Bến Tre có 05 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ

Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Nó có thể là những từ ngữ, tên gọi, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh được sử dụng để chỉ ra rằng sản phẩm có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hoá này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên. Thông qua chỉ dẫn địa lý, có thể nhận biết một khu vực địa lý cụ thể gắn liền với chất lượng, danh tiếng và những đặc tính riêng có của sản phẩm mà chỉ ở nơi ấy mới có.

 

Lợi ích của chỉ dẫn địa lý: Trước hết, đây là điều kiện phát huy các lợi thế riêng của một địa phương để phát triển và quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản. Bên cạnh đó, việc duy trì chất lượng sản phẩm mang CDĐL không chỉ tạo ra công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người sản xuất của địa phương đó mà cả những nhà kinh doanh, nhà sản xuất nguyên liệu thô, phụ phẩm, các công ty vận tải... CDĐL được xem là công cụ quan trọng cung cấp sự bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.

 

Không chỉ mang lại giá trị cao hơn cho nông sản xuất khẩu, việc được bảo hộ CDĐL còn đem đến những hiệu quả rõ nét cho sản phẩm ngay tại thị trường trong nước. Chẳng hạn như, sau khi được bảo hộ CDĐL “Cao Phong”, giá trị sản phẩm cam Cao Phong (Hòa Bình) đã tăng lên rõ rệt. Nếu như trước đây người trồng chỉ bán tại vườn với giá 6.000 đồng/kg, thì sau khi có bảo hộ CDĐL đã tăng lên 20.000-35.000 đồng/kg. Trong khi nhiều loại nông sản khác thường rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, thì nhiều năm nay, cam Cao Phong luôn trong tình trạng cháy hàng mỗi khi vào mùa. Như Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), từ chỗ người dân chỉ bán được với giá dưới 10.000 đồng/kg, thì hiện nay đã tiêu thụ rộng khắp với giá bình quân hơn 35.000 đồng/kg. Giống như một “tấm giấy thông hành”, nhờ CDĐL, quả vải đã thâm nhập được vào nhiều thị trường khó tính như: Australia, Pháp, Mỹ, Nhật Bản….

 

Với nhiệm vụ và quyền hạn được giao quản lý chỉ dẫn địa lý, trong thời gian qua Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng hồ sơ và nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của Bến Tre, đến cuối tháng 4 năm 2021 Bến Tre có tổng cộng 05 CDĐL đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ bao gồm: CDĐL Bưởi da xanh, Dừa Xiêm xanh, Sầu riêng Cái Mơn, Tôm càng xanh và Cua biển.

 

Trang Thông tin điện tử-Sở Khoa học và Công nghệ xin giới thiệu tổng quát 05 CDĐL đã được bảo hộ nêu trên để bạn đọc quan tâm theo dõi:

 

1. CDĐL BƯỞI DA XANH: Ngày 26/01/2018, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 297/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00062 cho sản phẩm bưởi Da xanh “Bến Tre”. Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

 

 Quả và múi bưởi Da xanh Bến Tre.

 

Tỉnh Bến Tre có nhiều loại cây ăn quả nổi tiếng. Trong các loại cây ăn quả được xem là đặc sản, có chất lượng cao của Bến Tre thì bưởi Da xanh là loại quả thuộc nhóm có tiềm năng và có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Bưởi Da xanh là một trong năm loại trái cây đặc sản của Bến Tre và giống bưởi Da xanh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống quốc gia, được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ưa chuộng vì có vị ngon đặc trưng.

 

Đối với người dân Bến Tre, bưởi Da xanh là loại trái cây quý, thường dùng làm quà biếu vào các dịp lễ, tết. Giá trị của quả bưởi Da xanh nằm ở chỗ nó không chỉ là món ăn ngon và bổ dưỡng, mà còn góp phần hỗ trợ sức khoẻ con người như thanh lọc phổi, dễ tiêu hóa và lưu thông máu.   

 

Bưởi Da xanh Bến Tre có hình cầu, vỏ ngoài khá mỏng, màu xanh hoặc chuyển sang xanh hơi vàng khi chín, bề mặt vỏ bưởi khi chín hơi nhám do các tuyến tinh dầu trên bề mặt vỏ phồng lên, múi bưởi có màu từ hồng nhạt đến đậm, tép bưởi bó chặt vào nhau và không có dịch quả. Bưởi Da xanh Bến Tre có vị ngọt thanh, không đắng, không the,  ít hạt hoặc không có hạt. Trọng lượng trung bình quả từ 1,3kg đến 1,4kg, đường kính trung bình từ 150mm đến  160mm, chiều cao trung bình quả từ 155mm đến 165mm. So sánh chỉ tiêu chất lượng bưởi Da xanh tại Cần Thơ và tại Tiền Giang, bưởi Da xanh Bến tre có hàm lượng vitamin C cao hơn trong khoảng 79,46 ± 0,96 mg/100ml, độ ngọt cũng cao hơn trong khoảng 11,47 ± 0,16oBx và độ chua thấp hơn trong khoảng 0,46 ± 0,02%.

 

Bưởi Da xanh “Bến Tre” có được đặc thù và danh tiếng như vậy là nhờ địa hình, đất đai, khí hậu của khu vực địa lý thích hợp với các loại cây có múi trong đó có bưởi Da xanh và đặc biệt là kinh nghiệm gắn với phong tục tập quán trong quá trình sản xuất của người dân địa phương.

 

Địa hình của vùng trồng bưởi Da xanh Bến Tre khá bằng phẳng, độ cao trung bình từ 1 đến 2 mét so với mực nước biển, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, độ cao chênh lệch tối đa là 3,5 mét. Khu vực địa lý tiếp nhận nguồn phù sa màu mỡ của bốn nhánh sông Cửu Long là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên trước khi đổ ra biển Đông.

 

Vùng trồng bưởi Da xanh tỉnh Bến Tre gồm huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm, huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Chợ Lách, huyện Mỏ Cày Nam, huyện Bình Đại, và thành phố Bến Tre. Khu vực địa lý nằm trọn trên ba dãy cù lao là cù lao An Hoá, cù lao Bảo, cù lao Minh. Đây là khu vực nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, lượng mưa trung bình trong năm từ 1.200-1.600mm, nhiệt độ trung bình năm từ 25-29oC. Độ ẩm trung bình năm 81-82%. Biên độ dao động nhiệt độ ngày đêm từ 4-8oC. Đặc thù thổ nhưỡng của khu vực địa lý là đất thịt pha sét, thành phần cát và thịt cao nên khả năng thoát nước tốt. Đất có tính chất chua, giá trị pHH20 từ 4,12-5,76. Hàm lượng Ca trao đổi từ 4,80-8,94meq/100g, Mg trao đổi từ 3,42-9,63meq/100g.

 

Mặc dù thổ nhưỡng của khu vực địa lý có tính chất hơi chua nhưng nhờ chế độ thủy văn rất đặc thù bởi nguồn nước tưới có tính kiềm nhẹ và hàm lượng kali, canxi và magiê trong nước cao nên góp phần trung hòa lượng acid trong đất và cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho cây.

Bên cạnh điều kiện địa hình, đất đai và khí hậu của khu vực địa lý đã tạo nên đặc thù của bưởi Da xanh Bến Tre, kinh nghiệm được tích lũy lâu đời của những người dân địa phương từ việc nhân giống, chọn đất thiết kế vườn, lên liếp đến áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất cũng góp phần nâng cao năng suất và chất lượng của bưởi Da xanh Bến Tre.

 

2. CDĐL DỪA XIÊM XANH: Ngày 26/01/2018, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 298/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00063 cho sản phẩm dừa uống nước Xiêm Xanh “Bến Tre”. Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

 

 

Cây Dừa và quả Dừa Xiêm Xanh Bến Tre.

 

Bến Tre là tỉnh có quy mô diện tích trồng dừa chiếm trên 1/3 so với diện tích của cả nước và cây dừa được trồng tập trung thành vùng nguyên liệu lớn. Khoảng hơn 20% diện tích dừa Bến Tre trồng các giống dừa thuộc nhóm dừa uống nước. Trước kia, dừa uống nước Xiêm Xanh được xem là cây trồng phụ, chỉ trồng xen trong những vườn dừa ta và vườn cây ăn quả để lấy nước giải khát hoặc chế biến món ăn. Tuy nhiên, danh tiếng về chất lượng của dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre ngày càng được biết đến rộng rãi nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao và có lợi cho sức khỏe con người. Do đó, nhu cầu tiêu thụ dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre ngày càng tăng cao và cây dừa uống nước Xiêm Xanh dần trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao tại Bến Tre. Trước những lợi thế có được, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã có nhiều chủ trương, chính sách và dự án nhằm thúc đẩy ngành dừa phát triển để phát triển ngành dừa là một ngành kinh tế chủ lực của địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh cho dừa uống nước Xiêm Xanh ở thị trường trong và ngoài nước.

 

Dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre có các đặc điểm hình thái nổi bật và dễ nhận biết. Quả dừa nhỏ, vỏ bên ngoài màu xanh, nước có vị ngọt đậm hơn so với nước của quả dừa uống nước Xiêm Xanh trồng ở các vùng khác.

 

Quả dừa hình tròn, phần dưới của quả có một núm nhỏ 3 cạnh nhô ra, trọng lượng trung bình trong khoảng 1,36 ± 0,25kg, đường kính trung bình trong khoảng 14,43 ± 0,97cm, chiều cao trung bình trong khoảng 16,7 ± 1,4cm, thể tích nước trung bình trong khoảng 258 ± 28ml/quả. Nước dừa Xiêm Xanh được dùng làm thức uống giải khát và bồi dưỡng sức khỏe. Chất lượng nước của quả dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre có sự khác biệt rõ so với nước dừa của các địa phương khác về hàm lượng đường, khoáng và vitamin C. Dừa Xiêm Xanh Bến Tre có hàm lượng vitamin C trong khoảng 3,18 ± 0,08mg/lít, hàm lượng đường tổng trong khoảng 5,79 ± 0,16g/100ml, hàm lượng đường khử trong khoảng 4,63 ± 0,18g/100ml, hàm lượng Carbohydrate trong khoảng 6,53 ± 0,15g/100ml, hàm lượng Kali trong khoảng 1.832,78 ± 52,94mg/lít, hàm lượng Sắt trong khoảng 0,36 ± 0,02mg/lít, hàm lượng Kẽm trong khoảng 0,66 ± 0,05mg/lít, độ Brix trong khoảng 7,36  ± 0,16 oBx và năng lượng trong khoảng 26,96 ± 0,60Kcal.

 

Vùng trồng dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre có địa hình, đất đai, khí hậu rất thích hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của dừa, vì thế dừa uống nước Xiêm Xanh Bến tre mới có được đặc thù và danh tiếng như vậy. Địa hình của khu vực địa lý bằng phẳng, có độ cao trung bình từ 1 đến 2 mét so với mực nước biển, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam với những giồng cát hình cánh cung trên vùng ven biển cổ được hình thành qua quá trình bồi lắng trầm tích biển. Vùng đất Bến Tre là một dạng cù lao lớn ở cửa sông Cửu Long, được hình thành do quá trình bồi tụ phù sa của những “đảo cửa sông” từ hàng ngàn năm qua. Những nhánh sông chia cắt giữa các cù lao dần dần bị lấp nghẽn bởi lượng phù sa ngày càng lớn và các cù lao chắp lại với nhau tạo nên Bến Tre ngày nay. Từ trước đến nay, dừa là cây trồng lâu năm và chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống cây trồng của tỉnh Bến Tre do sự thích nghi đặc biệt với sa cấu đất phù sa nơi đây. Cây dừa và hoạt động sản xuất, chế biến dừa đã tạo nên một diện mạo kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường đặc biệt trên vùng đất hạ nguồn sông Cửu Long.

 

Vùng trồng dừa uống nước Xiêm Xanh Bến Tre nằm trọn trên ba dãy cù lao gồm cù lao An Hoá, cù lao Bảo, cù lao Minh. Bến Tre là những cụm cù lao cuối cùng nhận lượng phù sa giàu dinh dưỡng của dòng nước sông Cửu Long trước khi chảy ra biển, nhờ đó cây dừa xanh tốt hơn và cho năng suất cao hơn các vùng khác. Đặc thù thổ nhưỡng của khu vực địa lý là đất sét pha thịt, tỷ lệ cát chiếm khoảng 12%. Đất hơi chua, hàm lượng pH H2O trung bình 5,34 ± 0,07, hàm lượng Lân dễ tiêu trung bình 1,81 ± 0,72mg/100g, hàm lượng Kali trung bình 0,38 ± 0,18meq/100g, hàm lượng Kẽm trung bình 7,83 ± 1,38ppm. Khu vực địa lý nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, lượng mưa trung bình trong năm từ 1.200-1.600mm, nhiệt độ trung bình năm từ 25-29oC. Độ ẩm trung bình năm 81-82%. Biên độ dao động nhiệt độ ngày đêm từ 4-8oC.

 

Bên cạnh điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sự phát triển của cây dừa uống nước Xiêm Xanh, tập quán canh tác của người dân Bến Tre cũng làm cho sản phẩm dừa uống nước Xiêm Xanh thêm đặc thù mà chỉ vùng đất này mới có được. Trong quá trình sản xuất, người dân canh tác vẫn luôn cho đất thở hàng năm bằng cách vét mương, bồi bùn. Phương pháp kết hợp giữa tập quán chăm sóc và việc áp dụng quy trình kỹ thuật mang tính khoa học đã giúp cho cây dừa lúc nào cũng xanh tươi, đạt năng suất và chất lượng cao. Việc đào mương, lên liếp trồng dừa có thể nói là một trong những cách mà người dân Bến Tre đã áp dụng để cây dừa Xiêm Xanh thích nghi với môi trường sống. Và cũng nhờ có hệ thống mương và chế độ bán nhật triều của sông rạch xứ dừa, người dân có thể lấy bùn lắng trong mương vườn từ phù sa sông và chất hữu cơ để vun đắp cho cây dừa xanh tốt. Hệ thống mương vườn còn giúp người dân chủ động dự trữ nước ngọt trong mùa mưa và tưới bổ sung cho dừa vào mùa nắng hạn.

 

Khu vực địa lý: Huyện Châu Thành, huyện Chợ Lách, huyện Giồng Trôm, huyện Mỏ Cày Nam, huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Thạnh Phú, huyện Ba Tri, huyện Bình Đại và thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

 

3. CDĐL SẦU RIÊNG CÁI MƠN: Ngày 11 tháng 5 năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1571/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00080 cho sầu riêng Cái Mơn. Sở Khoa học và công nghệ Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

 

    

Sầu riêng Monthong.

 

Sầu riêng Ri6.

 

Cái Mơn là địa danh thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Chữ “Cái” trong “Cái Mơn” có nghĩa là con rạch lớn, chữ “Mơn” được đọc trại từ chữ “Khmu” tiếng Khmer có nghĩa là mật ong. Theo nhà văn Sơn Nam, xưa kia hai bên bờ sông rạch của vùng đất Cái Mơn có rất nhiều ong làm tổ bởi đây là vùng đất của cây trái. Năm 2005, địa danh Cái Mơn được tổ chức Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là “Nơi cung cấp giống cây ăn quả do người dân tự lai tạo lớn nhất Việt Nam”. Trong các loại cây ăn quả ở khu vực này, sầu riêng là một trong những sản phẩm đặc trưng với chất lượng và danh tiếng gắn liền với địa danh “Cái Mơn” suốt gần một thế kỷ, được ghi nhận trong cuộc sống và ca dao, tục ngữ: “Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn; Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày”.

 

Sản phẩm sầu riêng Cái Mơn bao gồm hai giống: giống Monthong và giống Ri6. Sầu riêng giống Monthong có quả hình trụ, đỉnh nhọn, chia ngăn rõ, vỏ có màu vàng nâu khi chín. Cơm (thịt quả) có màu vàng nhạt, xơ trung bình, ráo, cơm rất dày, vị ngọt thanh, béo, mùi thơm nhẹ. Hạt lép, tỷ lệ hạt thấp. Trọng lượng quả: ≥ 3 kg. Tỷ lệ vỏ (tính theo trọng lượng): ≤ 64 %. Tỷ lệ cơm (tính theo trọng lượng): ≥ 29,6 %. Tỷ lệ hạt (tính theo trọng lượng): ≤ 6,4 %. Độ dày cơm: ≥ 14 mm. Về thành phần dinh dưỡng và khoáng chất, sầu riêng Cái Mơn có chất lượng vượt trội: năng lượng: ≥ 123 kcal; Brix: ≥ 19 0B; chất béo: ≥ 2,8 %; Protein: ≥ 3 %; Ẩm độ: ≤ 71 %; Vitamin C: ≥ 35 mg/100g. Thành phần khoáng chất: Ca: ≥ 35 mg/kg; K: ≥ 3668 mg/kg; Na: ≥ 25,4 mg/kg; Fe: ≥ 2,2 mg/kg; Zn: ≥ 2,1 mg/kg.

 

Sầu riêng giống Ri6 quả có hình elip, vỏ màu xanh, hơi vàng khi chín, gai cao, thưa, chân gai có hình 5 cạnh và bóng láng. Cơm (Thịt quả) có màu vàng đậm, không xơ, ráo và cầm không dính tay, cơm dày, vị ngọt, béo, có mùi thơm đậm. Hạt lép, tỷ lệ hạt thấp. Trọng lượng quả: ≥ 2 kg. Tỷ lệ vỏ (tính theo trọng lượng): ≤ 68 %. Tỷ lệ cơm (tính theo trọng lượng): ≥ 24 %. Tỷ lệ hạt (tính theo trọng lượng): ≤ 8 %. Độ dày cơm: ≥ 14 mm. Thành phần dinh dưỡng: năng lượng: ≥ 103 kcal; Brix: ≥ 20 0B; chất béo: ≥ 2 %; Protein: ≥ 2,4 %; ẩm độ: ≤ 76,7 %; Vitamin C: ≥ 23,7 mg/100g. Thành phần khoáng chất: Ca: ≥ 30 mg/kg; K: ≥ 3966 mg/kg; Na: ≥ 15 mg/kg; Fe: ≥ 1 mg/kg; Zn: ≥ 3,7 mg/kg.

 

Khu vực địa lý có các điều kiện đặc biệt về mặt địa hình, đất đai, thổ nhưỡng, thủy văn, khí hậu là các yếu tố tạo nên chất lượng đặc thù của sầu riêng Cái Mơn.Về địa hình, khu vực địa lý có địa hình cao, bao gồm các dải đất cao ven các sông lớn và các giồng cát ven biển. Về thổ nhưỡng: Sa cấu đất thuộc nhóm thịt pha limon và sét, có khả năng thoát nước tốt; hàm lượng hữu cơ, đạm tổng số, calci và kali trao đổi trong đất cao.  Nguồn nước tưới dồi dào từ các sông lớn như Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên giúp cho chất lượng cơm của trái sầu riêng Cái Mơn không bị sượng khi chín như các vùng thiếu nước. Ngoài ra nguồn nước tưới giàu dinh dưỡng, không nhiễm mặn, có độ pH hơi kiềm nhẹ, hàm lượng Kali, Calci và Magie cao giúp cho sản phẩm có hương vị thơm ngon đặc biệt. Khí hậu của khu vực địa lý đặc biệt thích hợp cho cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển với nhiệt độ trung bình khoảng 27 0C, ít biến động; lượng mưa trung bình năm thấp (từ 1200-1600 mm), tập trung vào các tháng 7, 8, 9 là thời điểm cây sầu riêng đã kết thúc thu hoạch giúp cho chất lượng cơm của quả sầu riêng Cái Mơn không bị nhão; biên độ nhiệt ngày đêm lớn; độ ẩm thấp nhất thường xảy ra vào tháng 12 đến tháng 1.

 

Ngoài ra các bí quyết canh tác truyền thống của người dân nơi đây như nhân giống vô tính, thiết kế vườn trồng theo hình thức xẻ mương, lên liếp, xây dựng đê bao quanh vườn, chủ động dự phong nguồn nước tưới bằng các giếng khoan cũng chính là yếu tố giúp tạo nên chất lượng có một không hai của sầu riêng Cái Mơn.

 

Khu vực địa lý bao gồm xã Hòa Nghĩa, xã Hưng Khánh Trung B, xã Long Thới, xã Phú Phụng, xã Phú Sơn, xã Sơn Định, xã Tân Thiềng, xã Vĩnh Bình, xã Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thành và thị trấn Chợ Lách thuộc huyện Chợ Lách; xã Tân Phú, xã Tiên Long, xã Tiên Thủy và xã Phú Đức thuộc huyện Châu Thành; xã Nhuận Phú Tân, xã Hưng Khánh Trung A, xã Phú Mỹ, xã Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.

 

4. CDĐL TÔM CÀNG XANH: Ngày 14/4/2021, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1047/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00103 cho sản phẩm tôm càng xanh “Bến Tre”. Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

 

   

Tôm càng xanh được nuôi trong ruộng lúa.

 

Tôm càng xanh được nuôi trong mương vườn dừa.

 

Với mỗi người dân Bến Tre, con tôm càng xanh đã trở thành giá trị gắn bó với đời sống hàng ngày, và nhất là những ai xa quê, món tôm càng xanh kho tộ đã trở thành món ăn chất chứa nhiều kỷ niệm khó quên. Bởi lẽ, đã từ rất lâu, cứ mỗi dịp tết đến xuân về là thời điểm mà bà con nông dân tiến hành thu hoạch vụ lúa mùa trùng với thời điểm con tôm càng xanh trưởng thành. Với đặc tính sinh trưởng trong vùng nước lợ và ngọt, gần các cửa sông, hoặc các hệ thống sông lớn nên số lượng tôm càng xanh tại Bến Tre nhiều và ngon hơn các vùng khác. Sau thu hoạch, những con tôm càng xanh được bóc vỏ, tách gạch và chế biến thành món tôm càng xanh kho tộ ngon nức tiếng vùng miền Đồng Bằng Sông Cửu Long và là món ăn truyền thống vào các dịp lễ, tết, cũng như trong các sự kiện quan trọng của người dân Bến Tre nói riêng và của đồng bào Nam Bộ nói chung. 

 

Tôm càng xanh Bến Tre có hình trụ, phần đầu lớn; phần thân và đầu cân đối; đuôi và phần giao giữa các đốt thân có màu xanh biển (tôm sống trong môi trường ruộng lúa) hoặc màu nâu (tôm sống trong môi trường mương vườn dừa); phần giữa các đốt thân có màu nâu nhạt, hơi trong; đôi càng thứ 2 có màu xanh, phần cuối có màu cam hoặc màu xanh đậm. Tôm càng xanh sống mang chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” có trọng lượng từ 40 gram, vỏ cứng, chắc, bóng, có mùi tanh tự nhiên, không lẫn mùi rêu với hàm lượng Ca trong khoảng 345-761 mg/kg, hàm lượng béo trong khoảng 0,33-0,82% và hàm lượng Omega 3 trong khoảng 39,4-93,9 mg/100g. Khi được nấu chín, tôm dễ bóc vỏ, bề mặt phần thịt sau khi bóc vỏ trơn bóng, phần thịt ôm sát vào nhau tạo thành thể thống nhất, phần đầu tôm chứa nhiều gạch màu đỏ cam. Tôm càng xanh chín có vỏ cứng, chắc, bóng, phần thịt có màu màu đỏ cam, chắc, giòn, dai, mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, béo với tỉ lệ vỏ/thịt dưới 34,5 %.

 

Danh tiếng và chất lượng đặc thù của tôm càng xanh Bến Tre có được như vậy là nhờ các điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý. Tôm càng xanh Bến Tre được nuôi trong hai môi trường: môi trường ruộng lúa và môi trường mương vườn dừa. Trong mương vườn dừa, môi trường mương nuôi được bao quanh và che phủ bởi hệ thống hàng dừa, nên phần ánh sáng cung cấp cho ao nuôi phần lớn là ánh sáng tán xạ. Nước mương nuôi được tuần hoàn trực tiếp và liên tục thông qua hệ thống kênh mương với các sông lớn, do đó nguồn nước nuôi luôn không đổi với màu nâu đặc trưng của đất phù sa từ các con sông, chính vì vậy tôm càng xanh trong mương vườn dừa có màu nâu. Đối với môi trường ruộng lúa, do sự ảnh hưởng của quá trình sinh trưởng và phát triển, cây lúa đã hấp thu lượng lớn phù sa lơ lửng trong nước. Bên cạnh đó nguồn ánh sáng trực tiếp được hấp thu mạnh hơn do môi trường nuôi thông thoáng. Do vậy màu nước trong ruộng lúa được cân bằng và trong hơn ở môi trường mương vườn dừa, nên màu sắc tôm càng xanh được nuôi trong ruộng lúa có màu xanh biển.

 

Ngoài ra, hệ thực vật và động vật phiêu sinh trong nước tại các sông của Bến Tre phong phú và đa dạng. Lượng sinh vật phiêu sinh có mặt trên đơn vị lít nước đạt ở mức cao: phytoplankton khoảng 29.950-674.670 cá thể/lít, zooplankton đạt 885-8.662 cá thể/m3 và sinh vật đáy 3,5-25,8 g/m2. Nguồn động vật phiêu sinh dồi dào sẵn có trong tự nhiên là nguồn thức ăn tự nhiên tuyệt vời, giúp cho cả ấu trùng và tôm trưởng thành dễ dàng sử dụng, đó là lý do tỷ lệ sống của tôm càng xanh tại Bến Tre luôn cao hơn, năng suất, cấp loại, và tính đồng đều cao hơn tôm càng xanh của các vùng khác. Chính nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào và giàu dinh dưỡng sẵn có trong nước đã tạo nên sự khác biệt về thành phần lý hóa của tôm càng xanh Bến Tre, với hàm lượng canxi, béo và Omega 3 cao. Nước trong các ao nuôi tôm càng xanh tại Bến Tre có độ kiềm dao động trong khoảng 80mg/l, độ pH dao động từ 7 - 7,6. Vùng biển Bến Tre thuộc phạm vi khu vực bán nhật triều không đều. Hầu hết các ngày đều có 2 lần nước lên, 2 lần nước xuống. Chênh lệch giữa đỉnh-chân triều những ngày triều lớn từ 2,5 tới 3,5 m. Chênh lệch giữa đỉnh-chân triều những ngày triều kém dưới hoặc xấp xỉ 1m. Chế độ thủy triều đặc trưng tạo điều kiện cho việc nước ao tôm luôn được làm mới 7-15 ngày/lần, góp phần ổn định pH nước giúp tôm dễ lột xác và nhanh lớn, bổ sung nguồn vi sinh vật phiêu sinh tự nhiên làm thức ăn cho tôm.

 

Ngoài các điều kiện địa lý tự nhiên, kỹ thuật nuôi tôm của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù của tôm càng xanh Bến Tre. Để sản xuất tôm càng xanh, người dân Bến Tre sử dụng hai dạng nguồn giống, là giống 100% toàn đực và giống truyền thống (cả tôm đực và tôm cái). Trong trường hợp sử dụng giống truyền thống, tôm đực và tôm cái sẽ được tách riêng sau 75-90 ngày, giúp chất lượng tôm đồng đều. Ngoài ra, mật độ thả giống tôm tại Bến Tre không quá 4 con/m2, hạn chế được tỷ lệ tôm chết và sự ô nhiễm của nguồn nước ao nuôi. Các ao nuôi tôm cũng được thả chà (nhánh cây khô, rụng lá, không chát) được cắm thành từng cụm để làm nơi trú ẩn cho tôm. Chế độ cho tôm ăn tại khu vực địa lý cũng rất đặc biệt. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên, tôm còn được cung cấp thêm nguồn thức ăn được chế biến từ ngô, lúa, dừa, mì, đậu, cá tạp, ruốc… và thức ăn chế biến công nghiệp với lượng đạm từ 22%, giúp chất lượng thịt tôm càng xanh Bến Tre chắc, giòn và ngọt, béo. Người dân địa phương còn áp dụng kỹ thuật bẻ càng tôm sau khi thả nuôi từ 60-75 ngày nhằm giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao (hạn chế ăn thịt lẫn nhau). Vị trí bẻ ở khớp gần cơ thể, tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng một cách tự nhiên.

 

Khu vực địa lý: Các xã Tân Thành Bình, Tân Phú Tây, Tân Thanh Tây, Thành An, Hòa Lộc, Thanh Tân, Phú Mỹ, Thạnh Ngãi, Phước Mỹ Trung, Hưng Khánh Trung A, Tân Bình, Nhuận Phú Tân, Khánh Thạnh Tân thuộc huyện Mỏ Cày Bắc; Các xã Định Thủy, An Thạnh, Đa Phước Hội, Tân Hội, Phước Hiệp, Bình Khánh, An Định, Tân Trung, Minh Đức, An Thới, Thành Thới A, Thành Thới B, Ngãi Đăng, Cẩm Sơn, Hương Mỹ và thị trấn Mỏ Cày thuộc huyện Mỏ Cày Nam; Các xã Đại Điền, Tân Phong, Thới Thạnh, Hòa Lợi, Mỹ Hưng, Bình Thạnh, Mỹ An, An Thạnh, An Thuận, An Qui, An Điền, An Nhơn, Giao Thạnh, Thạnh Phong và thị trấn Thạnh Phú thuộc huyện Thạnh Phú; Các xã Tân Hào, Phước Long, Lương Phú, Thuận Điền, Sơn Phú, Thạnh Phú Đông, Châu Bình, Bình Hòa, Long Mỹ, Mỹ Thạnh, Lương Hòa, Lương Quới, Tân Lợi Thạnh thuộc huyện Giồng Trôm; Các xã Long Định, Phú Thuận, Vang Quới Tây, Vang Quới Đông, Đại Hòa Lộc thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

 

5. CDĐL CUA BIỂN: Ngày 14 tháng 4 năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1047/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00102 cho cua biển Bến Tre. Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

 

 

Bến Tre là một trong 13 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, trên 90% diện tích tự nhiên là đất ngập nước, chịu ảnh hưởng của sông Cửu Long qua các nhánh sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên và chế độ thủy triều của biển Đông. Trước khi con người đến định cư, Bến Tre là một vùng hoang vu bao phủ bởi rừng rậm xen lẫn các trảng lau, sậy hoặc đầm lầy cỏ lác, sen súng... Lê Quý Đôn đã ghi lại trong sách Phủ biên tạp lục giữa thế kỷ 18: "Từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, cửa Đại, cửa Tiểu trở vào toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm". Phần lớn người di cư đến Bến Tre bằng đường biển và đường bộ, họ chọn những giồng đất cao để sinh sống. Vùng đất Ba Tri được khai phá sớm nhất vì nơi đây là địa điểm dừng chân của các lưu dân theo đường biển. Chỉ trong hai thế kỷ, những vùng đất hoang vu đầy dã thú, các cù lao nằm ở cuối sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên đã trở thành nơi sản xuất dừa, trái cây, gạo, thủy sản và cua biển ngon nổi tiếng.

 

Cua sống ở Bến Tre có vỏ sáng bóng, màu xanh lục hoặc vàng sẫm. Yếm cua rắn, chắc. Thể trạng khỏe, nhanh nhẹn, mắt lanh lẹ. Cua thịt chín Bến Tre có thịt chắc,  mùi thơm đặc trưng (không tanh), vị ngọt đậm, béo. Cua gạch chín có thịt thơm, chắc, vị béo. Gạch thơm, béo ngậy, ngọt đậm.

 

Cua Bến Tre có hàm lượng axit Glutamic từ 26,66 đến 27,34 mg/g; hàm lượng Protein từ 2,71 đến 3,13 gN/100g; tỷ lệ ăn được từ 52,55 đến 52,85%; độ ẩm thịt từ 16,89 đến 17,11 %. Cua Bến Tre có các đặc điểm đặc thù và chất lượng vượt trội do sinh trưởng trong khu vực địa lý có các tính chất đặc trưng về điều kiện tự nhiên và phương pháp canh tác truyền thống của người dân địa phương.

 

Môi trường sống thích hợp của cua con và cua trưởng thành là độ mặn 2-38‰, thời kỳ đẻ trứng 22-32‰. Khu vực địa lý có độ mặn tối thiểu trên 2‰ (mùa mưa). Những năm gần đây, tỉnh Bến Tre nói chung và khu vực địa lý nói riêng bị xâm nhập mặn nặng. Độ mặn tại cảng cá Bình Đại 26-29‰; tại xã An Thuận (huyện Thạnh Phú) từ 25-28‰; tại Tiệm Tôm (huyện Ba Tri) 27-30‰. Ranh mặn 4‰ đã xâm nhập vào đất liền cách cửa sông khoảng 48-68 km. Xâm nhập nặm nặng gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại phù hợp với đời sống của cua biển. Độ mặn của nước cao tạo cho “Cua biển Bến Tre” có vị ngọt đậm.

 

Cua biển sinh trưởng trong môi trường nước có độ pH từ 7,5-9,2 và thích hợp nhất từ 8.2-8.8. Độ pH của nước tại khu vực địa lý dao động từ 7,3-8,2 hoàn toàn phù hợp với môi trường sống của cua biển. Mặt khác, khu vực địa lý ít chịu ảnh hưởng của bão nên hoạt động sinh lý của cua ít bị biến động mạnh.

 

Cua là loài ăn tạp và thường ăn rất nhiều. Ấu trùng thích ăn thực vật và động vật phù du; cua con chuyển dần sang ăn tạp (rong tảo, giáp xác, nhuyển thể, cá hoặc xác chết động vật): cua con 2-7 cm ăn chủ yếu là giáp xác, cua 7-13 cm thích ăn nhuyễn thể; cua lớn hơn thường ăn giáp xác, nhuyễn thể, xác chết của các loài động vật khác. 

 

Khu vực địa lý nằm ở hạ nguồn sông Cửu Long, có 4 nhánh sông lớn chảy qua trước khi đổ ra biển (sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Ba Lai và sông Cổ Chiên) mang theo 1 lượng phù sa rất lớn, ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm bùn cát. Lượng phù sa này cung cấp thức ăn dạng phù du cho cua biển, bồi đắp cho đất đai và đổ ra cửa sông lắng đọng tạo thành bãi bồi...

 

Khu vực địa lý có hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng sinh học cao. Đây là môi trường sống, nơi trú ẩn, bãi đẻ cho cua biển cũng như cung cấp thức ăn trực tiếp (mùn bã, lá, trái rụng…) và gián tiếp qua các động vật ăn mùn bã làm mồi cho các loài cá, cua biển và một số động vật ăn thịt khác...Khu vực địa lý có năng suất sinh học cao nhất trong các hệ sinh thái ven biển Đông Nam Việt Nam, cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên: phiêu sinh thực vật, phiêu sinh động vật, cá, giáp xác, nhuyễn thể... cho cua biển ở mọi giai đoạn sinh trưởng. Nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào và phong phú đã tạo cho “Cua biển Bến Tre” giàu các Axit amin, Protein, Lipit và các chất dinh dưỡng khác.  

 

Chất lượng đặc thù của các sản phẩm “Cua biển Bến Tre” còn được quyết định bởi cách thực hành sản xuất của người dân tại khu vực địa lý, cụ thể là:

 

Khác với nhiều vùng nuôi cua biển bằng phương thức bán thâm canh hoặc thâm canh ở mức độ cao (sử dụng thức ăn công nghiệp và kháng sinh), “Cua biển Bến Tre” được nuôi theo phương thức quảng canh (không sử dụng thức ăn công nghiệp và kháng sinh). Ngoài việc sử dụng thức ăn tự nhiên sẵn có trong ao/đầm (thực động vật phiêu sinh, tôm, cá... lấy vào ao/đầm khi thủy triều dâng), các nguồn thức ăn bổ sung cho cua là cá tạp khai thác tại chỗ, hoặc cá rô phi băm viên nhỏ... Nhiều hộ gia đình còn kết hợp nuôi cua xen cá rô phi làm nguồn thức ăn cho cua. Vì vậy, “Cua biển Bến Tre” có vị ngọt và mùi thơm (không tanh).

 

Kỹ thuật cải thiện môi trường ao/đầm nuôi cua và kiểm soát môi trường nuôi được tích lũy nhiều năm. Sau 2-3 vụ nuôi, ao/đầm nuôi “Cua biển Bến Tre” được nạo vét bùn, bón vôi để khử phèn, giải phóng độ phì tiềm tàng của đất. Nguồn nước trong ao/đầm cua thường xuyên được thay mới theo các đợt triều cường có kiểm soát độ mặn. Vì vậy, “Cua biển Bến Tre” luôn khỏe mạnh, cơ thể rắn chắc, thịt và gạch chắc.

 

Việc thu hoạch cua (thu tỉa, thu toàn bộ) có tính chọn lọc. Chỉ những con đủ tiêu chuẩn thương phẩm mới được thu, những con không đủ tiêu chuẩn được tiếp tục nuôi. Vì vậy, “Cua biển Bến Tre” luôn có chất lượng tốt.

 

Khu vực địa lý: Xã Thạnh Phong, xã Giao Thạnh, xã An Thuận, xã An Quy, xã An Điền, xã Thạnh Hải, xã An Nhơn, xã Mỹ Hưng, xã Mỹ An, thị trấn Thạnh Phú thuộc huyện Thạnh Phú; xã Thạnh Phước, xã Thới Thuận, xã Thừa Đức, xã Đại Hòa Lộc, xã Bình Thắng thuộc huyện Bình Đại; xã Bảo Thạnh, xã Bảo Thuận, xã Tân Xuân, xã An Thủy, xã Tân Thủy, xã An Hòa Tây, xã An Đức thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

 

Tài liệu tham khảo:  http://ipvietnam.gov.vn (Cục sở hữu trí tuệ)

 




 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Tập huấn nâng cao chất lượng tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học
• GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế
• Xu hướng tự chủ về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược hiện nay
• Mỏ Cày Nam tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
• Tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ IX năm 2022-2023
• Thành phố Bến Tre: Khơi dậy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh
• Chỉ đẫn địa lý – một trong các yêu cầu của nông nghiệp bền vững
• ChatGPT dùng để làm gì và mối đe dọa của nó đến một số ngành nghề
• Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương
• Bến Tre triển khai thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
• Thu nhập khá nhờ trồng hoa kiểng
• Trương Văn Dương – Gương mặt trẻ thành đạt
• Gạo giống nàng keo góp phần xây dựng thương hiệu gạo Bến Tre
• Đổi mới sáng tạo và các đặc tính của nó
• Bến Tre có 02 mã vùng trồng và 03 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc