Khoa học và công nghệ với các sản phẩm OCOP Bến Tre

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nổi tiếng, đặc thù, đặc hữu và có lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, để phát triển các chuỗi giá trị nông sản, nâng cao chất lượng, mẫu mã, tạo lập và xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ, khoa học và công nghệ (KH-CN) có vai trò quan trọng. Để phát huy vai trò này, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 – 2020 định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 2882/QĐ-UBND ngày 28/12/2018.

 

Nâng tầm sản phẩm Bến Tre


Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, toàn tỉnh có từ 20-30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên và tính đến ngày 31/12/2020, Bến Tre có 86 sản phẩm với 38 chủ thể được đáng giá xếp hạng từ 3 sao trở lên, trong đó; có 9 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 37 sản phẩm 4 sao và 40 sản phẩm 3 sao vượt gần gấp 3 lần so với mục tiêu đã đề ra.

 

Đối tượng là các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Từ nay đến 2020, tập trung vào 6 nhóm/ngành hàng: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm – nội thất – trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, nhóm sản phẩm nông nghiệp, truyền thống khác. Chủ thể thực hiện là tất cả chủ thể sản xuất sản phẩm của địa phương, tập trung vào chủ thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.

 

Một số trong các tiêu chí sản phẩm OCOP liên quan trực tiếp đến ngành KH&CN như công bố chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm, phiếu kết quả kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn công bố, mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, kiểm soát chất lượng, kế hoạch kiểm soát chất lượng, ghi hồ sơ lô sản xuất,...

 

Chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình OCOP của tỉnh Bến Tre. Yếu tố này không chỉ thể hiện ở bản thân chất lượng của hàng hóa được kết tinh từ khâu nguyên liệu sản xuất sạch, thân thiện môi trường đến công nghệ chế biến và bảo quản hiện đại với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng, chặt chẽ đã được giám định kỹ lưỡng; còn là sự thể hiện ở nghệ thuật mô tả cách điệu của bao bì, nhãn mác, an toàn tuyệt đối trong bao gói thật bắt mắt, hấp dẫn và thuận tiện sử dụng, bảo quản nhất cho người tiêu dùng.

 

Điển hình 28 sản phẩm của 12 chủ thể được đánh giá và công nhận đợt 2 năm 2020, gồm: 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao (kẹo sữa dừa nguyên chất Yến Hoàng và bánh hoa dừa Tiến Đạt của Công ty TNHH Vĩnh Tiến; nước cốt dừa - Delta Coco (Coconut milk - Delta Coco), Nước cốt dừa đậm đặc - Delta Coco (Coconut cream - Delta Coco), Creamer dừa béo đặc- Delta Coco (Sweetened Condensed Coconut Milk) của Công ty cổ phần đầu tư dừa Bến Tre; sầu riêng của Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu), 7 sản phẩm 4 sao (kẹo dừa vị sầu riêng Yến Hoàng, kẹo dừa vị lá dứa Hoàng Yến của Công ty TNHH Vĩnh Tiến; xoài sấy dẻo và chuối sấy khô của Công  ty TNHH Chế biến thực phẩm nông sản TM Thiên Tân Phát; chôm chôm và nhãn của Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu; bưởi da xanh của HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm) và 17 sản phẩm đạt 3 sao (bưởi da xanh của HTX Nông nghiệp Bình Khánh Đông và HTX Nông nghiệp Minh Đức; bánh trung thu nhân thập cẩm Liên Thành của Hộ kinh doanh Lê Văn Năng; đu đủ sấy (khô) Thiên Tân Phát, đu đủ sấy dẻo, xoài sấy (khô) Thiên Tân Phát; nấm bào ngư sấy khô của Công  ty TNHH Chế biến thực phẩm nông sản TM Thiên Tân Phát; coco Miracle Body Scrub Soap (xà Bông tẩy tế bào chết), coco Miracle Soap to Go (xà bông lá mang đi), ultra Nourishine Hair Oil Therapy Silky Shine (dầu ủ trước gội) của Công ty cổ phần Phát triển thực phẩm Mỹ phẩm VFARM; chuối sấy dẻo của Hộ kinh doanh Trường Ân; kẹo dừa gạo lức Hồng Vân, kẹo bánh tráng dừa dứa non Hồng Vân, kẹo dừa nướng trái cây sấy giòn Hồng Vân của Hộ kinh doanh kẹo dừa Hồng Vân; khô cá bông lau một nắng của Công ty TNHH chế biến thủy sản Phát Huy). Tất cả các cơ sở đều ứng dụng thành công KH&CN vào hoạt động sản xuất kinh doanh và được Sở KH&CN hỗ trợ nhất là xác lập quyền sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch, dán tem điện tử phục vụ truy xuất nguồn gốc, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.

 

 

Một số sản phẩm OCOP đã được công nhận đợt 2 năm 2020.

 

Ông Đoàn Văn Đảnh, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Sản phẩm OCOP Bến Tre – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phát biểu tại Hội đồng.

 

Nhiệm vụ KH&CN thời gian tới


Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo trong từng chủ thể, sản phẩm của OCOP. Thường xuyên tập huấn, nâng cao kiến thức và khả năng tiếp nhận kết quả tiến bộ KH&CN cho cơ sở sản xuất, nông dân nhằm nâng cao năng lực của tổ chức, cá nhân.

 

Trước mắt triển khai thực hiện đúng tiến độ 3 đề tài phục vụ thiết thực cho OCOP, gồm: Nghiên cứu xây dựng các giải pháp nâng cấp sao cho các sản phẩm OCOP đã được công nhận, Nghiên cứu xây dựng các giải pháp công nhận sản phẩm OCOP cho các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre và Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Đồng thời hỗ trợ xây dựng 10 nhãn hiệu cộng đông cho các sản phẩm OCOP.

 

Đầu tư ứng dụng KH&CN trong chế biến, sản xuất, xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và tạo lập, khai thác phát triển nhãn hiệu là các giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hoạt động KH&CN góp phần quan trọng tạo ra các sản phẩm mới, công nghệ mới; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và kinh doanh; đồng thời phục tráng, phát triển thành công nhiều sản phẩm đặc thù, đặc hữu của tỉnh.

 

Thời gian tới, Sở KH&CN tiến hành xây dựng và triển khai chính sách KH&CN đối với sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, triển khai, xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm; xây dựng và triển khai nhiệm vụ KH&CN nhằm hoàn thiện và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP; ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP; ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức kinh tế tập thể sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng…

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi