Bến Tre cận chuyển dịch năng lượng công bằng

Ngày 28/6/2019, tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chương trình Biến đổi khí hậu và Năng lượng, FES Việt Nam đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo Chuyển dịch năng lượng công bằng: Từ nghiên cứu tới thực tiễn. Hội thảo có sự tham dự của gần 100  đại biểu đến từ Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các trường ĐH, viện, trung tâm nghiên cứu… Tham dự Hội thảo Bến Tre có ông Nguyễn Huy Phục, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Bến Tre và đại diện Nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre.

 Chuyên gia quốc tế và lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật các tỉnh về dự Hội thảo chụp ảnh lưu niện - Ảnh: CT.


Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng: cơ hội và thách thức cho Việt Nam” là diễn đàn khoa học lần đầu tiên ở các tỉnh phía Nam công bố kết quả nghiên cứu “Phân tích các yếu tố đảm bảo công bằng trong chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam” do Viện Friedrich- Ebert- Stiftung (FES) và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh thực hiện. Người đạt giải thưởng “ Anh hùng môi trường” thế giới duy nhất của Việt Nam do Quỹ môi trường Goldman (Mỹ) vinh danh - bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID đã đại diện nhóm nghiên cứu trong trình bày kết quả nghiên cứu đã đưa ra ba kịch bản được phân tích trong nghiên cứu gồm: kịch bản cơ sở (Quy hoạch Chiến lược phát triển điện lực lần thứ VII điều chỉnh), có tổng công suất lắp đặt được dự báo tăng lên 60.000 MW vào năm 2020, 96.500 MW vào năm 2025 và 129.500 MW vào năm 2030; kịch bản năng lượng tái tạo (B&RE) có tổng công suất dự kiến sẽ tăng từ 38.900 MW vào năm 2015 lên 123.480 MW vào năm 2030, tức tăng 84.580 MW trong 15 năm, tương đương 5.640 MW mỗi năm; kịch bản kết hợp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (EE&RE), đến năm 2030 tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 21% lên 30%, tăng tỷ trọng nhiệt điện khí từ 14,7% lên khoảng 22,8% và giảm nhiệt điện than từ khoảng 42,6% xuống còn 24,4%. Kết quả nghiên cứu các kịch bản nêu trên cho thấy, chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang ứng dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo “hứa hẹn” mang lại nhiều cơ hội lớn phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, đối với an ninh năng lượng sẽ được đảm bảo tốt hơn, cụ thể hai kịch bản B&RE và EE&RE có tính ưu việt hơn so với kịch bản cơ sở trong việc đảm bảo an ninh năng lượng xét ở các tiêu chí độ đa dạng của nguồn năng lượng. Cả hai kịch bản B&RE và EE&RE, mà đặc biệt là kịch bản EE&RE có mức độ đa dạng hóa nguồn năng lượng tốt hơn do cơ cấu giữa các nguồn cân bằng hơn so với kịch bản cơ sở. Đối với việc giảm tác động môi trường và sức khỏe cộng đồng, kịch bản dịch chuyển sang năng lượng sạch có đóng góp quan trọng vào cải thiện môi trường không khí và nguồn nước nên có đóng góp rất lớn trong giảm thiểu rủi ro sức sức khỏe của cộng đồng bởi tổng phát thải các loại bụi (TSP, PM10 và PM2.5) vào năm 2030 của kịch bản  EE&RE ước tính giảm đến 48% so với kịch bản cơ sở và giảm 17% đối với kịch bản B&RE so với kịch bản cơ sở. Trong khi đó, phát thải TSP, PM10, PM2.5 của kịch bản EE&RE vào năm 2030 tăng 8% so với 2020, còn kịch bản cơ sở phát thải các chất này vào năm 2030 tăng 115% so với năm 2020. Về nhu cầu sử dụng nước, nghiên cứu đã chỉ ra, trong tất cả các kịch bản, nhu cầu sử dụng nước chủ yếu cho việc làm mát, đặc biệt với nhiệt điện đốt than chiếm khoảng 63% trong tổng nhu cầu nước. Năm 2030, tổng nhu cầu nước kịch bản cơ sở là 103,3 tỉ mét khối, trong khi kịch bản B&RE là 87,7 tỉ mét khối và kịch bản EE&RE là 61,2 tỉ mét khối. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch giúp tạo động lực phát triển mới và giúp thu hẹp khoảng cách cho các địa phương có tiềm năng ở vùng sâu, xa; tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu, xa và hẻo lánh. Một vấn đề lớn được hội thảo quan tâm là nhu cầu vốn đầu tư theo kịch bản chuyển dịch sang năng lượng sạch ít tốn kém hơn so với kịch bản cơ sở, cụ thể mức chênh lệch tổng nhu cầu đầu tư giữa kịch bản cơ sở với kịch bản B&RE và EE&RE lần lượt là 5,294 tỉ đô la Mỹ và 3,625 tỉ đô la Mỹ. Chi phí sản xuất điện của hai kịch bản dịch chuyển sang năng lượng sạch thấp hơn so với kịch bản cơ sở; tạo việc làm mới; cải thiện chất lượng việc làm và chuyển dịch năng lượng không dẫn đến mất việc làm cho người lao động của ngành than hay của các nhà máy điện than… cũng là những kết quả được nêu ra trong báo cáo nghiên cứu.

Tuy nhiên, theo bà Ngụy Thị Khanh, chuyển dịch sang năng lượng sạch ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với bốn thách thức, gồm nhu cầu sử dụng đất lớn có thể dẫn tới xung đột đất đai, nếu không có giải pháp căn cơ; việc đảm bảo sinh kế, việc làm cho người dân ở các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án điện; việc đào tạo nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình chuyển dịch, nhất là ở các địa phương còn chậm; và cuối cùng là việc đảm bảo chế độ phúc lợi và quyền cơ bản ở nơi làm việc cho người lao động trong các doanh nghiệp năng lượng và các doanh nghiệp khác cần có sự  cải thiện nhiều hơn.

Tại hội thảo, nhóm chuyên gia và đại biểu tham dự từ thực tiễn địa phương mình đã thảo luận và đi đến xác định các rào cản hiện tại trong việc nắm bắt đồng lợi ích của phát triển năng lượng tái tạo cho tiếp cận năng lượng và cơ hội việc làm dựa trên sự phát triển năng lượng tái tạo. Từ đó đưa ra các đề xuất chính sách nhằm giúp tạo điều kiện triển khai năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Qua phân tích, so sánh tác động của ba kịch bản phát triển nguồn điện đến năm 2030 của Việt Nam về việc làm, môi trường, các khía cạnh xã hội, an ninh năng lượng, chi phí đầu tư và chi phí sản xuất điện, thì kịch bản chuyển dịch sang năng lượng sạch mang lợi cơ hội nhiều hơn cho cả nền kinh tế, xã hội và môi trường. Hội thảo đã đồng thuận cao với việc đưa ra khuyến nghị chính sách được xây dựng từ kết quả của chuỗi nghiên cứu về kịch bản phát triển điện và những yếu tố đảm bảo công bằng trong quá trình chuyển dịch sang phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam.

 

 Chuyên gia Bobby Peek (trái) và đại diện Nhóm

Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre - Ảnh: KN.


Khuyến nghị  được đề xuất trên cơ sở phân tích so sánh tác động của ba kịch bản phát triển điện lực Việt Nam đến năm 2030 về việc làm, môi trường, các khía cạnh xã hội, an ninh năng lượng, chi phí đầu tư và chi phí sản xuất điện. Khuyến nghị cũng thể hiện rõ các kịch bản chuyển dịch sang năng lượng sạch mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho Việt Nam về cả kinh tế, xã hội và môi trường và để giải quyết bài toán lớn chuyển dịch năng lượng công bằng đòi hỏi sự đồng thuận giữa việc triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ, hoạch định chính sách về năng lượng và tiến hành thực thi từ cấp cơ sở. Tám kiến nghị cụ thể được đưa ra tại Hội thảo nhằm đảm bảo chuyển dịch năng lượng gắn với công bằng xã hội, không bỏ lại ai ở phía sau bởi bên cạnh lợi ích sản xuất năng lượng một cách bền vững và thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo đem đến cơ hội tốt để Việt Nam đạt được những tác động tích cực hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước. Hội thảo cũng đã đề ra các giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và ngoài lưới điện quốc gia, đẩy mạnh truyền thông về năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả với sự tham gia của Liên hiệp Hội các tỉnh để giúp người dân có thể tiếp cận với cơ sở hạ tầng năng lượng hiện đại hơn, ngay cả ở các vùng nông thôn hẻo lánh, hướng đến mục tiêu đồng lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo cho việc làm và tương lai phát triển lao động, việc làm trong ngành điện và các ngành khác.

 Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Bến Tre ông Nguyễn Huy Phục (thứ 3 từ trái) và đại biểu các tỉnh Tiền Giang- Trà Vinh – Đồng Tháp trong phiên thảo luận mở - Ảnh: CT.


Bến  Tre là một tỉnh đang chuẩn bị phát triển điện gió, điện mặt trời nên được nhiều chuyên gia và đại biểu dự hội thảo quan tâm khi bàn về chuyển dịch sang năng lượng sạch sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Bến Tre trong phát triển kinh tế, đảm bảo sức khỏe cộng đồng… nhưng cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết về nguồn nhân lực và các khía cạnh xã hội khác khi chuyển sang năng lượng sạch và sử dụng hiệu quả ngay từ khi các dự án này chưa triển khai. Anh Trần Chí Thanh, phó trưởng ban điều hành Nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre tham dự hội thảo cho biết: chúng tôi dành sự quan tâm đặc biệt đến hội thảo này vì đây là cơ hội nhóm để nhóm tiếp cận các chuyên gia và học hỏi để nghiên cứu ứng dụng năng lượng mặt trời vào vận hành mô hình lọc nước bằng phương pháp sinh học thay cho việc sử dung điện cho máy bơm hiện nay; hội thảo đã giúp Nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre củng cố thêm cơ sở khoa học và thực tiễn để hiện thực hóa ý tưởng lâu nay của nhóm và góp phần đản bảo chuyển dịch năng lượng công bằng ở Bến Tre. Chuyên gia Bobby Peek đến từ Nam Phi - giải thưởng “Anh hùng môi trường” thế giới người hoạt động không mệt mỏi trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững rất quan tâm đến mô hình của Bến Tre và đã chia sẻ nhiều về hoạt động bảo vệ môi trường của ông tại Nam Phi.

 Anh Trần Chí Thanh (phải) đại diện Nhóm Sáng tạo

Khởi nghiệp Bến Tre tại hội thảo- Ảnh: KN.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022