Giống nhãn mới LĐ11 thích nghi tốt trên vùng đất Bến Tre

Hiện nay cây nhãn đã qua thời kỳ “hoàng kim” nhưng trong tỉnh Bến Tre vẫn còn một số vùng duy trì diện tích chuyên canh nhãn và nông dân đã làm giàu từ cây nhãn. Trong các giống nhãn được trồng, nhãn tiêu da bò (Tiêu Huế) chiếm đa số vì giống nhãn này đạt năng suất cao. Tuy nhiên, chúng bị nhiễm bệnh chổi rồng khá nặng, đây là một thách thức lớn đối với nông dân trồng nhãn. Để giải quyết khó khăn này, giải pháp giống nhãn có khả năng kháng được bệnh chổi rồng để thay thế là một trong những giải pháp được đưa ra hàng đầu trong quy trình quản lý tổng hợp quản lý bệnh chổi rồng. Trong các giống nhãn đã trồng, giống nhãn xuồng cơm vàng được khuyến cáo thay thế vì trọng lượng trái to, dày cơm, giòn ngon và đặc biệt kháng bệnh chổi rồng tốt, nhưng nhược điểm là năng suất không cao lại rất dễ rụng trái khó xử lý trái nghịch vụ nên nông dân không “mặn mà” với giống nhãn này. Trong thời gian qua, Viện Cây Ăn quả Miền Nam đã lai tạo thành công giống nhãn LĐ11, mang những ưu điểm của giống nhãn tiêu da bò và xuồng cơm vàng và khắc phục được những nhược điểm của hai giống nhãn này. Giống nhãn LĐ11 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận và cho phép đưa vào sản xuất thử ở các tỉnh vùng ĐBSCL.

Năm 2016 vừa qua, Viện Cây Ăn quả Miền Nam đã ghép cải tạo thử nghiệm giống nhãn mới LĐ11 trên gốc nhãn tiêu da bò trong vườn nhãn của ông Huỳnh Công Đức ở xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre với diện tích 0,3 ha, đồng thời sản xuất thử nghiệm ở xã Phú Thuận huyện Bình Đại. Qua thời gian theo dõi nhận thấy giống nhãn mới này thích nghi khá tốt.

Giống nhãn LĐ11 có khả năng sinh trưởng mạnh hơn giống nhãn tiêu da bò, phiến lá dài to, đóng lá dày, màu xanh đậm. Phát hoa to, gié hoa dày, màu trắng kem. Nhãn LĐ11 có tán cây phát triển nhanh, tròn đều.

 

 
 


Trong thời gian từ khi ghép đến nay, giống nhãn LĐ 11 chưa phát hiện nhiễm bệnh chổi rồng. Thời gian từ khi ghép cải tạo đến khi cho trái thử nghiệm ở vườn ông Đức khoảng 18 tháng, thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch 145-160 ngày. Hiện nay, giống nhãn mới LĐ11 trên vườn của ông Đức đã bắt đầu cho trái  với năng suất 20 – 25 kg/cây, không kém năng suất nhãn tiêu da bò và cao hơn nhãn xuồng cơm vàng trong cùng độ tuổi và điều kiện chăm sóc.

Qua thực tế thu hoạch cho thấy: Về hình dạng màu sắc bên ngoài của trái nhãn LĐ11 gần giống như nhãn tiêu da bò, chùm quả đóng khít, cuống to. Trọng lượng trái lớn hơn nhãn tiêu da bò, khoảng 75-80 trái/kg. Bên cạnh,  giống nhãn LĐ 11 có nhiều ưu điểm như dày cơm, độ dày thịt trái dày hơn nhãn tiêu da bò và tương đương xuồng cơm vàng; hạt nhỏ, ít rụng trái (khắc phục được nhược điểm của Xuồng cơm vàng). Về chất lượng, giống nhãn LĐ11 được đánh giá cao, thịt màu trắng trong, cơm ráo, giòn, thơm nhẹ và có vị  ngọt thanh.

Điều kiện canh tác và xử lý ra hoa tương tự như nhãn tiêu da bò. Phân bón 3 tháng/lần, 600-1.000g/gốc (phân Urê + DAP ) trong thời gian đầu, trước khi xử lý ra hoa thì bón NPK 20.20.15.  Khi xử lý ra hoa, tưới Chlorat kali 200g/gốc khi cây ra đợt chồi, giai đoạn lá lụa kết hợp với khoanh cành một tuần sau khi tưới thuốc. Phòng trừ sâu bệnh cho nhãn giai đoạn cây ra chồi: phun thuốc trừ sâu đục gân lá và thuốc trừ nhện. Hạn chế của giống nhãn LĐ11 là do đặc tính gié hoa đóng khích trên chùm nên khi chúng xả nhụy, những cánh hoa rơi bị giữ lại trên chùm trái tạo điều kiện cho sâu đục trái phát triển, để hạn chế sâu đục trái nên phun nước rửa cánh hoa rụng khi cây đã đậu trái hoàn chỉnh.

 

 
 

 
Do giống nhãn LĐ11 có sức sinh trưởng nhanh và mạnh hơn giống nhãn tiêu da bò và xuồng cơm vàng nên khoảng cách trồng thưa hơn để cây tiếp nhận đầy đủ ánh sáng trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Khoảng cách trồng tùy thuộc vào đất đai, có thể chọn khoảng cách thích hợp là 6 x 6 m, tương đương 300 – 350 cây/ha. Khi cây lớn hàng năm nên tỉa cành, tạo tán để tạo thông thoáng vườn cây.  Bón phân đầy đủ NPK và bổ sung phân hữu cơ sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho trái nhiều và trái vàng, sáng đẹp, chất lượng tốt.

Với kết quả bước đầu, sản xuất thử nghiệm giống nhãn mới LĐ11 với diện tích nhỏ trên vùng đất Bến Tre, cho thấy tính thích nghi khá tốt, chống chịu được bệnh chổi rồng. Hiện đang tiếp tục theo dõi thêm những đặc tính của giống này để có biện pháp canh tác phù hợp. Hy vọng đây là giống nhãn có triển vọng thay thế những vườn nhãn tiêu da bò già cỗi, thường xuyên bị nhiễm bệnh chổi rồng nặng, góp phần trong công tác quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn trong tương lai.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chăm sóc vườn nhãn sau thu hoạch
• Mô hình trồng nhãn Idor cho hiệu quả kinh tế cao
• Áp dụng đồng bộ giải pháp tổng hợp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng trừ bệnh chổi rồng hại nhãn
• Phòng trừ bệnh thối trái nhãn
• Bọ xít hại nhãn và các biện pháp phòng trừ
• Biện pháp phòng trừ sâu đục thân lá nhãn
• Kỹ thuật trồng nhãn
• Bệnh cháy lá trên cây nhãn
• Bệnh phấn trắng
• Bệnh thối bông
• Đốm mốc xanh, mốc xám
• Bệnh thối rễ (Fusarium sp.)
• Bệnh khô cành (Phoma sp.)
• Bệnh đốm bồ hóng do nấm Meliola sp.
• Bệnh thối trái do nấm (Phytophthora sp.)