Sâu đầu đen - nổi lo của nông dân trồng dừa

Cây dừa (dừa) là cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và đã được trồng từ rất lâu đời trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và các nghề truyền thống liên quan đến các sản phẩm chế biến từ dừa đóng một vai trò kinh tế rất quan trọng cho nông dân, đã tạo được sự ổn định công ăn và việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nước mặn xâm nhập sâu thời gian mặn dài, cây dừa là loại cây trồng có nhu cầu sinh thái thích hợp hơn so với các loại cây trồng khác. Từ lâu, nông dân luôn cho rằng dừa là loại cây dễ trồng, ít chăm sóc và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện thâm canh, dừa cũng bị nhiều loại dịch hại tấn công nhất là trong những năm gần đây nhiều dịch hại mới làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng dừa trong đó sâu đầu đen là loài sâu mới xuất hiện có nguy cơ bùng phát đang là một thách thức không nhỏ cho nông dân trồng dừa.

 

Sâu đầu đen hại dừa (còn có tên gọi khác là sâu hại lá dừa) là loài sâu mới xuất hiện gây hại trên dừa tại Bến Tre vào tháng 7 năm 2020. Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker, họ ngài đêm (Oecophoridae), bộ cánh vảy (Lepidoptera). Cây ký chủ: dừa, cây dầu cọ, cây chà là, cây cau, dừa kiểng và cả trên cây chuối.

 

Trưởng thành là loài ngài màu trắng xám dài khoảng 16 mm. Sâu non có màu vàng xanh, đầu màu nâu đến đen (tùy theo tuổi sâu), sâu non đẩy sức dài khoảng trên 20 mm, có 3 sọc màu nâu nhạt chạy dọc theo chiều dài thân. Khi đẩy sức chúng kéo kén và hóa nhộng trên phần lá chét bị khô, nhộng có màu nâu cánh dán, dài khoảng 12 mm. 

 

 

Trưởng thành sâu đầu đen.

 

Nhộng sâu đầu đen.

     
 

Ấu trùng sâu đầu đen.

 

Sâu đầu đen thường gây hại đầu tiên trên các lá chét tàu lá dừa già. Đây là điểm khác biệt với Bọ cánh cứng chỉ gây hại trên phần lá chét còn non, sâu cạp phần diệp lục mặt dưới của lá chét từng mảng lớn, chừa lại phần biểu bì lá, nơi sâu ăn làm cho lá bị khô, chúng gây hại nặng làm toàn bộ lá chét bị khô. Sâu non nhả tơ kết dính phân của chúng lại thành tổ như đường hầm để ẩn nấp trong đó (giống như đường đi của con mối), trên một lá chét có thể có nhiều sâu non sinh sống nên mức gây hại của chúng rất mạnh, khi hết thức ăn chúng chuyển sang các lá khác, khả năng phát tán của chúng rộng, chỉ trong thời gian ngắn chúng ăn trụi tất cả các tàu lá trên cây, chúng còn  tấn công luôn cả phần xanh của vỏ trái, bẹ lá. Cây dừa khi bị sâu tấn công làm thiệt hại năng suất rất lớn, khi mật số sâu cao nếu không phòng trừ kịp thời cây dừa khô hết lá, trái bị rụng, dừa bị “teo” đọt và chết khô.

 

Triệu chứng sâu đầu đen gây hại trên vỏ trái.

 

Triệu chứng sâu đầu đen gây hại trên bẹ dừa.

 

Vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại.

 

Người dân chặt tàu lá dừa vì bị sâu đầu đen gây hại. Ảnh KT.

 

Việc phòng trừ sâu đầu đen hại dừa nông dân gặp nhiều khó khăn do cây dừa cao, sâu gây hại tất cả những tàu lá trên cây dừa, tập tính của sâu luôn ẩn nấp trong tổ, do đó khi phòng trừ phải tốn nhiều công phun, sử dụng lượng thuốc nhiều, dụng cụ phun thuốc phải sử dụng máy phun đủ áp lực do đó chi phí tăng cao, điều đáng quan tâm hơn là nhà dân thường xen trong vườn dừa nên dễ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nhiều vùng dừa sản xuất theo hướng hữu cơ là nguồn nguyên liệu cho các công ty chế biến dừa nên không thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để phòng trừ. Vì thế, áp dụng biện pháp sinh học và lý học để phòng trừ dịch hại trên cây dừa sẽ khả thi hơn phun thuốc bảo vệ thực vật.

 

Tại Việt Nam, sâu đầu đen hại dừa là loài sinh vật gây hại mới chưa có loại thuốc BVTV đăng ký phòng trừ. Vì vậy, để quản lý sâu đầu đen hại dừa hạn chế sự lây lan gây hại trên diện rộng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre đã xây dựng quy trình phòng trừ tạm thời nhằm hạn chế lây lan của loài sâu này dựa trên tham khảo thông tin hướng dẫn của Trung tâm Bảo vệ thực vật Phía Nam, Cục Bảo vệ thực vật như sau: 

 

- Khi phát hiện sâu đầu đen gây hại dừa cần cắt tỉa và tiêu hủy lá chét bị sâu gây hại sau đó đốt hoặc vùi xuống nước.  

 

- Nếu vườn nhiễm nhẹ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học Bt (Bacillus thurigiensis), nấm xanh (Metarhizium sp.), nấm trắng (Beauveria sp.) phun ướt đẫm đều ở mặt dưới lá, có thể phun nhiều lần cách nhau 5-7 ngày.

 

 - Vườn bị gây hại nặng thì chọn một trong các hoạt chất  thuốc sau: Flubendiamide (Takumi 20WG); hoạt chất Emamectin benzoate phun kỹ ướt đều hai  mặt lá.

 

Trong điều kiện sâu đang bộc phát như hiện nay nông dân nên thường xuyên kiểm tra sư xuất hiện của chúng để có biện pháp xử lý ngay, tránh để lây lan. Những nơi sâu đã gây hại cần xử lý đồng loạt trên diện rộng. Khi phun thuốc phải phun thật kỹ đây là yếu tố quyết định để đạt hiệu quả tốt và hạn chế sâu tái nhiễm.

 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang phối hợp với các Công ty thuốc khảo nghiệm hiệu lực một số thuốc bảo vệ vật để bổ sung vào quy trình tạm thời quản lý sâu đầu đen hại dừa. Về lâu dài biện pháp sinh học là một trong những biện pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa có nhiều ưu điểm (Thái Lan đã áp dụng thành công quản lý sâu đầu đen hại dừa bằng ong ký sinh).

 

Hiện nay các Viện, Trường Đại học đã tiến hành nghiên cứu quần thể thiên địch của sâu đầu đen để nhân nuôi, phóng thích ra tự  nhiên. Song song, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu những chế phẩm sinh học để tham gia quản lý loài sâu này. Với sự quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị, các nhà khoa học. Hy vọng, trong thời gian không xa loài dịch hại này sẽ được quản lý tốt theo hướng bền vững cho những vườn dừa.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi