Tình hình tạo lập, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển và giải pháp phát triển nhãn hiệu cộng đồng của tỉnh

Nhãn hiệu cộng đồng (NHCĐ) còn gọi là nhãn hiệu dùng chung, gồm: Chỉ dẫn địa lý (CDĐL), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) và nhãn hiệu tập thể (NHTT). Phát triển NHCĐ để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tạo dựng được một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh và hoàn thiện đó là một nhân tố không thể thiếu của hoạt động phát triển kinh tế dài hạn đối với cộng đồng dân cư trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Do vậy, phát triển NHCĐ trong chuỗi giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh là vấn đề cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

 

Tạo lập NHCĐ


Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng không đứng ngoài xu thế mở cửa và hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu đang diễn ra ngày một mạnh mẽ, đặc biệt khi chúng ta đã tham gia tổ chức ASEAN, AFTA (1995/1996) và trở thành thành viên chính thức của WTO (2006). Quá trình hội nhập NHCĐ trở nên vô cùng quan trọng và là một trong các nhân tố quyết định duy trì, mở rộng, phát triển thị trường trong và ngoài nước cho sản phẩm cộng đồng, nâng cao văn minh thương mại, góp phần chống cạnh tranh không lành mạnh. NHCĐ là linh hồn, tài sản quý giá của mỗi cộng đồng dân cư doanh nghiệp, niềm tự hào của dân tộc, biểu tượng của tiềm năng kinh tế trong nền kinh tế quốc dân. Sự phổ biến của NHCĐ là lợi thế trong kinh doanh, là bản sắc và lợi thế cạnh tranh của mỗi dân tộc, địa phương, cộng đồng dân cư. Vì lẽ đó, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã không ngừng tạo lập, công bố, khai thác, quản lý và phát triển NHCĐ đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

 

Để có được NHCĐ có dấu hiệu riêng biệt, dễ nhận biết, có tiếng trên thị trường, việc tạo lập ra nó là quá trình nghiên cứu, hội tụ và chắc lọc nhiều yếu tố cấu thành nhằm tạo dựng một hình ảnh về hàng hóa hoặc dịch vụ trong tâm trí, trong nhận thức của người tiêu dùng. Nhờ đó, tính đến nay, tỉnh Bến Tre đã được cấp chứng nhận 04 CDĐL, gồm CDĐL “Bến Tre” cho sản phẩm dừa uống nước Xiêm Xanh, bưởi Da Xanh và cua Biển (đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn ngày 05/11/2020), “Cái Mơn” cho sản phẩm Sầu riêng; 05 NHCN cho sản phẩm: bò Ba Tri, rượu Phú Lễ, heo Mỏ Cày Nam, xoài Tứ Quý Thạnh Phú và tôm Biển Bến Tre, 20 NHTT (Phụ lục I).

 

Quản lý NHCĐ


Song song quá trình tạo lập NHCĐ, Sở KH&CN đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành 03 văn bản hướng dẫn việc tổ chức quản lý, khai thác giá trị của NHCĐ trên thị trường, gồm: Quyết định Số 42/2018/QĐ-UBND ngày 19/10/2018 về việc Quy định về quản lý CDĐL thuộc tỉnh Bến Tre; Số 1359/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 ban hành Quy định về kiểm soát việc sử dụng CDĐL “Bến Tre”. Với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao Sở KH&CN đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-SKHCN ngày 23/10/2019 hướng dẫn thẩm định đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL thuộc tỉnh Bến Tre (sau đây gọi tắt là Quyết định). Theo đó, phạm vi của Quyết định này là hướng dẫn chuyên viên thống nhất thực hiện các thao tác trình tự công việc khi tiến hành thẩm định đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “Bến Tre”. Quyết định quy định cụ thể quy trình tiếp nhận và kiểm tra đơn, gồm 4 bước như sau: Bước 1 Tiếp nhận hồ sơ; Bước 2. Kiểm tra tài liệu; Bước 3. Lấy số đơn; Bước 4: Cập nhật vào sổ theo dõi đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý.

 

Công nhân đang thực hiện công đoạn phân loại, bao gói nhãn trong kho lạnh. 

 

Khai thác và sử dụng NHCĐ


Về thể chế, chính sách các văn bản hướng dẫn trên đây tuy chưa hoàn thiện, nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu sâu, rộng như hiện nay nhưng bước đầu đã làm cơ sở pháp lý trong quản lý, khai thác sử dụng và phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ của các NHCĐ tại địa phương. Nhờ đó, các NHCĐ đã được xét, cấp cho các tổ chức, cá nhân sử dụng một cách công khai, minh bạch. Đến thời điểm hiện tại, Sở KH&CN đã tiến hành quy trình tiếp nhận xét, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL Bến Tre cho 40 tổ chức và cá nhân thuộc khu vực địa lý trên địa bàn tỉnh (Phụ lục II); trong đó có 12 tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre và 15 tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm bưởi Da Xanh Bến Tre và 13 tổ chức, cá nhân sử dụng CDĐL Cái Mơn cho sản phẩm Sầu Riêng. Đối với các NHCĐ còn lại đều được các địa phương, các ngành, tổ chức đại diện chủ sở hữu xác lập quyền tổ chức cấp Giấy chứng nhận sử dụng NHCĐ đúng thẩm quyền và quyền thẩm quyền được trao.

 

Phát triển NHCĐ


Nhìn chung, các NHCĐ bước đầu đã được quản lý và khai thác thông qua việc cấp phát quyền sử dụng NHCĐ do một tổ chức đại diện chủ sở hữu làm chủ thể là chủ yếu, việc phát triển thương hiệu, giá trị thực và giá trị gia tăng của thương hiệu đối với NHCĐ trên thị trường chưa nhiều.

 

NHCĐ đang có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của tỉnh Bến Tre, đặc biệt là góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

 

Danh tiếng, giá trị của các sản phẩm đặc thù, sản phẩm nổi tiếng, sản phẩm chủ lực của địa phương, của cộng đồng dân cư đã được bảo vệ và bảo hộ theo khuôn khổ của pháp luật bằng NHCĐ.

 

Giá bán của các sản phẩm sau khi được bảo hộ đều có xu hướng tăng, cụ thể như: cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi, chuối ngự Đại Hoàng tăng 100-130%, bưởi Phúc Trạch tăng 10-15%, bưởi Luận Văn giá bán tăng lên 3,5 lần so với trước khi được bảo hộ ..., nhiều sản phẩm đã xuất khẩu có gắn NHCĐ: nước mắm Phú Quốc, vải thiều Thanh Hà, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn… Riêng ở Bến Tre, giá bán các sản phẩm có NHCĐ đã được công nhận có tăng thêm nhưng chưa rõ rệt và chưa được kiểm tra đối chứng.

 

NHCĐ là tiền đề và công cụ hữu hiệu giúp các địa phương hình thành, duy trì được các tổ chức tập thể như Hội/Hiệp hội, thúc đẩy sự phát triển các Tổ liên kết, hợp tác, hợp tác xã (HTX), kết nối vào các chương trình lớn của Nhà nước như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đồng thời góp phần cố kết mối liên kết hữu cơ giữa các chủ thể như HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình tổ chức sản xuất, thương mại sản phẩm trên thị trường theo chuỗi giá trị, điển hình là HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh, huyện Ba Tri.

 

Đặc biệt, khi sản phẩm nông sản được công nhận là CDĐL là đã bước một bước vào thị trường EU đã được các bên cam kết tại TIỂU MỤC 3: CHỈ DẪN ĐỊA LÝ, ĐIỀU 12.23: Phạm vi áp dụng của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu gọi tắt EVFTA quy định:

 

1. Tiểu Mục này áp dụng cho việc công nhận và bảo hộ các CDĐL dùng cho rượu vang, rượu mạnh, sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm có nguồn gốc từ lãnh thổ các Bên.


2. CDĐL của một Bên được bảo hộ bởi Bên kia, chỉ được coi là đối tượng của Tiểu Mục này nếu được bảo hộ dưới danh nghĩa CDĐL theo hệ thống được đề cập tại Điều 12.24 (Hệ thống đăng ký và bảo hộ CDĐL) tại lãnh thổ Bên xuất xứ".

 

Vạn Thọ làng hoa kiểng Cái Mơn.


Giải pháp phát triển NHCĐ


Sở KH&CN trình UBND tỉnh phê duyệt chương trình KH&CN về phát triển sở hữu trí tuệ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 – 2025 cho các đối tượng bảo hộ là nhãn hiệu thông thường, NHCĐ, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế,…; trong đó: mỗi khâu, công đoạn của quá trình phát triển NHCĐ là một dự án KH&CN riêng biệt nhằm phát huy giá trị đích thực của thương hiệu trên thương trường; chú trọng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài; đồng thời phối kết hợp với Sở KH&CN, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh thành trong nước kiểm soát tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đã được công nhận NHCĐ của Bến Tre.

 

Sở KH&CN sẽ trình và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 từ nguồn sự nghiệp KH&CN.

 

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các tổ chức có liên quan phân bổ nguồn tài chính sự nghiệp ngành như Nông nghiệp, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, Liên minh các HTX, Hội nông dân, Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, Hiệp hội dừa,… kể cả các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án AMD dành một phần kinh phí thỏa đáng thực hiện nhiệm vụ phát triển NHCĐ dưới dạng dự án KH&CN.

 

Trong năm 2021, Sở KH&CN trình cấp có thẩm quyền thành lập đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra chuyên đề quản lý, khai thác và phát triển NHCĐ.

 

Sở KH&CN tiếp tục xây dựng mô hình quản lý và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: áp dụng và triển khai nhân rộng cho các chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh đã được thí điểm thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc với xây dựng mã vùng trồng, kết nối dữ liệu trên toàn bộ chuỗi cung ứng, cung cấp thông tin về truy xuất nguồn gốc cho khách hàng, đối tác, cơ quan chức năng khi cần thiết;

 

Xây dựng website sàn giao dịch thương mại điện tử “Đặc sản Bến Tre” và bộ công cụ quảng bá thương hiệu trực tuyến sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre là nơi thông tin và giới thiệu nông sản của tỉnh, đồng thời thông qua sàn giao dịch hỗ trợ giao thương và kết nối giữa cơ sở sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ;

 

Hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, ghi nhãn hàng hóa và đăng ký mã số mã vạch theo yêu cầu;

 

Triển khai mô hình quản lý, khai thác và phát triển NHCĐ của địa phương đã được công nhận; đặc biệt là xây dựng bộ tiêu chí nhận diện các NHCĐ.

 

Tranh thủ các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển giao, tiếp nhận công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thị trường.

 

Ngoài ra, theo ý kiến của tiến sĩ Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre một trong các giải pháp hiện nay cần triển khai thực hiện là tiến hành thành lập Trung tâm Thương hiệu – tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng tỉnh Bến Tre, khi đó Bến Tre sẽ trở thành tỉnh thành đầu tiên trong cả nước có Trung tâm Thương hiệu thuộc ngành Khoa học và Công nghệ.

 

PHỤ LỤC I: Danh sách NHCĐ đã được công nhận trên địa bàn tỉnh Bến Tre.


PHỤ LỤC II: Danh sách các tổ chức, cá nhân đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL


 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc