Đầu tư trực tiếp nước ngoài tác động đến chuyển giao công nghệ tỉnh Bến Tre

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (tiếng Anh: Foreign Direct Investment, viết tắt là FDI) là hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước này vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cá nhân hay công ty nước ngoài đó sẽ nắm quyền quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh này.

 

Một trong những lợi ích đáng được quan tâm mà FDI đem lại đó là sự chuyển giao khoa học và công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến; chuyển giao kinh nghiệm quản lý, đào tạo nhân sự và nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) địa phương thông qua hợp tác giữa hai bên. Khi đầu tư vào một nước nào đó, chủ đầu tư không chỉ là vốn bằng tiền mà còn chuyển cả vốn hiện vật như máy móc thiết bị, hoặc nguyên vật liệu (còn gọi là phần cứng) lẫn trí thức khoa học, bí quyết quản lý, năng lực tiếp cận thị thường (còn gọi là phần mềm), do vậy đứng về lâu dài đây chính là lợi ích lâu dài nhất đối với nước nhận đầu tư. FDI có thể thúc đẩy phát triển các nghề mới, đặc biệt là những nghề đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao thông qua các hoạt động chuyển giao công nghệ trong quá trình tiếp nhận FDI, vì thế nó có tác dụng to lớn đổi với quá trình công nghiệp hóa, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh của các nước nhận đầu tư. FDI đem lại kinh nghiệm quản lý, kỹ năng kinh doanh trình độ kỹ thuật cho các đối tác trong nước nhận đầu tư, thông qua những chương trình đào tạo và quá trình vừa học vừa làm. FDI còn mang lại cho họ những kiến thức sản xuất phức tạp trong khi tiếp nhận công nghệ của các nước nhận đầu tư. FDI còn thúc đẩy các nước nhận đầu tư phải cố gắng đào tạo những kỹ sư, những nhà quản lý có trình độ chuyên môn để tham gia vào các công ty liên doanh với nước ngoài. Thực tiễn cho thấy, hầu hết các nước thu hút FDI đã cải thiện đáng kể trình độ kỹ thuật công nghệ của mình. Chẳng hạn như đầu năm 60 Hàn Quốc còn kém về lắp ráp xe hơi, nhưng nhờ đầu tư từ Hoa Kỳ, Nhật và các nước khác mà năm 1993 họ đã trở thành những nước sản xuất ô tô lớn thứ 7 trên thế giới.

 

Bến Tre thật sự có nhiều lợi thế, tiềm năng để mời gọi đầu tư, đó là tỉnh có nền nông nghiệp khá phát triển, còn nhiều dư địa cho ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị, nhất là cho lĩnh vực sau thu hoạch, chế biến; đó là ngành dừa có diện tích, quy mô lớn nhất cả nước nhưng chưa có nhiều sản phẩm chế biến; đó là vùng kinh tế hướng biển với 65 km bờ biển, mạnh về nuôi trồng thủy sản nhưng chưa có nhiều chế biến sản phẩm thủy sản; ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (gió, mặt trời) đã được Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch cần tìm nhà đầu tư đủ mạnh để thực hiện; đó là ngành du lịch đa dạng sinh thái kết hợp dịch vụ nông nghiệp chưa được khai thác một cách chuyên nghiệp. Ngoài ra, nguồn nhân lực được đào tạo, nguồn lao động phổ thông khá phong phú, đây là nguồn lực quan trọng cho rất nhiều ngành nghề mà các DN trong và ngoài nước đang rất cần. Từ thực tế này, Bến Tre có đủ điều kiện để tăng cường huy động, mời gọi đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là cho giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030.

 

Tại Bến Tre, sự hiện diện của DN FDI đã thúc đẩy nhiều cải thiện về trình độ công nghệ của tỉnh như hình thành các khu công nghiệp khép kín, hệ thốngđường sá thuận lợi, hệ thống thông tin truyền thông giúp cho việc liên lạc thông suốt. DN FDI sử dụng công nghệ hiện đại, máy móc thiết bị thế hệ mới và thúc đẩy chất lượng và năng suất lao động. Bên cạnh đó, sự hiện diện của DN FDI đã giúp có tác động tích cực thông qua đào tạo người lao động sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại, truyền đạt kinh nghiệm quản lý tiên tiến, kỹ năng kinh doanh và có tác động chuyển biến tích cực đến DN nội địa trong đầu tư công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh.

 

Đối với những đóng góp về phát triển công nghệ, những DN đầu tư vào ngành chăn nuôi tôm, thuỷ hải sản đã thực hiện dự án với công nghệ tiên tiến nhất, hiệu quả đầu tư cao. Đơn cử như Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam là một tập đoàn sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm chất lượng cao và an toàn, với thế mạnh là công nghệ sản xuất hiện đại đến từ công ty mẹ tại Thái Lan, Công ty cổ phần Chăn nuôi C. P. Việt Nam đang đầu tư công nghệ cùng mô hình chăn nuôi hiện đại tại tỉnh Bến Tre với 03 nhà máy chuyên Sản xuất kinh doanh thức ăn thủy sản, Chế biến thủy sản đông lạnh xuât khẩu và phân xưởng công nghệ sinh học. Với mô hình chăn nuôi hiện đại, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã và đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình chăn nuôi công nghiệp tập trung, nuôi liên kết với các hộ nông dân. Không những thế, dự án sản xuất giống tôm biển và thức ăn thủy sản của Công ty TNHH Việt-Úc không ngừng đầu tư vào công nghệ và con người để thực hiện thành công khát vọng cũng như là triết lý của công ty “Nâng tầm tôm Việt”. Bên cạnh đó, các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ cũng đang ngày càng ứng dụng nhiều công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến trong quá trình sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao năng suất sản xuất và ổn định chất lượng sản phẩm như Công ty TNHH Thế Giới Việt có tỷ lệ tự động hóa trên 80% hay Nhà máy sản xuất bao bì Wally và Công ty TNHH Chế biến dừa có tỷ lệ tự động hóa cũng trên 60%, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ với các DN nội địa. Từ đó, các DN FDI giúp thúc đẩy đổi mới nền kinh tế, chuyển giao công nghệ sản xuất và quản lý giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc cho các DN trong và ngoài nước.

 

Nếu tiếp nhận FDI đem lại các lợi ích liên quan đến chuyển giao công nghệ thì mặt khác các DN FDI cũng đem đến những khó khăn cho DN nội địa khi họ cũng cung cấp các nguồn đầu vào tương tự như các DN nội địa. Trong điều kiện hiện nay, trên thế giới có nhiều công ty của nhiều quốc gia khác nhau có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài và thực hiện chuyển giao công nghệ cho nước nào tiếp nhận đầu tư-đây được coi là cơ hội cho các nước đang phát triển có thể tiếp thu được các công nghệ thuận lợi nhất nhưng cũng có nguy cơ là nước tiếp nhận đầu tư sẽ nhận nhiều công nghệ không thích hợp. Các công ty nước ngoài thường chuyển giao những công nghệ kỹ thuật lạc hậu và máy móc thiết bị cũ cho nước tiếp nhận đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sự yếu kém trong kiểm định và quản lý công nghệ của nước sở tại để du nhập các công nghệ lạc hậu nhưng với giá đắt đỏ gây ra sự lãng phí lớn cho sự dỡ bỏ, thay thế hoặc khắc phục những hậu quả về sau. Khi nhà đầu tư nước ngoài đưa vào những công nghệ cũ thì họ vẫn thu được lợi nhuận trong khi đó nước tiếp nhận không những chịu ảnh hưởng về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng đến môi trường và các lợi ích khác trong tương lai. Việc chuyển giao công nghệ lạc hậu không những làm cho công nghệ ngày càng lạc hậu, khả năng sản xuất kém đi mà làm cho nước tiếp nhận còn thêm gánh nặng phải nuôi dưỡng và làm trầm trọng hơn vấn đề tiêu cực như “chuyển giá”, ô nhiễm môi trường. Thực tế, trong một thời gian phần lớn máy móc, thiết bị được đưa vào Việt Nam thông qua các DN FDI là lạc hậu, đã qua sử dụng, tiêu hao nhiều năng lượng; nổi lên hiện tượng xả thải ra môi trường; điều này là do tác động của cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật cho nên máy móc nhanh chóng trở nên lạc hậu vì vậy các công ty nước ngoài thường xuyên chuyển giao những máy móc đã lạc hậu cho các nước nhận đầu tư để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng của chính nước họ. Do vậy, việc chuyển giao công nghệ lạc hậu đã gây nhiều thiệt hại cho các nước nhận đầu tư như là bị thiệt hại trong việc chia lợi nhuận, gây tổn hại môi trường sinh thái, chất lượng sản phẩm, chi phí sản xuất cao và do đó sản phẩm của các nước nhận đầu tư khó có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.

 

Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Với chức năng và nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua Sở đã tổ chức khảo sát, điều tra đánh giá trình độ công nghệ; hướng dẫn, quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ trên địa bàn, bao gồm: chuyển giao công nghệ, đánh giá, định giá, giám định công nghệ, môi giới và tư vấn chuyển giao công nghệ, các dịch vụ chuyển giao công nghệ; thấm định cơ sở khoa học và thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, các quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình, đề án khác của địa phương theo thẩm quyền, nhằm đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Bến Tre; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Bến Tre ra nước ngoài; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong tỉnh; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ DN có vốn đầu tư nước ngoài sang DN trong tỉnh; thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; đồng thời ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe của nhân dân.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ IOT cho hệ thống chiếu sáng thông minh
• Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
• Bến Tre triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
• Công nghệ bán dẫn và ngành công nghiệp bán dẫn
• Công nghệ vũ trụ ảo-metaverse
• Các lĩnh vực công nghệ tối quan trọng, cuộc chạy đua giữa các cường quốc
• Công nghệ năng lượng xanh
• Công nghệ mới nổi: Hydro xanh
• Xu hướng các công nghệ mới nổi
• Tiềm năng phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn ở Bến Tre
• Tiềm lực ngành tôm năm 2022
• Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị từ vườn dừa
• Kinh tế sông gắn phát triển đô thị
• Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần vào chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững
• Ba Tri Tổ chức Chương trình tuyên truyền thông điệp và Phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022