Những nội dung cơ bản của quy chế hoạt động đoàn thanh tra

Luật Thanh tra được ban hành đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Người ra quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên của Đoàn thanh tra trong hoạt động thanh tra. Để cụ thể hoá các qui định của Luật Thanh tra về Đoàn thanh tra, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra, ngày 10 tháng 11 năm 2006, Tổng thanh tra đã ra Quyết định số 2151/2006/QĐ-TTCP về việc ban hành Quy chế Đoàn thanh tra. Quy chế gồm 5 chương 32 điều và có các nội dung chủ yếu sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc hoạt động của Đoàn thanh tra.

- Về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 của Quy chế xác định “Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra; quan hệ công tác của Đoàn thanh tra; khen thưởng và xử lý vi phạm đối với Đoàn thanh tra”. Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Quy chế không chỉ nhằm vào hoạt động của Đoàn thanh tra mà đã mở rộng cả về tổ chức của Đoàn thanh tra, nhằm đề cao trách nhiệm của các thành viên trong Đoàn thanh tra, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn thanh tra.

- Về đối tượng áp dụng: Theo quy định của Nghị định số 41/2005/NĐ-CP hoạt động thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính đều được thực hiện theo hình thức Đoàn thanh tra, trừ trường hợp hoạt động thanh tra được tiến hành bởi thanh tra viên chuyên ngành độc lập. Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng không phân biệt Đoàn thanh tra hành chính, Đoàn thanh tra chuyên ngành với Đoàn thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trên thực tế tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo tương tự như các Đoàn thanh tra hành chính, Đoàn thanh tra chuyên ngành. Xuất phát từ đó, Điều 2 của Quy chế quy định đối tượng áp dụng của Quy chế là “Đoàn thanh tra do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước thành lập để thực hiện nhiệm vụ thanh tra”.

- Về nguyên tắc hoạt động: Hoạt động của Đoàn thanh tra phải theo nguyên tắc bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; đúng nội dung, đối tượng, thời hạn ghi trong quyết định thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

2. Về cơ cấu tổ chức của Đoàn thanh tra

Để đảm bảo thống nhất trong tổ chức của Đoàn thanh tra, Điều 7 của Quy chế quy định “Đoàn thanh tra có Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên Đoàn thanh tra; trong trường hợp cần thiết, Đoàn thanh tra có Phó Trưởng đoàn thanh tra”.

Quy chế cũng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên của Đoàn thanh tra. Theo quy định tại các Điều 8, 9 thì Trưởng đoàn và các thành viên của Đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Trưởng đoàn có nhiệm vụ tổ chức việc xây dựng kế hoạch thanh tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo yêu cầu, nội dung kế hoạch thanh tra; trực tiếp chỉ đạo nghiệp vụ thanh tra cho thành viên Đoàn thanh tra; quyết định các biện pháp xử lý tình huống phát sinh trong quá trình thanh tra và báo cáo về tiến độ cuộc thanh tra với Người ra quyết định thanh tra.

- Thành viên Đoàn thanh tra có nhiệm vụ lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao và báo cáo Trưởng đoàn thông qua; chủ động sáng tạo thực hiện có kết quả nhiệm vụ được giao; tham gia xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và thực hiện các công việc khác liên quan đến cuộc thanh tra khi Trưởng đoàn giao.

Ngoài ra Quy chế cũng qui định việc thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; bổ sung thành viên Đoàn thanh tra (Điều 10).

3. Hoạt động của Đoàn thanh tra

3.1. Chuẩn bị thanh tra

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của hoạt động thanh tra và bảo đảm các hoạt động của Đoàn thanh tra trong giai đoạn chuẩn bị tiến hành thanh tra đạt chất lượng, Quy chế xác định trong giai đoạn chuẩn bị thanh tra, căn cứ vào yêu cầu, nội dung của cuộc thanh tra, "Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra trình Người ra quyết định thanh tra phê duyệt. Kế hoạch tiến hành thanh tra phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung cuộc thanh tra; phương pháp tiến hành thanh tra; tiến độ thực hiện. Trưởng đoàn thanh tra tổ chức họp Đoàn thanh tra để phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Đoàn thanh tra; tổ chức việc tập huấn nghiệp vụ cho thành viên Đoàn thanh tra khi cần thiết" (Điều 11, 12).

Về việc xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, theo Quy chế, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng đề cương căn cứ vào nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra được Người ra quyết định thanh tra phê duyệt. Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ nội dung, thời gian, hình thức báo cáo và những vấn đề khác liên quan. Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo phải được gửi cho đối tượng thanh tra trước khi công bố quyết định thanh tra.

3.2. Tiến hành thanh tra

Trong giai đoạn tiến hành thanh tra, Quy chế quy định Đoàn thanh tra tiến hành các công việc như: công bố quyết định thanh tra; yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin tài liệu; nhật ký hoạt động của Đoàn thanh tra; việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch thanh tra v.v…

Theo quy định tại Điều 14 của Quy chế “1. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra với cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Trước khi công bố quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra thông báo với đối tượng thanh tra về thời gian, thành phần tham dự, địa điểm công bố quyết định.

2. Thành phần tham dự buổi công bố quyết định thanh tra gồm có Đoàn thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra. Trong trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự.

3. Khi công bố quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra đọc toàn văn quyết định thanh tra, nêu rõ quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra; thông báo chương trình làm việc giữa Đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra và những công việc khác có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra.

4. Việc công bố quyết định thanh tra phải được lập thành biên bản”.

Đối với việc thu nhận báo cáo của đối tượng thanh tra, nghe đối tượng thanh tra báo cáo, “Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thu nhận văn bản báo cáo của đối tượng thanh tra làm cơ sở cho việc tiến hành thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra tổ chức cho Đoàn thanh tra nghe đại diện Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra báo cáo về những nội dung thanh tra theo đề cương đã yêu cầu” (Điều 15).

Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để thu thập các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, phân tích, đánh giá các thông tin tài liệu đã thu thập được; tiến hành kiểm tra, xác minh các thông tin tài liệu đó khi cần thiết làm cơ sở để kết luận các nội dung thanh tra. Việc kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra phải lập thành biên bản (Điều 16).

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn thanh tra, Quy chế này đã quy định về việc ghi nhật ký hoạt động của Đoàn thanh tra. Trong đó nêu rõ “1. Nhật ký Đoàn thanh tra là sổ ghi chép những hoạt động của Đoàn thanh tra, những nội dung có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra diễn ra trong ngày, từ khi có quyết định thanh tra đến khi bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan có thẩm quyền.

2. Nhật ký Đoàn thanh tra phải ghi rõ công việc do Đoàn thanh tra tiến hành, việc chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn thanh tra diễn ra trong ngày. Trong trường hợp có ý kiến chỉ đạo của Người ra quyết định thanh tra, có những vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra trong ngày thì phải ghi rõ trong nhật ký Đoàn thanh tra.

3. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm lập, ghi chép đầy đủ những nội dung quy định tại Khoản 2 Điều này vào nhật ký Đoàn thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Người ra quyết định thanh tra về tính chính xác, trung thực của nội dung nhật ký Đoàn thanh tra.

 4. Việc ghi nhật ký Đoàn thanh tra được thực hiện theo mẫu do Tổng thanh tra quy định và được lưu trong hồ sơ cuộc thanh tra (Điều 18).

Ngoài những vấn đề trên, Quy chế cũng quy định việc báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra, việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch thanh tra tại Điều 17 và Điều 19, 20.

3.3. Kết thúc thanh tra

Theo Quy chế thì kết thúc việc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải thông báo cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra biết việc kết thúc thanh tra tại nơi được thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức tổng hợp kết quả thanh tra, xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả thanh tra, lấy ý kiến của các thành viên vào dự thảo Báo cáo trước khi báo cáo Người ra quyết định thanh tra. Quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo, nếu có ý kiến khác nhau về nội dung của dự thảo Báo cáo kết quả thanh tra thì Trưởng đoàn quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình (Điều 21, 22). Về nội dung của Báo cáo kết quả thanh tra, Điều 23 của Quy chế qui định như sau:

“1. Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra. Báo cáo kết quả thanh tra phải có các nội dung sau đây:

a) Kết luận cụ thể về từng nội dung đã tiến hành thanh tra;

b) Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có);

c) Ý kiến khác nhau giữa thành viên Đoàn thanh tra với Trưởng đoàn thanh tra về nội dung báo cáo kết quả thanh tra (nếu có);

d) Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đó được áp dụng; kiến nghị biện pháp xử lý;

2. Trong trường hợp phát hiện có hành vi tham nhũng thì trong báo cáo kết quả thanh tra phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng theo các mức độ sau đây:

a) Yếu kém về năng lực quản lý;

b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý;

c) Bao che cho người có hành vi tham nhũng.

3. Trong báo cáo kết quả thanh tra phải nêu rõ các quy định pháp luật làm căn cứ để xác định tính chất, mức độ vi phạm, kiến nghị biện pháp xử lý.

4. Báo cáo kết quả thanh tra được gửi tới Người ra quyết định thanh tra. Trong trường hợp Người ra quyết định thanh tra là Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì báo cáo kết quả thanh tra cũng được gửi cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra cùng cấp”.

Khi được giao dự thảo Kết luận thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức xây dựng dự thảo kết luận. Dự thảo Kết luận thanh tra được xây dựng trên cơ sở Báo cáo kết quả thanh tra và chỉ đạo của Người ra quyết định thanh tra. Trong trường hợp Người ra quyết định thanh tra gửi dự thảo Kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra và đối tượng thanh tra có văn bản giải trình thì Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất với Người ra quyết định thanh tra hướng xử lý nội dung giải trình của đối tượng thanh tra. Dự thảo Kết luận thanh tra phải có các nội dung chính sau đây:

a) Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra;

b) Kết luận về nội dung được thanh tra;

c) Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có);

d) Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đó được áp dụng; kiến nghị các biện pháp xử lý (Điều 24);

ở giai đoạn này, Quy chế cũng quy định về việc công bố kết luận thanh tra; việc rút kinh nghiệm về hoạt động của Đoàn thanh tra và việc lập, bàn giao hồ sơ thanh tra.

Ngoài ra, Quy chế cũng quy định cụ thể về quan hệ công tác của Đoàn thanh tra, việc khen thưởng, xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra.

 Theo tạp chí Thanh tra

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường
• An Hòa Tây (Ba Tri) hội thảo đầu bờ mô hình sản xuất lúa hữu cơ
• Công tác thanh tra góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về Khoa học và Công nghệ
• Tăng cường thanh tra về đo lường, chất lượng hàng hóa dịp Tết Giáp Ngọ 2014
• Thanh tra, kiểm tra đo lường công tơ điện, đồng hồ nước lạnh tại các nhà cho thuê tháng trên địa bàn tỉnh Bến Tre
• Kết luận thanh tra hành chính đối với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
• Kết quả thanh tra diện rộng chuyên đề 2012 về khí dầu mỏ hóa lỏng, xăng dầu
• Kết quả thanh tra chuyên đề hàng đóng gói sẵn theo định lượng năm 2009
• 98% website thương mại điện tử Việt Nam phạm luật In
• Xử lý hành vi thiếu trách nhiệm, quan liêu trong giải quyết khiếu nại
• Cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập
• Tranh chấp tên miền trùng với tên thương hiệu: Bao giờ mới có hồi kết?
• Tình hình thực hiện Chương trình hành động 168
• Danh sách các cơ sở vi phạm trong năm 2006
• Hoạt động thanh tra khoa học và công nghệ năm 2006