn chế lây lan.
- Bón phân hữu cơ hoai mục kết hợp chế phẩm sinh học Trichoderma để tạo nguồn vi sinh vật đối kháng.
- Thăm vườn thường xuyên nhất là trong giai đoạn ra bông, trái non để kịp thời phát hiện khi bệnh chớm xuất hiện, có thể sử dụng thuốc gốc lưu huỳnh như  Sulox 80WP, Kumulus 80DF  hoặc phun Tilt 250EC,…. Nếu những vùng có áp lực bệnh cao có thể phun ngừa khi cây nhú bông và trái còn nhỏ. Chú ý bảo đảm đúng thời gian cách ly để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao hiệu quả xử lý chôm chôm ra hoa rãi vụ trong điều kiện biến đổi khí hậu
• Quy trình chăm sóc cây giống chôm chôm trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn
• Một số giải pháp canh tác chôm chôm, sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Phòng trừ bệnh hại chôm chôm trong mùa mưa
• Chôm chôm khó ra hoa và giải pháp khắc phục
• Cảnh báo bệnh chổi rồng phát triển và gây hại trên cây chôm chôm
• Ruồi đục trái-dịch hại đang phát triển và gây hại trên chôm chôm
• Thu nhập cao từ vườn chôm chôm Thái Lan
• Thu lợi nhuận cao bằng cách xử lý chôm chôm ra trái nghịch vụ
• Phòng trừ bệnh thối trái chôm chôm
• Bệnh bồ hóng
• Bệnh đốm rong
• Bệnh thối trái
• Bệnh phấn trắng trên chôm chôm
• Bệnh phấn trắng trên chôm chôm