Một số kinh nghiệm nhằm hạn chế thiệt hại cho cây trồng trong điều kiện hạn mặn

Với tình hình biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập sâu vào vùng sản xuất đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Khi nước tưới có độ mặn ≥ 1 ‰ đã có dấu hiệu gây hại đáng kể cho cây trồng, biểu hiện gây chết rễ, cháy lá, chết cành. Nếu nước mặn kéo dài sẽ gây chết cây. Khó khăn lớn nhất hiện nay mà người dân đang phải đối mặt đó là tình trạng của hạn mặn đến sớm hơn so với thường kỳ và duy trì ở mức cao suốt nhiều tháng trong mùa khô. Điều đáng quan tâm là đa số bà con nông dân vẫn chưa thực hiện đúng quy trình xử lý cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại trong điều kiện hạn mặn.

 

 

Đậy gốc bằng lá dừa hoặc để lớp cỏ giữ ẩm cho đất.

 

Trước khi hạn mặn đến để giảm thiệt hại cho cây trồng bà con cần phải thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch, mương vườn để có hướng xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn nước mặn hoặc tranh thủ lấy nước ngọt vào vườn. Lập hệ thống đê bao chung trong khu vực hoặc từng vườn và cống ngăn mặn nhằm đảm bảo chống ngập khi triều cường, ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô. Nạo vét hệ thống mương vườn sâu, rộng kết hợp phủ bạt để chứa nước ngọt. Nếu được, các hộ cần dành khoảng 5-10% diện tích nông nghiệp để đào ao sâu dạng nửa nổi nửa chìm có lót bạt chuyên dụng để chủ động trữ và cấp đủ nước tưới trong mùa hạn mặn. 

 

Đối với cây ăn trái cần bố trí mùa vụ thu hoạch tập trung kết thúc trước tháng 2 (dương lịch) hàng năm, để giúp cây giảm nhu cầu nước trong thời gian cao điểm của hạn mặn. Cần bón phân lân nung chảy (1-3 kg/cây) và phân hữu cơ vi sinh (5-10 kg/cây) tùy theo cây lớn nhỏ kết hợp bồi bùn. Bón phân NPK (15-15-15, 12-12-17,...), giai đoạn kiến thiết cơ bản 0,1-0,2 kg/cây; thời kỳ kinh doanh 0,3-0,5kg/cây kết hợp tưới đủ nước cho vườn. Phủ liếp bằng vật liệu phù hợp như lá dừa, rơm rạ, cỏ, lạc dại, màng phủ,...  để giữ ẩm. Tỉa bỏ các cành vô hiệu để giảm nhu cầu nước, dinh dưỡng.

Đào ao để trữ nước ngọt.

 

Trong giai đoạn hạn mặn, thường xuyên kiểm tra độ mặn trên các sông, rạch, mương vườn để lấy nước ngọt vào vườn và tưới nước có độ mặn dưới 0,5‰ đối với cây giống, chôm chôm, sầu riêng và dưới 1‰ cho các cây trồng khác. Riêng đối với vườn dừa có thể cho nước thủy triều lưu thông dưới mương vườn với độ mặn tối đa dưới 5‰ nhưng không được tưới lên liếp.

 

Sử dụng nguồn nước ngọt trữ trong mương vườn tưới cho cây với hệ thống tưới tiết kiệm nước tưới với lượng tối thiểu mỗi lần, giãn cách giữa các lần tưới sao cho cây không bị héo và đất không bị nứt. Đậy thêm gốc và liếp vườn với vật liệu có sẵn như lá dừa khô, rơm rạ, lục bình, cỏ khô,… để hạn chế bốc thoát hơi nước.  Nếu cây đang mang hoa, trái; cần tỉa bớt hoặc toàn bộ hoa, trái trên cây để đảm bảo cây không bị suy kiệt.

 

Lưu ý không xử lý ra hoa khi không đủ nước ngọt để tưới. Có thể phun luân phiên các loại phân bón lá có chứa Canxi, Silic, lân, kali, đạm như: MKP, KNO3, Hydrophos-Zn, CaSi, Silimax và các chế phẩm chứa Brassinolide (Vitazyme, Nyro 0.01SL, Comcat 150WP,...), Fetrilon Combi, Super humic giúp cho cây đủ sức vượt qua được tác hại do hạn mặn kéo dài.

 

Chú ý quản lý một số đối tượng sâu bệnh hại như bọ trĩ, sâu đục trái, nhện (đỏ, trắng, vàng), bệnh vàng lá thối rễ, bệnh thối gốc xì mủ,...

Khi có nước ngọt trở lại thì tiến hành đánh giá thiệt hại của vườn, đốn bỏ những cây không có khả năng phục hồi. Khai thông nước trong mương vườn, tưới đẫm nước ngọt trên mặt liếp nhằm rửa phèn-mặn tích lũy trong đất, xới xáo mặt liếp để tạo sự thông thoáng cho rễ, thúc đẩy nhanh việc rửa phèn, mặn.

 

Sau khi tưới rửa được 3 - 5 ngày, thì tiến hành xới nhẹ, kiểm tra độ pH nếu dưới 5,5 thì bón vôi, lượng vôi được bón tùy thuộc độ chua của đất: pH< 3,5 bón 2,0-5,0 tấn /ha; pH từ 3,5-4,5 bón 1,0-2,0 tấn/ha; pH từ 4,5-5,5 bón 0,5-1,0 tấn/ha. Dạng vôi thường dùng là vôi nông nghiệp như vôi trắng (CaCO3) hoặc vôi xám đolomite (CaCO3, MgCO3). Tiếp tục tưới nước thêm 5- 7 ngày thì bón phân DAP với lượng 0,1-0,15 kg/cây (giai đoạn kiến thiết cơ bản), từ 0,3-0,5kg/cây (thời kỳ kinh doanh) và 5- 10 kg super humic/ha. Bón xong tưới đủ nước cho phân tan thấm vào đất. 

 

Rãi vôi để xử lý, cải tạo đất.

 

Lưu ý cần bón nhiều phân hữu cơ ủ hoai có bổ sung nấm Trichoderma sp. và các vi sinh hữu ích hoặc phân hữu cơ vi sinh nhằm bổ sung hệ vi sinh vật có ích cho đất giúp cải thiện cấu trúc đất, tăng khả năng hấp thụ, điều tiết dinh dưỡng, giúp đất tơi xốp, thông thoáng thuận lợi cho sự phát triển của rễ.

 

Khi chồi lá có tượt non và chuyển sang màu xanh ngà thì bón NPK với tỉ lệ phù hợp theo nhu cầu của cây, trung bình 0,1-0,3 kg (khi cây chưa cho trái) hoặc 0,5-0,8 kg (cây trưởng thành). Cần tỉa bỏ bớt hoa, trái giúp cây phục hồi sinh trưởng tốt. Việc tỉa cành, tạo tán cần tiến hành khi cây đã hồi phục sau mặn và khi thời tiết đã mát dịu trong mùa mưa.

 

Cần lưu ý các loại sâu bệnh như nấm Phytophthora sp. (thối gốc, chảy nhựa, thối trái), nhện, rệp sáp, sâu ăn lá, sâu đục trái... Tùy theo từng loại sâu bệnh mà áp dụng biện pháp phù hợp để đạt hiệu quả phòng trị cao và an toàn.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi