Thành công từ làm khô một nắng

Có nhiều thâm niên trong việc nuôi tôm nhưng thời gian sau kém hiệu quả do nguồn nước bị ô nhiễm. Vợ chồng chị Lượng Thị Chung và anh Võ Ngọc Bé cùng 48 tuổi ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã chuyển sang nuôi cá bông lau xen cá rô phi với diện tích 7.000m².

 

Vào năm 2017, sau thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm cộng với sáng kiến của riêng mình, vợ chồng anh chị quyết định làm khô một nắng từ nguồn nguyên liệu có sẵn. Sau đó, anh còn thu mua cá từ các thương lái, ngư dân đánh bắt làm nguyên liệu, từ cơ sở sản xuất nhỏ nay vợ chồng anh Bé và chị Chung đã thành lập công ty và sản xuất nhiều loại khô một nắng được thị trường ưa chuộng, anh Bé chia sẻ: “Công ty chúng tôi làm nhiều loại khô một nắng như: lù đù, cá lưỡi trâu, cá bông lau và chủ lực là cá rô phi,…”.

 

Chị Chung và anh Bé cùng công nhân đang phơi khô.

 

Từ vốn công ty bỏ ra gần 1,8 tỷ đồng cộng với số tiền gần 1,5 tỷ đồng do Dự án AMD Bến Tre đã hỗ trợ; công ty đã đầu tư, mở rộng sản xuất với nhiều trang thiết bị mới như: kho lạnh, máy hút chân không, dụng cụ sơ chế, nhà xưởng,… Đồng thời, liên kết tạo vùng nguyên liệu ổn định tại xã Thạnh Phong, An Điền và Mỹ An có 150 hộ hưởng lợi; trong đó có không ít hộ nghèo và cận nghèo.

 

Qua đây, công ty còn góp phần giải quyết việc làm cho cả chục lao động tại địa phương tham gia sơ chế, chế biến các loại khô tại công ty. Chị Chung cho biết: “Làm ở đây có trên 20 người; trong đó có khoảng 10 nữ và 6 hộ nghèo, bình quân mỗi người làm có thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng, hàng nhiều thì chị tăng thêm người, hàng ít thì bớt lại”.

 

Chị Võ Ngọc Hân, 30 tuổi ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong làm ở công ty được 02 năm, thu nhập 4,5 triệu đồng/ tháng, có việc làm ổn định gần nhà chị Hân rất vui chia sẻ: “Lúc xưa đi làm ở thành phố hồ chí minh xa xôi mà tốn nhiều chi phí sinh hoạt, nay làm ở công ty phát huy được gần nhà mà thu nhập cũng ổn”.

 

Đây là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trong hội viên phụ nữ, được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, tỉnh đánh giá cao; nói về mô hình này, bà Võ Thị Thơ – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cho biết: “Công ty Phát Huy ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong của chị Lượng Thị Chung đã khởi nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị có nhiều ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương, đó là sản phẩm cá tươi từ thiên nhiên, chế biến thành cá khô một nắng đáp ứng được nhu cầu cho người tiêu dùng, tạo việc làm cho nhiều chị em lao động tại chỗ để có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững”.

 

Công ty đã ký hợp đồng cung cấp khô ổn định cho Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và còn cung cấp khô ở trong tỉnh Bến Tre, Tây Ninh, Bình Dương,…

 

Khô cá bông lau và khô cá rô phi một nắng của công ty đã được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCop 3 sao, giúp cho nhiều nơi biết đến và thị trường được rộng mở hơn. Hiện nay, công ty tích cực tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là có thể đưa sản phẩm vào siêu thị và xa hơn là xuất khẩu đồng thời nghiên cứu sản xuất các loại khô mới nhằm đa dạng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

 

Trước đây, có thời điểm công ty sản xuất, thu mua, chế biến hơn 500 tấn cá/năm. Tuy nhiên, năm 2020 do dịch bệnh Covid – 19 nên số lượng đã giảm so với trước. Hiệu quả có được từ chương trình khởi nghiệp, chị đã tham gia và là thành viên Câu lạc bộ doanh nhân nữ tỉnh Bến Tre lần thứ nhất và nhận giải thưởng Phụ nữ Đồng khởi năm 2019.

 

Tết đến là thời điểm công ty của chị Chung và anh Bé khá tất bật để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, bước sang năm mới xin chúc cho dự định của anh chị thực hiện đạt được kết quả mỹ mãn, việc kinh doanh của công ty ngày thuận lợi và phát triển.

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi