Nhiều mô hình hỗ trợ cung cấp nước ngọt và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả từ sáng kiến áp dụng dụng khoa học kỹ thuật của người dân

Trước tình hình hạn mặn khốc liệt chưa từng có trong nhiều năm qua, nhằm chia sẻ phần nào khó khăn của bà con nhân dân, góp phần cùng địa phương vượt qua thiên tai hạn mặn. Từ đầu tháng 3/2020, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (Công ty MeKong), xã Hữu Định, huyện Châu Thành đã kết nối với một số doanh nghiệp và chính quyền địa phương nghiên cứu thực tế địa hình và điều kiện giao thông, tổ chức cung cấp số lượng lớn nước ngọt cho bà con bằng đường thủy. Đây là cách làm đáp ứng nhu cầu thực tế địa phương, do việc vận chuyển nước với yêu cầu đưa một lượng lớn nước ngọt về cho bà con nếu chỉ thực hiện vận chuyển bằng xe tải hay xe bồn chuyên dụng chở được vài ba khối nước/xe, lại không thể di chuyển trên các tuyến đường nhỏ sâu trong các xã nông thôn. Xuất phát từ tình thế này, Công ty MeKong đã quyết định thuê sà lan vận chuyển nước ngọt về cho người dân các xã có nhu cầu nước ngọt bức xúc. Từ 1 chiếc sà lan ban đầu khi thực hiện có hiệu quả và nhu cầu nước ngọt của bà con lên cao, đến lúc cao điểm công ty thuê 4 chiếc sà lan vận chuyển nước ngọt phục vụ bà con các xã: Hữu Định, Phước Thạnh, thị trấn Châu Thành thuộc huyện Châu Thành, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm và một số xã ở các huyện: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú và Ba Tri . Với cách làm này, gần 2 tháng qua, Công ty MeKong đã hỗ trợ hơn 20 ngàn mét khối nước ngọt cho bà con. Lượng nước cung cấp đảm bảo đủ để phục vụ sinh hoạt cho người dân các xã ở huyện Châu Thành, Giồng Trôm và các xã ở một số huyện trong tỉnh Bến Tre.

 

Nhằm kết nối cùng Công ty MeKong có phương án tổ chức phân phối nước cho bà con hiệu quả trong lúc phòng tránh dịch Covid19, ở xã Phước Thạnh, Châu Thành, bà con đã chủ động thiết kế mô hình hồ nước di động với khing gỗ lót vải bạt kết nối với bồn lọc có hệ thống vòi nước dẫn nước tới thùng hứng nước của bà con. Hồ nước di động có dung tích hơn 300 mét khối được bố trí di động khối cặp sông Ba Lai để việc vận chuyển, tiếp nhận nước được nhanh chóng, thuận tiện đảm bảo giãn cách xã hội.

 

image

Hồ nước di động tại xã Phước Thạnh,

cặp sông Ba Lai. Ảnh TL.


 Ngoài các hồ nước di động được thiết kế phục vụ yêu cầu phân phối nước để sà lan có thể giao nước về sớm, rút ngắn thời gian chờ người dân lấy nước, Công ty MeKong còn phối hợp chính quyền địa phương từ huyện đến các xã, tổ chức phân phối nước đảm bảo hõ trợ nước theo tinh thần “Không để hộ dân nào không có nước ngọt đủ dùng”, hưởng ứng với các chương trình xã hội có nhiều ý nghĩa thiết thực đối với người dân như chương trình của Công ty MeKong, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Dương Văn Phúc đã trực tiếp chỉ đạo: “Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện trên địa bàn mình. Đối với các hộ già yếu, neo đơn, hộ nghèo và cận nghèo không có phương tiện, không có khả năng thuê mướn phương tiện vận chuyển, không có điều kiện đến nơi cấp phát trực tiếp để nhận nước ngọt, thì các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ vận chuyển đến tận nhà”. Với cách làm này, Châu Thành đã thành công trong việc vận động các đơn vị tài trợ, các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân cùng tham gia hỗ trợ cung cấp nước ngọt cho bà con trong huyện. Ông Bùi Dương Thuật - Giám đốc Công ty Mekong cho rằng đây chính là điều làm cho Công ty mạnh dạn có những chương trình hỗ trợ nước ngọt thường xuyên trên địa bàn huyện Châu Thành, bởi theo ông Thuật: “Cuộc sống thiếu ăn, thiếu mặc có thể lây lất nhưng thiếu nước sinh hoạt thì khó khăn vô cùng. Năm nay, độ mặn cao, kéo dài làm ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là vùng nông thôn. Chính quyền địa phương có nhiều giải pháp ra sức hỗ trợ bà con nhưng đâu đó vẫn cần sự chung tay góp sức của các cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân” và Công ty MeKong là đơn vị đi đầu trong chương trình sẻ dòng nước ngọt giữa mùa hạn mặn khốc liệt năm nay.

 

 image
Đại diện nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre thực địa Hồ nước di động tại xã Phước Thạnh trong ngày đầu thiết kế vận hành. Ảnh TL.


 Ông Bùi Thành Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Phong Nẫm cho biết: “Nước ngọt do công ty MeKong và các đơn vị tài trợ mang đến thật sự đã làm mát lòng người dân Phong Nẫm và một số địa phương khác trong cơn hạn mặn gay gắt này. Thay mặt lãnh đạo và người dân địa phương, chúng tôi gửi đến công ty lời cảm ơn sâu sắc vì đã giúp người dân vượt qua khó khăn mùa hạn mặn”.

 

Từ mô hình vận chuyển – phân phối nước ngọt hiệu quả như cách làm ở huyện Châu Thành, nhiều hộ dân đã có sáng kiến sử dụng nước tiết kiện, hiệu quả trong canh tác nông nghiệp, trong ứng dụng thiết bị khoa học để xử lý nước giếng khoan đảm bảo đúng tiêu chuẩn nước sinh hoạt như hộ của chị Sái Tố Quân ở ấp 3, xã Thành Triệu. Vườn nhà chị không chỉ có bồn hoa luôn xanh tươi không cần tưới nước vì được đậy bằng thân cây chuối tươi, mà còn có cả vườn Sầu riêng vẫn cho trái bình thường như không có hạn mặn khiến ai cũng trầm trồ…

 

 image

 

image

 

 image

Giếng lắp đặt thiết bị xử lý nước, bồn hoa và Sầu riêng trong vườn nhà chị Sái Tố Quân, ấp 3, xã Thành Triệu.

Ảnh TL.


Ở xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, giữa mùa hạn mặn nhưng khác với các hộ dân khác phải chật vật chạy lo từng thùng nước ngọt hàng ngày, anh Đặng Văn Thuật, ấp 2 xã Tam Hiệp do được nhóm Sáng tạo khởi nghiệp Bến Tre lắp đặt mô hình lọc nước bằng phương pháp sinh học trong khuôn khổ dự án “Phát huy nhân tố Giới trong bảo vệ nguồn nước hạ lưu sông MeKong từ mô hình lọc nước bằng phương pháp màng sinh học kết hợp năng lượng mặt trời và trồng cây Chùm ngây ven sông, kênh rạch ở Cồn Tàu, xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, Bến Tre” từ cuối năm 2018 nên đã có ý thức trữ nước mưa, nước ngọt vận hành mô hình… đến mùa hạn mặn này gia đình anh không phải vất vả như các hộ bên cạnh, không chỉ có nước ngọt dùng mà còn hỗ trợ chia sẻ nước ngọt cho bà con hàng xóm. Kinh nghiệm sử dụng mô hình anh Đặng Văn Thuật  cho biết: “điểm đặc biệt của mô hình lọc nước bằng phương pháp sinh học là nước sau lọc rất tốt, biểu hiện cụ thể là các vật dụng chứa nước, đường ống dẫn nước không có đóng rong, cặn bã như trước đây anh không sử dụng phương pháp lọc nước bằng màng sinh học.

 

 image
Anh Đặng Văn Thuật (thứ 2 từ trái) và các thành viên  nhóm Sáng tạo khởi nghiệp Bến Tre trong ngày lắp đặt mô hình lọc nước bằng phương pháp sinh học. Ảnh LT.


 Theo anh Trần Đông Phú, trưởng nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre, ngưởi chủ trì dự án, “… mô hình lọc nước bằng phương pháp màng sinh học được xác định là thước đo cho ý thực thực hành phòng chống hạn mặn, sử dụng tiết kiệm nước… của người dân, qua đó còn góp phần đẩy mạnh thực hiện 1 nền nông nghiệp sạch cũng như ý thức xử lý rác thải nông thôn của bà con nông dân. Với tiêu chí khi có mô hình lọc nước sinh học, người dân dùng nước mặt ngay dòng kênh, con mương bên nhà thì sẽ không thể xả rác xuống kênh mương cũng như sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học…”.

 

Những sáng kiến, mô hình tốt, cách làm hay trong hỗ trợ cung cấp nước ngọt và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả phần lớn đều xuất phát từ thực tiễn tìm tòi, nghiên cứu áp dụng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống phong phú của người dân. Thiết nghĩ các ngành chức năng, các trường học cần quan tâm nghiên cứu, tổng kết thực tiễn này qua từng mùa hạn mặn để người dân có sự chuẩn bị và thích nghi hiệu quả hơn trước mọi diễn biến cực đoan của thời tiết, hạn mặn.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc