Nâng cao tỷ trọng và vai trò của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 – 2025

Thực trạng và giải pháp để tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 – 2025 từ 36 - 40%, nhất là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong bối cảnh bình thường mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.


Năng suất các nhân tố tổng hợp (gọi tắt là TFP) là kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định và lao động hoặc các nhân tố hữu hình nhờ vào tác động của các nhân tố vô hình như đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động của công nhân…. Tốc độ tăng TFP được đo bằng tỷ lệ tăng lên của kết quả sản xuất do nâng cao năng suất của các nhân tố tổng hợp.

 

Chỉ tiêu tốc độ tăng TFP phản ánh toàn diện về chiều sâu của quá trình sản xuất, kinh doanh. Chỉ có tăng trưởng kinh tế nhờ vào tăng TFP mới là sự tăng trưởng có tính chất ổn định và bền vững, nguồn tăng TFP chủ yếu dựa và 5 yếu tố chính:  Chất lượng nguồn nhân lực; thay đổi nhu cầu hàng hóa, dịch vụ; thay đổi cơ cấu vốn; thay đổi cơ cấu kinh tế và áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Tỷ lệ tăng lên của TFP thể hiện nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế .

 

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, trong giai đoạn 2011 – 2015, năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm là khoảng 24,23% với tốc độ tăng 1,41%/năm. Giai đoạn 2016 – 2020, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm là khoảng 31%tăng 6,77% so với giai đoạn 2011-2015.

 

Giai đoạn 2016 – 2020, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có những giải pháp quan trọng nhằm tăng TFP như: Nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đi đúng hướng tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, thuỷ lợi thiết yếu. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực đổi mới tổ chức quản lý, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao trình độ quản lý và trình độ tay nghề của người lao động cho nên đã đạt được sự tăng trưởng về năng suất lao động. Theo đó, năng suất lao động xã hội bình quân tăng 10,99%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 60%. Trong đó, lao động qua đào tạo nghề có chứng chỉ đạt 30,95%. Đã chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

 

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng của tỉnh đạt từ 36 - 40%, tăng từ: 5% đến 9% so với giai đoạn 2016 - 2020. Để đạt được mục tiêu này, cần có nhiều giải pháp đồng bộ như: Tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện tốt chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, tín dụng. Nguồn vốn đầu tư phát triển đi đúng hướng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng công tác quản lý trong quá trình vận hành hoạt động kinh tế…

 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa – vật lý – sinh học với sự đột phát của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi nền sản xuất của mỗi quốc gia. Dưới góc độ khoa học và công nghệ trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, 03 yếu tố được xác định thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ trong việc tăng TFP đó là: áp dụng tiến bộ kỹ thuật; chất lượng lao động và thay đổi cơ cấu vốn. Các giải pháp đề xuất:

 

Thứ nhất, tăng cường đổi mới công nghệ. (1) Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ, thực hiện việc đánh giá, định giá công nghệ. (2) Nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó, cần hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh; tổ chức, phối hợp và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc hợp tác với các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN để chuyển giao, làm chủ, giải mã và phát triển công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin quản lý nguồn lực doanh nghiệp, quảng cáo sản phẩm, phát triển các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. (3) Tăng cường nguồn lực cho đổi mới công nghệ vùng nông thôn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Theo đó, hỗ trợ các địa phương ứng dụng các công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp tiên tiến; cải tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; kết hợp chặt chẽ công nghệ tạo giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng và kiểm soát dịch bệnh ở quy mô lớn; đổi mới công nghệ phục vụ việc duy trì, phát triển thế mạnh của các ngành nghề, làng nghề truyền thống. (4) Huy động tối đa nội lực, nhất là nguồn lực tài chính còn tiềm tàng trong nền kinh tế để nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại từ công nghệ nguồn với giá thấp. Khuyến khích các tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia trao đổi sản phẩm công nghệ trên thị trường.

 

Thứ hai, thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vào nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh. (1) Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực đầu tư tại tỉnh nhằm thu hút vốn, công nghệ và tạo ra nhiều việc làm mới cho lao động. (2) Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các công ty có tiềm năng lớn về vốn và năng lực trong việc đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào tỉnh ta.

 

Thứ ba, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. (1) Nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đổi mới đào tạo, dạy nghề trong hệ thống các trường đào tạo nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ. (2) Có kế hoạch nâng cấp toàn diện hệ thống cơ sở dạy nghề hiện có theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá; rà soát, bổ sung chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nâng cao chất lượng dạy nghề. (3) Tiếp tục mở rộng ngành nghề, tăng số lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu sử dụng lao động ở các cấp trình độ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. (4) Thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông. Tăng cường thông tin, giúp học sinh xác định lĩnh vực ngành nghề, nội dung, chương trình, hình thức đào tạo để chọn lựa ngành học phù hợp.

 

Thứ tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động của các doanh nghiệp. (1) Khuyến khích, tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. (2) Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, hỗ trợ triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Nghiên cứu thường xuyên cập nhật các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất mới, tiên tiến để áp dụng cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. (3) Ứng dụng, phổ biến công nghệ, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong doanh nghiệp dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. (4) Thúc đẩy các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về năng suất. Theo đó, xây dựng và triển khai các các chương trình phổ biến kiến thức về năng suất, cải tiến năng suất, các kinh nghiệm điển hình cải tiến năng suất.

 

Việc nghiên cứu các giải pháp nâng cao tỷ trọng và vai trò của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế để thấy rõ hơn vai trò tác động của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế- xã hội. KH&CN góp phần mở rộng khả năng phát hiện, khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lao động, nguồn vốn và tài nguyên thiên nhiên. KH&CN làm biến đổi chất lượng nguồn lực lao động theo hướng tiến bộ. Cơ cấu lao động của xã hội chuyển từ lao động giản đơn là phổ biến sang lao động phức tạp, lao động trí tuệ là chủ yếu, nhờ đó năng suất lao động tăng lên. KH&CN mở rộng khả năng huy động tập trung, di chuyển các nguồn vốn một cách an toàn, chính xác và kịp thời, góp phần quan trọng vào việc tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022