Kỹ thuật trồng na Thái đạt năng suất và chất lượng

Na Thái còn có tên là Na “Hoàng hậu” thuộc giống mãng cầu dai, có nguồn gốc từ Thái Lan, thuộc họ Na,  ưu điểm trái lớn từ 0,5 đến 1kg/trái, ít hạt, vỏ mỏng, hương vị thơm ngọt đậm và mẫu mã đẹp nên được thị trường rất ưa chuộng, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán. Cây trồng từ 16-18 tháng tuổi đã bắt đầu cho trái, nếu chăm sóc tốt cây có thể ra hoa, ra trái quanh năm. Đây là loại cây trồng ít kén đất, có tính thích nghi tốt, chịu được hạn nhưng không chịu úng. Tuy nhiên, khi trồng cần chú ý kỹ thuật canh tác, chăm sóc tốt cây mới cho năng suất cao và chất lượng tốt.

 

Trước tiên, mật độ trồng không được dày quá, khoảng 3 x 4m là vừa, trồng so le nanh sấu, không trồng sâu gây nghẹt rễ, cây sinh trưởng kém. Trước khi đặt cây, bón lót mỗi hố 20-30 kg phân chuồng hoai (hoặc 0,5 kg phân hữu cơ công nghiệp), 0,2kg super lân. Khi cây ra rễ có thể bắt đầu tưới phân hóa học. Từ 1 đến 3 năm đầu nên tạo tán cho cây, tạo điều kiện cho tán cây phân bố đều các hướng. Khi cây bắt đầu cho trái, tùy theo tình hình sức khỏe của cây, loại đất đai, có thể bón phân NPK (loại phân tùy vào mỗi giai đoạn trái) từ 0,1 đến 0,2kg/gốc, đồng thời tăng cường lượng phân hữu cơ hoai mục 10-20kg/gốc.

 

Na Thái.

 

Cây  Na có đặc điểm rụng lá trong mùa khô sau đó có mưa hoặc tưới nước, cây sẽ đâm ra chồi lá mới và trên cành mang theo hoa. Tuy nhiên nếu mưa nhiều cây chỉ ra tàn lá xum xuê nhưng không có hoa. Do đó nên xử lý ra hoa để cây ra hoa và đậu trái nhiều (đây là khâu quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất). Việc xử lý ra hoa bằng cách tỉa cành và tuốt lá. Sau khi thấy lá già dòn, nên tiến hành tuốt lá già và cắt bớt các cành ngọn (tiếp giáp giữa cành non với cành bánh tẽ) nhằm kích thích chồi mầm phát triển mạnh, thuận lợi cho việc mang hoa và trái sau này. Song song với việc tuốt lá, cắt cành nên cách tỉa bỏ bớt cành già cỗi, cành sâu bệnh, cành khô, cành vô hiệu tạo thông thoáng cho cây quang hợp tốt. Cần chú ý, trước khi tuốt lá khoảng một tháng, bón loại phân có hàm lượng lân cao (NPK 15 -30- 15, 7-17-12, DAP…) có thể phun thêm phân MKP (0 -52-34)  nhằm ức chế chồi mầm, giúp lá già đồng loạt, thúc đẩy mạnh quá trình phân hoá mầm hoa.  Khoảng một tuần sau khi cắt, ở mỗi cành sẽ nhú lên nhiều chồi, nên tỉa bớt, chỉ chừa mỗi cành khoảng 4-6 chồi.

 

Trong thời gian mang trái cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nuôi trái nhất là phân đạm (NPK 20-10-10 hoặc 16-16-8), khoảng một tháng trước thu hoạch nên tăng cường bón phân giàu kali (NPK 15-3-30 hoặc 15-5-25) để cho trái có màu sáng và chất lượng ngọt đậm. Đặc điểm của Na Thái trái to, đầy đặn, ít bị lép hơn giống Na địa phương nhưng muốn tỷ lệ trái được no tròn nhiều thì nên thụ phấn bổ sung, đây là biện pháp tối ưu giúp trái sai và trái phát triển đều đặn. Khi thụ phấn chọn những hoa nở có màu trắng xanh, không lấy hoa có màu trắng đục nở hết cỡ. Nên chọn bông ở chót cành, bông có cuống nhỏ, mọc trên các cành nhỏ không đủ sức nuôi trái. Nên cắt các bông này vào buổi chiều, cắt xong được đựng vào hộp, dưới có lót giấy trắng để hứng phấn bông, xong đấy nắp lại để nơi thoáng mát, để phấn sống tốt. Một bông lấy phấn có thể thụ đủ cho 4-6 bông. Sáng sớm hôm sau, bao phấn đã nứt, mở hộp ra, dùng kẹp nhỏ gắp bỏ các cánh bông, cuống bông. Dùng một que nhỏ, đầu có quấn bông gòn chà nhẹ lên các tiểu nhị để hạt phấn rơi ra (bông gòn không nên quấn quá chặt dễ làm hư hạt phấn). Sau đó loại các tiểu nhị để lấy các hạt phấn. Phấn thu được phải có màu kem, nếu màu nâu nhạt hay màu đen là phấn hư không dùng được. Chọn bông để thụ phấn nên chọn các bông có cuống to, mọc ở các cành to khỏe, đủ sức nuôi trái tốt và các bông đã nở, nướm tiết nhiều mật. Dùng một tay để giữ bông (kẹp cuống bông vào giữa ngón trỏ và ngón giữa, dùng ngón cái để giữ cánh bông). Tay còn lại dùng que có quấn bông gòn, chấm vào phấn hoa trong hộp xong xoay tròn nhẹ lên đầu nướm nhụy cái, làm 3 lần là đã thụ phấn xong cho bông. Thời gian thụ phấn tốt nhất là 8-9 giờ sáng.

 

 

Triệu chứng bệnh thán thư trên lá.

 

Triệu chứng bệnh thán thư trên trái.

 

Mặc dù ít sâu bệnh nhưng bệnh thán thư rất phổ biến và nguy hiểm nhất ảnh hưởng lớn đến năng suất cây Na Thái. Bệnh do nấm Colletotrichum sp. gây ra. Bệnh gây hại trên đọt non, lá, hoa và trái. Triệu chứng xuất hiện trên lá có những đốm tròn màu vàng nâu, lá bệnh sớm rụng, cây xơ xác, ảnh hưởng đến sự quang hợp của lá. Bệnh gây hại trên hoa làm hoa bị khô đen và nguy hiểm hơn hết là bệnh phá hại trái, vết bệnh lúc đầu là những đốm vàng nâu trên vỏ trái, sau đó vết bệnh lan rộng ra, bên trong thịt trái bị hư. Bệnh nặng, cả trái bị đen. Để phòng trừ bệnh thán thư nên tạo thông thoáng vườn cây, khi phát hiện bệnh sử dụng nhóm thuốc có hoạt chất Propineb (Antracol 70WP)  hoặc Azoxystrobin (Amistar 250SC),…

 

Triệu chứng sâu đục trái gây hại.

 

Vào giai đoạn mang trái, sâu đục trái và ruồi đục trái là hai loài côn trùng thường gây hại trên mãng cầu. Sâu đục trái  phổ biến trên mãng cầu ta là loài Anonaepestis Bengalella Ragonot thuộc họ Pyralidae, bộ Lepidoptera. Sâu có thể tấn công gần hết số trái trên cây. Trưởng thành sâu đục trái là một loài bướm màu nâu xám. Ấu trùng màu đen, dài khoảng 20-22mm. Bướm đẻ trứng trên các vết nứt của trái ngay khi trái còn rất nhỏ. Ấu trùng mới nở khi trái còn xanh, cạp trên vỏ trái và đục thành đường hầm phía trong vỏ. Khi sâu lớn và trái đã già, sâu đục vào bên trong phần thịt trái, đôi khi ăn cả hạt. Nông dân rất dễ nhận biết vì những trái bị sâu tấn công, thường có nhiều phân màu đen, kết dính lại, chúng làm nhộng trong một cái kén bằng tơ ngay bên ngoài trái. Sâu có thể phá hại một phần hoặc cả trái. Trên một trái có thể có nhiều con sâu tấn công. Sâu đục trái phá hại khi trái còn nhỏ đến trái lớn.

 

Ấu trùng ruồi đục trái.

 

Quản lý sâu đục trái và ruồi đục trái nên áp dụng biện pháp bao trái.

 

Riêng ruồi đục trái tấn công giai đoạn trái già sắp chín là chủ yếu, đây là loài đa ký chủ nên rất khó quản lý. Ruồi đẻ trứng bên trong trái, ấu trùng dạng dòi nở ra ăn phần thịt trái làm trái bị thối hư, tốc độ phá hại rất nhanh. Quản lý sâu đục trái và ruồi đục trái  nên áp dụng biện pháp bao trái (bao trái khi trái còn nhỏ khoảng bằng trái chanh) rất hiệu quả, ít ảnh hưởng môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Một số điểm đặc trưng trong quá trình sinh trưởng, phát triển cây mít ruột đỏ lá bầu
• Tỉa cành, tạo tán đối với cây ăn trái có thật sự cần thiết?
• Trồng ớt trong mùa mưa – những điều cần lưu ý để đạt năng suất và chất lượng
• Những vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc vườn cây ăn trái đầu mùa mưa
• Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn
• Phòng trừ sâu bệnh hại xoài trong mùa nắng
• Một số vấn đề cần lưu ý để có vườn đu đủ năng suất cao
• Lưu ý sâu bệnh gây hại cây bòn bon Thái vào đầu mùa mưa
• Một số giải pháp canh tác cây có múi trong điều kiện hạn mặn
• Một số ghi nhận từ việc xử lý ra hoa bòn bon
• Kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát và phòng trừ một số sâu hại trên mãng cầu xiêm
• Một số sâu hại phổ biến trên cây Sapô trong mùa nắng nóng
• Chăm sóc vườn cây có múi trong mùa mưa lũ
• Quản lý một số bệnh thường gặp trên đu đủ
• Phòng trừ rầy phấn trắng và bọ xít muỗi gây hại trên cây ổi