Cây atiso đỏ trên đất Mỏ Cày

Cũng giống như nhiều nông dân khác ở xứ dừa Bến Tre, từ trước đến nay, kinh tế của gia đình của anh Lê Văn Điệp ấp Tích Phúc, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre dựa vào cây dừa là chính. Song thu nhập từ cây dừa không cao, nên anh Điệp luôn trăn trở tìm một hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình.

 

Cây atiso đỏ.

 

Anh Điệp kể khi tham gia nghĩa vụ quân sự, trong một lần tham gia hành quân diễn tập thấy người dân Xuân Lộc – Đồng Nai trồng cây có trái màu đỏ rất đẹp. Anh thấy lạ và tìm hiểu thì được người dân nơi đây cho biết đây là cây atiso đỏ dễ trồng và có tác dụng chữa bệnh. Anh Điệp đã xin một ít về làm hạt giống. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, vẫn nuôi ý định làm nông nghiệp theo hướng mới, anh bắt đầu tìm hiểu về giống cây atiso đỏ và bắt đầu trồng thử nghiệm.

 

Anh Lê Văn Điệp (áo xanh) nhận giải thưởng cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp huyện Mỏ Cày Bắc năm 2020.

 

Đầu năm 2018, sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh Điệp bắt đầu trồng thử nghiệm trên khoảng sân nhỏ trước nhà mình. Khi đem cây atiso đỏ về trồng thử nghiệm trên đất vườn nhà mình, thì nhiều người địa phương cứ “mắt tròn mắt dẹt” cho rằng đây là cây giấm có giá trị kinh tế gì mà trồng. Nhưng với sức trẻ, sự sáng tạo và tư duy làm nông nghiệp mới mẽ, bước đầu cây atiso đỏ đã giúp gia đình anh Điệp “ăn nên làm ra”.

 

Sản phẩm rượu atiso đỏ.

 

Sau thời gian trồng thử nghiệm dù là cây trồng mới nhưng cây atiso đỏ lại phát triển khá phù hợp với thổ nhưỡng ở vùng đất Mỏ Cày Bắc. Anh Điệp cho biết: “Cây atiso đỏ rất dễ trồng lại không tốn nhiều công chăm sóc. Từ lúc trồng cho đến ngày thu hoạch tôi chỉ phun vài lần thuốc sinh học tự chế từ ớt, tỏi để trừ rệp sáp, trong khu vườn của mình anh còn trang bị một số máy diệt sâu rầy tự động bằng nguồn năng lượng mặt trời, hầu như atiso đỏ không bị bệnh gì thêm”. Bên cạnh đó, trong những đợt hạn mặn vừa qua trên địa bàn huyện thì anh Điệp nhận thấy cây không bị ảnh hưởng, khả năng sinh trưởng tốt nhất trên đất cát và có thể trồng xen với các loại cây trồng khác để nâng cao thu nhập trên cùng 1 diện tích canh tác.

 

Sau thời gian trồng khoảng 3 tháng thì cây bắt đầu cho thu hoạch, và mỗi vụ cây atiso đỏ cho thu hoạch khoảng 5-6 lần. Sau khi thu hoạch anh Điệp không bán trái tươi mà chế biến thành một số sản phẩm khác để nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện anh chế biến một số sản phẩm từ trái atiso như: mứt atiso đỏ, trà atiso đỏ, siro atiso đỏ, kem và rượu atiso đỏ. Với nhiều lợi ích và tác dụng cho sức khỏe như: mát gan, thanh lọc cơ thể nên thời gian gần đây các sản phẩm được chế biến từ trái atiso đỏ của anh Điệp rất được thị trường ưa chuộng. Anh Điệp cho biết cứ 1.000m2 trồng cây atiso đỏ thì sao một vụ thu hoạch lãi khoảng trên dưới 40 triệu đồng.

 

Năm 2019, sản phẩm từ trái atiso đỏ của anh Điệp được gửi tham dự trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại Đồng Tháp. Mặc dù là lần đầu tiên sản phẩm atiso đỏ của anh Điệp có mặt tại đây, song đã tạo được nhiều ấn tượng mạnh với người tiêu dùng. Cũng thông qua việc trưng bày này, sản phẩm từ atiso được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin dùng. Hiện tại, các sản phẩm chế biến được bày bán nhiều ở các chợ và cửa hàng tạp hóa của địa phương và các địa bàn lân cận.

 

Dự án trồng cây atiso đỏ và các sản phẩm của anh Điệp đã đạt giải nhất của cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp huyện Mỏ Cày Bắc năm 2020. Đây là động lực để anh tiếp tục với sản phẩm của mình để phát triển kinh tế. Trong năm 2021, anh Điệp mở rộng diện tích lên đến 3.000m2 , trong đó có 500m2 được trồng trong nhà màng và hệ thống phun nước tự động, được biết với toàn bộ trái atiso trên anh Điệp tập trung làm rượu atiso-và đây cũng là sản phẩm chủ lực của anh Điệp trong thời gian tới. Anh Điệp cho biết: thời gian tới tôi sẽ lấy rượu atiso làm sản phẩm chủ lực cho cơ sở sản xuất của mình, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đăng ký thương hiệu cũng như chiến lược kinh doanh và đầu tư cho chiến lược quảng cáo để nhiều người biết đến sản phẩm hơn, bởi sản phẩm của tôi hiện nay chủ yếu bán ở các cửa hàng trên địa phương với hình thức trực tiếp nhỏ lẻ và sẽ đầu tư mới hoàn toàn hệ thống canh tác và quy trình sản xuất theo hướng tự động hóa. Với mô hình này, nếu các bạn nào có đam mê và nhu cầu muốn tăng thu nhập, thì mình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn.

 

Trồng và sản xuất các sản phẩm từ cây atiso đỏ được xem là một trong những mô hình mới tại Bến Tre, mở ra hướng đi mới giúp nông dân gia tăng thu nhập. Kỳ vọng mô hình mới, hiệu quả này của anh Lê Văn Điệp sẽ được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc chọn trồng nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn để nâng cao thu nhập. Và sản phẩm tốt từ trái atiso sẽ ngày càng tiến xa trên thị trường trong và ngoài nước.

 


 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc