Cần lưu ý khi sử dụng paclobutazol trong xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ

Xử lý rãi vụ hay nghịch vụ trên cây sầu riêng hiện đang là giải pháp tốt để nâng cao hiệu quả sản xuất cho các tỉnh miền Tây do hiện nay cây sầu riêng đã và đang được trồng và phát triển tốt ở phần lớn các vùng miền từ đồng bằng sông Cửu Long đến cả miền Đông, Tây Nguyên. Tuy nhiên, để thành công trong vụ nghịch đòi hỏi rất nhiều yếu tố kỹ thuật kể cả kinh nghiệm nhằm ứng phó kịp thời những yếu tố bất lợi của thời tiết. Ngoài việc sử dụng hợp lý phân bón, tạo khô hạn… thì phun paclobutazol (paclo) hiện đang là yếu tố không thể thiếu trong xử lý ra hoa đối với một số nông dân trong quá trình canh tác. Bởi paclo là chất điều hòa sinh trưởng thuộc nhóm ức chế quá trình sinh tổng hợp GA­3, làm giảm nồng độ GA3 và làm chậm tốc độ phân chia tế bào, làm cho thực vật trở nên già cỗi qua đó thúc đẩy sự hình thành mầm hoa.

 

image

Nông dân thường dùng 2 loại Paclo này

để pha với 200 lít nước.

 

Trong quy trình xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ thì paclo được đề nghị với liều lượng 1.000-1.500ppm tương đương với paclo 15% thì 1 lít được pha với 100-150 lít nước, paclo 20% thì phải pha với 150-200 lít nước nhưng phần lớn nông dân lại sử dụng với nồng độ khá cao, thường dùng loại 1 lít 15% + với 1 kg loại 20% pha cho 200 lít nước và phun đều trên cây, có khi phun tới 2 lần trong vụ, kết quả sầu riêng ra hoa khá tốt nhưng sau đó khi chăm sóc hoa, trái thì tốn rất nhiều chi phí đầu tư có khi phải trả giá do cây bị cháy lá, suy kiệt, không ra được đọt non, khả năng bỏ vụ sau là rất cao và nguy cơ nhiễm bệnh xì mủ rất cao. Việc lạm dụng chất paclo hiện nay cũng đang là vấn đề cần được quan tâm, nhiều vườn sầu riêng đã trơ cành, cằn cỗi và có cả những vườn phải trồng mới lại khi đã sử dụng quá nhiều trong một vụ và thường xuyên trong nhiều năm.

 

 image

Vườn sầu riêng suy kiệt sau thu hoạch

do xử lý Paclo liều cao.

 

Hiện nay, với một số sáng kiến mới cũng như thực tiễn sản xuất đã chứng minh việc xử lý ra hoa sầu riêng nghịch vụ thì paclo không còn là yếu tố chính trong quy trình kỹ thuật cho nên trong xử lý cần lưu ý khi sử dụng paclo.

 

Thứ nhất, liều lượng sử dụng: Nếu có sử dụng nên dùng đúng liều lượng khuyến cáo trong khoảng 1.000-1.500ppm và cũng không nhất thiết phải dùng 2 dạng bột và nước để phối trộn, dạng bột rất khó tan hoặc tan rất ít trong nước, nên khi sử dụng với hàm lượng càng cao thì khả năng hòa tan lại càng khó, cần phải khuấy liên tục nếu không sẽ đóng cặn, sự hấp thu và chuyển hóa của cây sẽ kém hơn. Sử dụng paclo quá liều chùm hoa sầu riêng phát triển không kiểm soát, dị thường, chùm to với lượng hoa/chùm khá nhiều cuống ngắn khó đậu và nuôi trái. Lượng dung dịch cần thiết để phun sao cho ướt đều thân cành, mặt dưới lá tránh dư thừa rơi xuống đất.

 

 image

Xử lý Paclo hợp lý cho kết quả trên cây

sầu riêng 4 năm tuổi.

 

Thứ hai, cách phun: Cần áp dụng thật sự nghiêm ngặt đối với cây sầu riêng trong quá trình xử lý, trước khi phun paclo cần đậy nylon không để cho paclo thấm vào đất bởi paclo lưu tồn trong đất 3 tháng khi phun lên lá mà không có che phủ mặt líp và lưu tồn 11 tháng nếu xử lý bằng phương pháp tưới vào đất. Paclo là chất có tính lưu dẫn nên được hấp thu qua lá, tán cây, thân và rễ, được di chuyển đến bên dưới chồi sinh mô nên khi phun chỉ nên phun trong thân, cành và mặt dưới của lá là tốt nhất.

 

Thứ ba, thời điểm phun: Đây là yếu tố quyết định đến sự thành công của quy trình xử lý ra hoa sầu riêng dưới tác động của paclo, cho nên việc đầu tiên là phải xác định được tuổi lá và thời điểm phun trong ngày cũng như trước hoặc sau tạo mầm. Với tuổi lá tốt nhất từ 30-35 ngày tuổi (lá lụa) và nên phun vào buổi sáng sau khi phủ bạt nylon và tạo mầm lần 2.

 

Thứ tư, hóa giải những bất lợi do paclo gây ra: Việc sử dụng quá liều, ngoài ảnh hưởng bất lợi cho cây trồng thì việc lưu tồn của hoá chất này trong đất và trong các bộ phận của cây cũng là một vấn đề quan trọng được nhiều người quan tâm. Đối với cây sầu riêng, paclo ở liều cao chỉ giúp cây ra hoa đồng loạt mà không làm gia tăng được hiệu quả kinh tế, ngược lại có khi sẽ ảnh hưởng đến đời sống cây trồng cũng như thu nhập của gia đình. Do liều cao sẽ ức chế mạnh đến việc hình thành các chất kích thích sinh trưởng nên cây sẽ trở nên suy kiệt, cháy lá, cằn cỗi. Cho nên sau đó cần sử dụng nhiều chất đạm trong bón gốc vì chất đạm sẽ thúc đẩy hình thành các chất kích thích sinh trưởng, tăng cường phân hữu cơ để tái tạo nguồn vi sinh vật có ích, bổ sung vi lượng nhất là zn cùng với GA để hóa giải paclo thúc đẩy sinh trưởng, phục hồi sau thu hoạch.

 

Thứ năm, cần thiết không nên sử dụng paclo: Thời gian gần đây nhiều vườn xử lý nghịch vụ sầu riêng không còn sử dụng paclo trong quy trình, đây là một điểm mới hướng đến việc sản xuất an toàn không sử dụng hóa chất, cách làm này đã được nông dân sáng tạo trong xử lý ra hoa sầu riêng. Giải pháp chủ yếu là tăng cường sử dụng các dạng phân bón vai trò kiến tạo mầm và thúc đẩy ra hoa; quản lý tốt sự khô hạn đối với đất liếp và chọn đúng điểm rơi của tiết thuận trong vụ nghịch để điều khiển cây ra hoa. Để thực hiện được các giải pháp này đòi hỏi người làm vườn phải có kinh nghiệm trong dự đoán thời tiết và quản lý tốt vườn trồng của mình.

 

Với một số điểm lưu ý khi sử dụng paclo cho sầu riêng nghịch vụ sẽ góp phần từng bước bảo vệ sự bền vững trong canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất tăng thu nhập cho người làm vườn.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Những lưu ý quan trọng để kéo đọt sầu riêng Ri6 thành công
• Những nguyên nhân chủ yếu khiến sầu riêng mới trồng chậm phát triển
• Một số lưu ý trong quá trình canh tác sầu riêng trong điều kiện hạn mặn
• Một số biện pháp quản lý nấm bệnh thường xuất hiện trên sầu riêng trong mùa mưa
• Phòng trừ một số bệnh hại sầu riêng trong giai đoạn chuyển mùa
• Phú Đa-hàng loạt vườn sầu riêng bị cháy lá, rụng trái đã được phục hồi
• Phòng trừ rầy xanh gây hại sầu riêng một số điểm cần lưu ý
• Hiện tượng cháy lá sầu riêng trong mùa khô nguyên nhân và giải pháp
• Phục hồi vườn sầu riêng bị ảnh hưởng sau hạn mặn
• Hiện tượng sầu riêng “đột tử” cần sự vào cuộc của các nhà chuyên môn
• Quản lý rầy hại đọt sầu riêng bằng hệ thống phun thuốc tự động
• Một số điểm cần lưu ý khi xử lý nghịch vụ sầu riêng
• Cần quan tâm chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch
• Bệnh hại mới trên cây sầu riêng và giải pháp khắc phục
• Khắc phục hiện tượng cháy lá sầu riêng khi cây mang hoa, trái trong mùa nắng