Nuôi tôm càng xanh - lúa thích ứng với biến đổi khí hậu và một số giải pháp phát triển trong tương lai

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân mà nặng nề nhất là vùng Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL). Nhiều diện tích đất nông nghiệp bị nước biển xâm nhập, không còn thích hợp với việc trồng lúa nên phải chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL của Bộ Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn, vào năm 2030, diện tích trồng lúa sẽ giảm và diện tích nuôi trồng thủy sản tăng thêm 90.000 héc ta so với năm 2010 và đạt mức 558.000 héc ta. Thu nhập từ nuôi trồng thủy sản tăng lên 2 đến 3 lần so với chỉ trồng lúa như trước đây.

 

Ruộng lúa nuôi tôm càng xanh toàn đực ở Bến Tre.

 

Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, ĐBSCL phải sản xuất ổn định mỗi năm 24 triệu tấn lúa nên việc chuyển đổi đất trồng lúa cần được quy hoạch sao cho phù hợp: diện tích chuyển đổi nằm trong con số cho phép cũng như chỉ chọn chuyển đổi những vùng trồng lúa kém hiệu quả, bấp bênh.

 

Để đạt được mục tiêu kép vừa ứng phó với biến đổi khí hậu; vừa đảm bảo an ninh lương thực; đồng thời tăng thu nhập qua việc gia tăng giá trị sản phẩm và gắn với tiêu thụ, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đã xây dựng mô hình ”Nuôi tôm càng xanh toàn đực thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Với mô hình này, trên cùng một diện tích đất, vừa sản xuất lúa vừa nuôi tôm càng xanh toàn đực, tạo sản phẩm có thương hiệu sạch giá cao và có liên kết tiêu thụ.

 

Trong năm 2020, mô hình thực hiện ở 5 tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng, có quy mô 38 hec ta và 35 hộ tham gia. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre là cơ quan chủ trì phụ trách việc lập kế hoạch triển khai; cung cấp giống, vật tư; kiểm tra, giám sát và tổng kết, báo cáo cơ quan quản lý theo quy định. Các bước thực hiện mô hình đã được triển khai tuần tự theo đúng quy định.

 

Chọn điểm thực hiện mô hình nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm-lúa của địa phương, giao thông thuận tiện. Các hộ tham gia mô hình phải có đủ điều kiện thực hiện như: có đất sản xuất, chịu khó học hỏi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới sẽ được ký hợp đồng thực hiện mô hình qua xác nhận của chính quyền địa phương.

 

Tổ chức mua giống tôm càng xanh toàn đực và thức ăn theo đúng quy định của Luật đấu thầu. Và cấp phát trực tiếp cho hộ dân tham gia mô hình dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, đơn vị tham gia thực hiện mô hình, chủ nhiệm dự án và cơ quan chủ trì dự án. Số lượng giống tôm càng xanh toàn đực đã cấp phát: 990.000 con có kích cỡ ≥ 13mm, đồng đều, con giống khỏe mạnh,  có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được sản xuất từ các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín. Tổng lượng thức ăn công nghiệp: 28.606 kg, có độ đạm ≥ 25% phù hợp theo các giai đoạn phát triển của tôm, còn hạn sử dụng, có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

 

 

Kiểm tra mô hình tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

 

Nhóm cán bộ kỹ thuật thực hiện mô hình đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho hàng trăm đại biểu với các nội dung chính: đặc điểm sinh học tôm càng xanh toàn đực và giới thiệu các giống lúa chịu mặn - phèn; lợi ích của hình thức xen canh tôm càng xanh-lúa; kỹ thuật chuẩn bị ao-ruộng; kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tổ chức hội thảo kết nối thị trường, liên kết và kêu gọi các nhà thu mua hợp tác tiêu thụ sản phẩm lâu dài cho nông dân.

 

Qua 6 tháng triển khai, mô hình đạt hầu hết các mục tiêu đề ra:

 

- Tôm càng xanh: tỷ lệ sống ≥ 60%, kích cỡ tôm thu hoạch:  ≥ 30 g/con với năng suất ≥ 480 kg/ha.

 

- Lúa đạt năng suất ≥ 4 tấn/ha.

 

Qua các cuộc hội thảo, đánh giá của nhóm cán bộ kỹ thuật và người dân thực hiện mô hình đã đề xuất một số yêu cầu kỹ thuật cần tuân thủ:

 

1. Cải tiến và thiết kế lại ruộng nuôi:


Diện tích ruộng từ 1 – 1.5 ha. Tỉ lệ thích hợp thường là 70-80% diện tích trồng lúa, 20-30% diện tích nuôi tôm. Mương bao quanh rộng 2 - 5m, sâu 1,2 - 1,4m so với mặt ruộng, đáy mương bằng phẳng dốc về phía cống thoát.

 

Bờ bao chắc chắn, bề rộng mặt bờ 1-2m, mặt ruộng tương đối bằng phẳng, mức nước trên ruộng tối thiểu đạt 0,6m để hạn chế tối đa tảo đáy và rong phát triển.

 

2. Thiết kế thêm mương trên các vùng trảng trồng lúa:


Nhằm mục đích tăng thêm diện tích trú ẩn cho tôm khi thời tiết thay đổi và đặc biệt giúp độ phèn của đất thoát nhanh hơn, tạo điều kiện môi trường nuôi ổn định, lúa phát triển tốt hơn.

 

3. Phải có ao ương hoặc khu ương tôm


Ruộng nuôi nên có khu ương hoặc ao ương tôm để tận dụng thời gian. Thông thường sau khi ương 30-45 ngày, tôm đạt kích cỡ 2.5 – 3cm thì tiến hành thu hoạch và chuyển sang nuôi thương phẩm.

 

Khu ương, ao ương có diện tích khoảng 10% diện tích ruộng nuôi và được rào lưới xung quanh để chống địch hại.

 

4. Cải tạo ao ương, ruộng nuôi và xử lý nước:    

  

Ao ương và ruộng nuôi phải được sên bùn kỹ, rãi vôi CaO liều lượng 07- 10 kg/100 m2 và phơi đáy ao đến khi nứt chân chim. Lấy nước vào ao qua túi lọc đến khi đạt mức nước theo yêu cầu.

 

Để lắng 2 - 3 ngày cho trứng cá tép nở hết và lắng bớt các chất hữu cơ. Sau đó diệt tạp bằng Saponin liều lượng 8 - 10 kg/1.000 m3 nước trước khi thả giống.

 

Diệt khuẩn nguồn nước bắng BKC hoặc Iodine liều lượng tùy theo nhà sản xuất. Sau 2 ngày dùng chế phẩm sinh học xử lý nước để cung cấp vi sinh có lợi, ổn định chất lượng nước ao ương, nuôi. Gây màu nước bằng chế phẩm sinh học để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm Post, kiểm tra các yếu tố môi trường trong khoảng thích hợp thì tiến hành thả giống.

 

5. Mùa vụ nuôi và mật độ thả:


Theo kinh nghiệm, mùa vụ nuôi tôm trong thời gian từ nước mặn chuyển dần sang môi trường nước ngọt là tốt nhất, dựa theo đặc điểm sinh học của tôm càng xanh trong thời gian tôm con thì phát triển tốt ở môi trường nước lợ và khi lớn lên có khuynh hướng sống ở môi trường nước ngọt. Khi nuôi đảm bảo độ mặn không quá 10 phần ngàn. Thông thường mùa vụ thả nuôi từ tháng 4 đến tháng 5 (dương lịch). Mật độ thả nuôi từ 02 - 05 con/m2.

 

6. Chọn giống:


Chọn giống tôm càng xanh toàn đực được sản xuất từ cơ sở có uy tín, con giống khỏe mạnh, hoạt động nhanh nhẹn, không nhiễm bệnh, có kích cỡ đồng đều và phải được thuần độ mặn phù hợp trước khi thả nuôi.

 

7. Chăm sóc và quản lý tôm nuôi: Sử dụng thức ăn viên (độ đạm ≥ 25 %) và bổ sung thêm thức ăn tươi sống. Cần lựa chọn thức ăn có độ đạm và kích cở phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm nuôi. Cho ăn 02 lần/ngày.

 

Thường xuyên bổ sung Khoáng, vitamin C và men tiêu hóa vào thức ăn giúp tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

 

Định kỳ thay nước ao nuôi, thông thường thay nước 2 lần/tháng, mỗi lần thay nước 30% lượng nước trong ao, khi nước ao bị ô nhiễm có thể thay 3 – 5 ngày/lần.

 

Tôm càng xanh toàn đực là đối tượng thủy sản nuôi có hiệu quả rất phù hợp cho vùng bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tuy nhiên để trở thành một trong những đối tượng nuôi chủ lực, đề xuất thực hiện đồng bộ một số giải pháp phát triển trong tương lai, cụ thể:

 

- Giải pháp về con giống: Công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực hiện đã ổn định, tỷ lệ tôm đực và tốc độ tăng trưởng khá cao đáp ứng yêu cầu của người nuôi hiện nay. Tuy vậy, về lâu dài cần tập trung nghiên cứu nâng cao chất lượng con giống hơn nữa thông qua chọn lọc, lai tạo và gia hóa đàn tôm bố mẹ. Đồng thời quy hoạch xây dựng hệ thống trại giống nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu con giống ở địa phương.

 

- Giải pháp về thức ăn: Hiện nay, thức ăn công nghiệp dành cho tôm càng xanh còn rất hạn chế, người nuôi chủ yếu sử dụng thức ăn viên dành cho tôm nước lợ. Vì vậy, cần sớm tập trung nghiên cứu hoàn thiện công thức dinh dưỡng và thương mại hóa sản phẩm thức ăn dành riêng cho tôm càng xanh.

 

- Giải pháp về thị trường: Có lẽ đây sẽ là thách thức lớn cho người nuôi khi mở rộng sản xuất. Trong vài năm gần đây, giá tôm thương phẩm không ngừng giảm giá và có những thời điểm nhất định đã xuất hiện dấu hiệu cung vượt cầu nên trong thời gian tới cần có kế hoạch chế biến cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu tôm càng xanh.

 

- Giải pháp về thông tin: Giúp người dân có được nhận thức đầy đủ về ý nghĩa về mặt xã hội và môi trường khi phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng tôm lúa. Việc nuôi xen hoặc luân canh tôm càng xanh trên vùng tôm lúa sẽ góp phần hạn chế tình trạng nuôi tôm trái vụ, cắt đứt mầm bệnh từ vụ nuôi trước, cải thiện môi trường. Đặc biệt khi kết hợp xen canh với sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sẽ tạo nên một hình ảnh hết sức sinh động về một phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường và tạo ra sản phẩm sạch có chất lượng cao, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm của địa phương.

 

- Giải pháp về quy hoạch: Với hình thức nuôi nhỏ lẻ, thiếu tập trung như hiện nay, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với mạng lưới cung cấp dịch vụ cũng như liên kết hỗ trợ trong sản xuất và tiêu thụ. Ngược lại, hệ thống dịch vụ hậu cần phục vụ cho nghề nuôi cũng sẽ gặp khó khăn và thiếu động lực để phát triển. Vì vậy rất cần sự hỗ trợ của nhà nước để quy hoạch thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô đủ lớn, đủ sức thu hút sự chú ý của người dân cũng như các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư.

 

- Giải pháp về chính sách: Nhà nước xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên lĩnh vực sản xuất giống, bảo quản chế biến các sản phẩm tôm càng xanh. Có hỗ trợ hợp lý cho người dân trong bước đầu chuyển đổi sang phương thức canh tác mới. Đầu tư cơ sở hạ tầng: điện, đường ở vùng nuôi trọng điểm. Quản lý và kiểm soát có hiệu quả hơn nữa chất lượng và giá cả con giống, thức ăn, thuốc – hóa chất.   

 

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tiêu thụ sản phẩm đã được người dân và chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ và đề xuất tiếp tục nhân rộng. Mô hình giúp tăng thu nhập, gia tăng hiệu quả kinh tế cho người dân trồng lúa vùng ĐBSCL, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định kinh tế, ổn định xã hội chính là mục tiêu cuối cùng mà mọi người cùng quan tâm.

  (tổng hợp)

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi