Chăm sóc vườn bưởi da xanh phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán

Trong dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu trái cây chưng Tết rất lớn, trong đó bưởi Da xanh là loại trái cây được ưa chuộng vì trái đep, ngon và bảo quản được lâu. Để có vườn bưởi da xanh đạt năng suất, chất lượng và mẫu mã đẹp, nông dân cần chú ý kỹ thuật canh tác ngay từ giai đoạn đầu để cây luôn khỏe.

 

Trước hết, nông dân cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây. Bón kết hợp phân hữu cơ và vô cơ một cách hài hòa, cân đối. Phân hữu cơ giúp cho trái có phẩm chất ngon, ít bị khô đầu múi, màu đỏ đẹp và kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch. Ngoài ra, phân hữu cơ còn tăng cường sự phát triển vi sinh vật có lợi trong đất, cung cấp cho cây được nhiều chất dinh dưỡng; cải tạo lý tính đất, giúp cho đất xốp hơn, độ ẩm trong đất được giữ lâu hơn, bảo vệ đất chống xói mòn, tăng độ phì nhiêu của đất; gia tăng hiệu quả bón phân vô cơ, hạn chế thất thoát trong quá trình bón phân vô cơ. Lượng phân chuồng được ủ hoai mục bón cho cây từ  40-50kg/cây/năm. Phân vô cơ cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây nhưng bón phải đáp ứng nhu cầu của cây theo từng giai đoạn mới đạt hiệu quả. Trong giai đoạn hiện nay, chưa đầy 4 tháng nữa là thu hoạch bưởi Tết, giai đoạn này trái phát triển kích thước rất nhanh nên cần đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng để trái lớn, chọn loại phân có hàm lượng kali cao như NPK 15-3-30 hoặc NPK 15-10-20. Khoảng 2 tháng trước thu hoạch, giai đoạn trái gần như đạt kích thước tối đa không còn lớn nữa, tăng cường Kali để tăng độ ngọt của trái. Có thể bổ sung phun phân bón lá hữu cơ. Ngoài ra, nông dân cũng lưu ý cần bảo vệ tốt cành lá vì đây là bộ phận rất quan trọng làm nhiệm vụ quang hợp tạo chất dinh dưỡng để nuôi trái. Nếu bộ lá còi cọc, phát triển kém thì không thể cho được trái bưởi ngon. Đặc biệt, trong dịp Tết, thị trường luôn chuộng những trái bưởi đẹp, có cành lá và điều này chỉ có thể có trên vườn bưởi đầy đủ sức khỏe.

 

Nứt trái do thiếu Canxi.

 

Ruồi đục trái tấn công vết nứt làm trái thối nhanh.

 

Các vườn bưởi trong tỉnh Bến Tre vừa trải qua đợt hạn mặn 2019-2020 kéo dài, cây mới phục hồi sau khi mưa xuống nhưng một số vườn hiện nay bị hiện tượng nứt trái làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Nứt trái do nhiều nguyên nhân, nông dân cần nhận biết triệu chứng nứt, xác định nguyên nhân, từ đó mới có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Thứ nhất: do mất cân đối dinh dưỡng, thiếu Canxi. Khi dinh dưỡng không đủ hoặc mất cân đối nhất là thiếu Canxi sẽ làm cho các tế bào vỏ trái nhanh già và chết đi, sự liên kết tế bào càng lõng lẽo. Trong khi đó phần thịt trái vẫn tiếp tục lớn, tạo áp lực lên vỏ trái gây ra hiện tượng nứt trái. Triệu chứng nhận biết là trái bị nứt từ dưới đít trái, lúc đầu chỉ là một vết nứt nhỏ dài khoảng 2 - 3 cm, sau đó vết nứt dài ra, trên vết nứt không có những đốm nâu vàng. Thịt trái bên trong bị khô, đôi khi tép thịt bị thối rữa (nếu có ruồi đục trái tấn công ngay vết nứt sẽ làm trái thối nhanh hơn). Trái có thể bị nứt khi đường kính trái khoảng 15-20 cm trở lên. Những vườn bị nhiễm mặn, rễ  kém phát triển, sức đề kháng của cây yếu, khả năng vận chuyển dinh dưỡng giảm sút từ đó gây mất cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu Canxi (mặc dù vườn đã được bón vôi) dẫn đến trái bị nứt, sau một thời gian trái bị rụng. Nứt trái thường xảy ra trên những trái mỏng vỏ. Nếu vườn trước đó bị nhiễm mặn nên tích cực rửa mặn, tăng cường bón phân hữu cơ để cây nhanh chóng hồi phục bộ rễ. Bón vôi cho cây với liều lượng từ 1,0 – 1,5 kg/cây. Giải pháp trước mắt, có thể phun các sản phẩm phân bón lá có chứa Canxi như CaSi, Star-CAB, Calcium-Boron Dynamic,… Thứ hai: nứt trái do vi khuẩn Xanthomonas  axonopodis pv.citri  gây hại. Vết bệnh lúc đầu nhỏ, sũng ướt, màu xanh tối, sau đó biến thành màu nâu nhạt, mọc nhô lên trên vỏ trái. Kích thước vết bệnh khoảng 1 cm, bệnh nặng vết nứt phát triển dài ra, chung quanh vết bệnh có quầng màu vàng nhạt, chảy nhựa vàng trong, bề mặt vết bệnh sần sùi, (vết nứt có thể ở bất cứ vị trí nào của trái nhưng thường dưới đít trái) cuối cùng trái vàng và rụng đi. Nứt trái do vi khuẩn gây hại có thể xảy ra khi trái còn nhỏ. Cành non cũng thường bị nhiễm nặng, các đốm sần sùi đóng dày đặc làm khô chết cành. Vi khuẩn có thể xâm nhiễm qua vết thương hay khí khổng ở các bộ phận của cây. Các vườn trồng dầy, thiếu chăm sóc, bón nhiều phân đạm là điều kiện tốt cho bệnh phát triển. Để phòng trừ bệnh do vi khuẩn gây nứt trái, trong vườn tăng cường thêm lượng phân Kali cho vườn cây bị bệnh; Cắt bỏ và tiêu huỷ các bộ phận bị bệnh để hạn chế mầm bệnh lây lan, tạo thông thoáng vườn cây; Phun ngừa bằng các loại thuốc gốc đồng hoặc khi bệnh chớm xuất hiện phun một trong các loại thuốc như New Kasuran 16,6 WP, Kasumin 2L, Starner 20 WP.

 

Bên cạnh, nhện là dịch hại ảnh hưởng không nhỏ đến vẻ đẹp lẫn chất lượng trái. Nhện gây hại từ khi trái mới tượng cho đến khi trái lớn nhưng tập trung mật số rất cao trên trái non. Chúng gây hại bằng cách cạp và chích hút dịch của vỏ trái, làm vỏ trái hơi bị sần sùi, màu xám bạc (nông dân còn gọi là da cám, da lu). Trái bị nhện gây hại không chỉ xấu vỏ bên ngoài mà kích thước trái cũng nhỏ và vỏ dầy hơn trái bình thường. Nhện thường sống tập trung ở phần cuống trái, đáy trái và trong các phần lõm của trái. Ngoài trái, nhện còn gây hại trên lá non, cành non. Để hạn chế mật số nhện gây hại, nông dân tránh bón thừa đạm; Sau thu hoạch nên tỉa bỏ những cành vượt, cành vô hiệu, cành sâu bệnh và dọn dẹp những dây leo hoang dại xung quanh vườn để tạo thông thoáng vườn cây; Khi nhện phát triển nhiều nên phun thuốc đặc trị như: NilMite 550SC, Nissorun 20EC, Sulox 80WP,... phun kỹ mặt dưới lá. 

 

Hiện tượng da lu do nhện gây hại.


Hiện tượng da cám do nhện gây hại.

 

Hiện nay trong mùa mưa bão liên tục, nông dân nên chú ý sự phát triển của bệnh vàng lá thối rễ nhất là trên các vườn bưởi thoát nước kém. Ngập úng là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây hại phát triển và tấn công rễ cây làm cây vàng lá, kém sinh trưởng và có thể chết cây. Thối rễ do nhiều loại nấm nhưng chủ yếu là nấm Fusarium sp. Nấm này luôn hiện diện trong đất nhưng không xâm nhập trực tiếp vào rễ. Nấm xâm nhập chủ yếu qua các mảng thối ở rễ non khi rễ bị oi nước trong một thời gian dài. Dễ dàng phát hiện bệnh khi thấy lá bị vàng cả phần gân lá và thịt lá, triệu chứng vàng lá có thể xuất hiện trên một vài nhánh hoặc cả cây. Triệu chứng bệnh thường xuất hiện đầu tiên trên những lá già, sau đó đến các lá non và lá dễ bị rụng khi có gió. Quan sát phần rễ sẽ thấy rễ bị hư, đặc biệt là rễ non bị thối và tuột vỏ, làm mất khả năng hút nước và dinh dưỡng của rễ. Tuy nhiên, cần chú ý bệnh không xuất hiện ngay mùa mưa, lúc đất bị oi nước, mà bệnh thường xuất hiện nghiêm trọng trong đầu mùa nắng vì từ khi bắt đầu xâm nhập cho đến khi triệu chứng bệnh thể hiện cần có thời gian ủ bệnh đến vài tháng. Nấm bệnh tồn tại trong đất qua một thời gian dài khi không có ký chủ và nguồn bệnh trong đất tăng dần qua nhiều năm. Vườn không bón vôi cho đất cũng là điều kiện giúp bệnh phát triển và gây hại nặng. Do đó, nếu nhà vườn biết tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh vật có lợi phát triển mạnh và gây bất lợi cho các sinh vật có hại sẽ giúp bảo vệ cây trồng một cách tốt nhất. Cần thiết vườn bưởi phải có hệ thống thoát nước tốt, tránh oi nước; Hàng năm có thể sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma kết hợp phân hữu cơ; Khi phát hiện triệu chứng bệnh, sử dụng nhóm thuốc có hoạt chất Metalaxyl (Mataxyl)  hoặc Mancozeb  + Metalaxyl  (Ridozeb 72WP, Mexyl MZ 72 WP) tưới quanh gốc 2- 3 lần mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.

 

Triệu chứng bệnh vàng lá thối rễ.

 

Nấm bồ hóng cũng góp phần làm giảm giá trị thương phẩm trái rất nhiều. Nấm bồ hóng có 2 loại: bồ hóng lớp và bồ hóng đốm. Bồ hóng lớp do nấm Capnodium citri gây ra. Bệnh tấn công trên bề mặt vỏ trái, phủ một lớp màu đen như đóng khói bếp bám. Nhiễm bệnh nặng, cả vỏ trái bị phủ một màu đen sẽ làm cho vỏ trái không còn bóng láng và giảm giá trị thương phẩm đáng kể. Bồ hóng đốm do nấm Meliola citri gây ra. Triệu chứng bệnh là những chấm tròn nhỏ màu đen, nhô cao trên mặt lá hoặc trên vỏ trái. Bệnh nặng, sẽ xuất hiện nhiều chấm đen dày đặc trên trái làm mất vẻ mỹ quan. Nấm bồ hóng thường chỉ xuất hiện ở các cây có nhiều rầy, rệp vì nấm phát triển trên chất thải của nhóm côn trùng chích hút. Cả hai loại nấm bồ hóng đều gây hại không chỉ trên trái mà còn trên lá, cành làm giảm khả năng quang hợp, trái phát triển kém. Bệnh thường chỉ bám trên bề mặt lá, cành, trái, không làm chết tế bào. Bệnh thường xuất hiện trên các vườn ít chăm sóc, ẩm độ cao, vườn trồng dày và những vườn sử dụng nhiều phân bón lá. Phòng trừ nấm bồ hóng trước hết cần tiêu diệt nhóm côn trùng chích hút; Tạo vườn cây thông thoáng; Phun thuốc gốc đồng (Norshield, Coc 85, Champion,…).

 

 

Nấm bồ hóng gây hại trên lá.

 

Nhu cầu thị trường hiện nay không chỉ đòi hỏi ngon mà trái bưởi phải đẹp và  bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì thế, để mang lại hiệu quả kinh tế, nông dân trồng bưởi nên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ưu tiên những giải pháp sinh học để ngày càng nâng cao năng suất và chất lượng trái bưởi đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số lưu ý khi chăm sóc bưởi da xanh trong mùa hạn mặn
• Quy trình kỹ thuật chăm sóc cây giống bưởi da xanh trong điều kiện hạn hán xâm nhập mặn
• Cải tiến thiết kế túi bao trái bằng vòng nhựa để phòng trừ sâu đục trái trên bưởi da xanh
• Làm thế nào để trái bưởi Da xanh được ngon, đẹp và an toàn
• Các nguyên nhân gây thối rễ cây bưởi – Giải pháp khắc phục
• Kỹ thuật bón phân cho Bưởi da xanh giai đoạn kinh doanh
• Cải tiến phương pháp tỉa cành tạo tán nhằm nâng cao năng suất và chât lượng bưởi Da xanh
• Bọ xít muỗi-dịch hại mới phát triển gây hại bưởi da xanh
• Biện pháp khắc phục triệu chứng thiếu trung vi lượng trên cây bưởi Da xanh
• Phòng trừ bọ trĩ gây hại bưởi Da xanh trong mùa nắng nóng
• Tiêu hủy nguồn sâu-biện pháp hiệu quả hạn chế sự lây lan của sâu đục trái bưởi
• Cách chọn bưởi ngon
• Cách bảo quản quả bưởi
• Công nghệ bảo quản bưởi bằng chitosan
• Kinh nghiệm trồng bưởi da xanh